Vì sao phụ nữ dễ bị thiếu máu hơn nam giới?

Phụ nữ thiếu máu có nguy cơ bị băng huyết sau sinh cao hơn

Thiếu máu là tình trạng máu có ít huyết sắc tố hoặc hồng cầu cần thiết để vận chuyển oxy đến các mô cơ thể. Thiếu máu được xác định dựa trên tuổi tác, giới tính và tình trạng sinh lý. Bệnh thiếu máu thường là triệu chứng của một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như nhiễm trùng, thiếu chất dinh dưỡng, các bệnh mạn tính, các vấn đề phụ khoa hoặc rối loạn hồng cầu di truyền.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu máu có thể do dinh dưỡng kém, nhiễm trùng, bệnh mạn tính, kinh nguyệt nhiều, mang thai và tiền sử gia đình. Nguyên nhân thường thấy là do thiếu chất sắt trong máu.

Nguyên nhân gây thiếu máu ở phụ nữ

Hạn chế hấp thu sắt và vitamin

Bác sĩ Shakuntla Kumar, chuyên gia về sản phụ khoa và phẫu thuật nội soi, Bệnh viện MD Nulife (Ấn Độ) cho biết, thiếu sắt là yếu tố dinh dưỡng phổ biến nhất gây thiếu máu, thường là do chế độ ăn uống không đủ chất sắt. Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác như vitamin A, folate, vitamin B12 và riboflavin cũng có thể dẫn đến thiếu máu do vai trò của chúng trong quá trình tổng hợp huyết sắc tố và sản sinh hồng cầu. Các yếu tố khác cũng góp phần gây thiếu máu gồm mất chất dinh dưỡng, suy giảm khả năng hấp thu và lượng sắt dự trữ thấp bẩm sinh.

Rối loạn di truyền và chu kỳ kinh nguyệt 

Một số yếu tố như: Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt như rong kinh mất máu nhiều lâu ngày, cơ thể cần tạo nhiều máu hơn để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi, mất máu trong và sau khi sinh con (chủ yếu trong các trường hợp băng huyết sau sinh) có thể dẫn đến thiếu máu. Ngoài ra, rối loạn hồng cầu di truyền cũng là nguyên nhân gây thiếu máu, ví dụ bệnh thiếu máu di truyền, rối loạn hồng cầu hình liềm, các bệnh lý huyết sắc tố khác, bất thường về enzym hồng cầu hoặc bất thường của màng tế bào hồng cầu.

Sự viêm nhiễm

Theo bác sĩ Shakuntla Kumar, thiếu máu cũng có thể xảy ra do một số bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là do tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm cao như sốt rét, lao, HIV và nhiễm ký sinh trùng. Những bệnh truyền nhiễm này có thể làm gián đoạn quá trình hấp thu chất dinh dưỡng trong máu và sự trao đổi chất, hoặc gây mất chất dinh dưỡng dẫn đến thiếu máu.

Hơn nữa, các tình trạng mạn tính gây viêm cũng có thể dẫn đến thiếu máu do viêm hoặc thiếu máu do bệnh mạn tính. Nhiễm HIV có thể gây thiếu máu thông qua nhiều cơ chế khác nhau, gồm sự sản sinh hồng cầu không hiệu quả hoặc phá hủy quá mức các tế bào hồng cầu, mất máu và tác dụng phụ của việc điều trị bằng thuốc. 

Thiếu máu ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ thế nào?

Về tình trạng thiếu máu ở phụ nữ mang thai, phụ nữ bị thiếu máu có thể có nguy cơ băng huyết sau sinh khi sinh con. Điều này là do thiếu máu có thể khiến tử cung không thể co hồi sau khi em bé ra đời, cơ tử cung không co đủ mạnh, máu vẫn tiếp tục chảy tự do dẫn đến băng huyết, mất máu quá nhiều. Do đó, mẹ bầu cần lưu ý khám thai định kỳ giúp xác định và kiểm soát tình trạng thiếu máu trong thời gian này, làm giảm đáng kể nguy cơ băng huyết sau sinh. Ngoài ra, cần cung cấp chất bổ sung sắt, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và thường xuyên theo dõi nồng độ huyết sắc tố.

 
 
Nguyễn Thanh (Theo Onlymyhealth)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Huyết học