Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng môi khô

Làm thế nào để môi không bị khô và bong tróc khi trời lạnh?

Tự làm mặt nạ dưỡng môi “đánh bay” khô môi, nứt nẻ

Tuyệt chiêu dưỡng môi căng mọng cho các cô nàng văn phòng

7 dấu hiệu bất thường ở môi cảnh báo vấn đề sức khỏe

6 thói quen hàng ngày đang làm khô đôi môi của bạn

Nguyên nhân môi khô và nứt nẻ

Theo các chuyên gia từ Hệ thống y tế Cleveland Clinic, Mỹ, da môi mỏng hơn và nhạy cảm hơn các vùng da còn lại trên cơ thể và vì môi không có tuyến dầu nên dễ bị khô và nứt nẻ hơn. Một số nguyên nhân thường gặp khiến môi dễ bị khô, nứt nẻ và bong tróc hơn gồm:

Điều kiện thời tiết

Thời tiết lạnh khô làm mất đi độ ẩm trên môi, gây khô môi. Sử dụng máy sưởi cũng khiến không khí khô hơn và khiến môi bị khô. Ngoài ra, theo Học viện Da liễu Mỹ, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời cũng làm môi nứt nẻ và bong tróc, nhất là môi không được thoa kem chống nắng đều đặn.

Mất nước

Môi khô và nứt nẻ khi bạn không cung cấp đủ nước cho cơ thể. Các dấu hiệu mất nước gồm khát, nước tiểu vàng đậm, đau đầu, mệt mỏi hoặc uể oải, táo bón.

Dị ứng với một số sản phẩm

Nếu môi khô, bong tróc kèm với tình trạng bỏng rát thì nguyên nhân có thể do dị ứng sản phẩm nào đó bạn đang sử dụng cho môi. Thành phần propyl gallate trong son môi có thể gây dị ứng khi tiếp xúc. Nếu bạn bắt đầu dùng son mới và thấy môi khô hơn, tốt nhất bạn nên ngừng sử dụng.

Ngoài son môi, kem đánh răng hoặc nước súc miệng cũng có thể gây khô môi do chứa thành phần guaiazulene hoặc sodium lauryl sulfate (SLS), mùi cồn hoặc hương bạc hà mạnh.

Thực phẩm chứa chất gây kích ứng

Một số chất tạo màu đỏ hoặc hương quế trong các loại kẹo, viên ngậm, kẹo cao su và nước súc miệng có thể gây nứt nẻ môi. Ngoài ra, nước ép từ trái cây họ cam quýt cũng có khả năng kích ứng môi và gây phản ứng như nứt nẻ môi.

Phản ứng với một số vitamin

Cơ thể thiếu vitamin và khoáng chất như kẽm, sắt và vitamin A có thể gây khô môi. Tuy nhiên bổ sung quá nhiều vitamin A có thể dẫn đến bong tróc môi và khô miệng, đặc biệt nếu dùng hơn 25.000 IU mỗi ngày. Một số người cũng dị ứng với thành phần cobalt khi bổ sung vitamin B12, biểu hiện là môi sưng và đóng vảy tái phát không rõ nguyên nhân, tình trạng này nặng hơn khi tiếp xúc với gió và ánh nắng mặt trời.

Tình trạng sức khỏe

Một số vấn đề sức khỏe như: Viêm môi ánh sáng (Actinic Cheilitis) là tình trạng ánh sáng mặt trời gây tổn thương lớp mô ngoài của môi, nhiễm nấm Candida và suy giáp có thể khiến môi nứt nẻ nhiều. Một số loại thuốc cũng gây khô miệng và môi như thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm và một số thuốc giảm đau.

Ngủ ngáy

Thở miệng làm cho không khí liên tục phải đi qua đôi môi và là nguyên nhân môi bị khô nứt. Những người ngủ ngáy hoặc mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thường thở miệng và thường xuyên thức dậy với đôi môi khô và nứt nẻ sáng hôm sau.

Liếm môi thường xuyên

Việc liếm môi nhiều lần trong 1 ngày khiến tình trạng khô môi thêm nghiêm trọng. Thói quen này khiến môi bị mất nước, vì nước bọt bay hơi nhanh và làm giảm độ ẩm của môi.

Cách ngăn ngừa và cải thiện tình trạng môi khô

Tránh yếu tố kích ứng

Nếu môi khô do mỹ phẩm hoặc đồ ăn nào đó, bạn nên ngưng sử dụng. Tương tự nếu do bổ sung vitamin A hoặc vitamin B12, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc có phương pháp bổ sung phù hợp. Nếu nghi ngờ do tình trạng sức khỏe, bạn nên đi khám để có các biện pháp kiểm soát triệu chứng.

Thoa chất làm mềm

Thoa son dưỡng môi đều đặn trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy giúp giảm khô môi

Thoa son dưỡng môi đều đặn trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy giúp giảm khô môi

Đều đặn thoa son dưỡng môi có chất làm mềm, không hương liệu và không gây dị ứng giúp cải thiện tình trạng môi khô và nứt nẻ. Trong đó, nên ưu tiên những sản phẩm trong thành phần chứa ceramides, lanolin hoặc bơ hạt mỡ. Trước khi ra ngoài, bạn nên thoa son dưỡng môi chứa chỉ số nắng SPF. Bỏ thói quen liếm môi.

Dùng máy tạo độ ẩm

Máy tạo độ ẩm giúp phục hồi độ ẩm trong không khí, ngăn ngừa cũng như chữa lành đôi môi nứt nẻ. Nếu không có máy tạo độ ẩm, có thể cân bằng độ ẩm tự nhiên của không khí trong nhà bằng cách trồng cây.

Uống nhiều nước hơn

Nếu khô môi do mất nước, bạn nên uống nhiều nước hơn trong ngày. Theo Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ, hầu hết người trưởng thành cần uống từ 9 đến 12,5 cốc nước mỗi ngày.

Tham khảo thuốc mỡ Hydrocortisone

Bác sĩ có thể kê toa thuốc mỡ Hydrocortisone 2,5% nếu bạn bị nứt nẻ môi nghiêm trọng, thuốc có thể bôi đến 4 lần/ngày. Tuy nhiên, nếu nứt nẻ môi do nhiễm trùng, bạn sẽ được kê thuốc kháng sinh thay vì thuốc Hydrocortisone.

 
Nguyễn Thanh (Theo Live Strong)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Da liễu