- Chuyên đề:
- Bà bầu và trẻ sơ sinh
Hệ miễn dịch của bà bầu sẽ kém hơn bình thường, dễ mắc các bệnh viêm nhiễm lúc giao mùa
Bà bầu cần tránh những thực phẩm nào để có thai kỳ khỏe mạnh?
Dinh dưỡng cho bà bầu: Ăn gì để có thai kỳ khỏe mạnh?
Bà bầu nên tăng bao nhiêu cân trong thai kỳ là hợp lý?
Tầm quan trọng của acid folic với phụ nữ mang thai
Cúm mùa
Thời tiết đầu Thu thường thay đổi đột ngột, lúc nóng bức, lúc khô hanh khiến cho các loại virus phát triển và lan nhanh. Đây cũng là giai đoạn bệnh cúm vào mùa, lây lan nhanh.
Năm nay, cúm A đã bùng phát trái mùa từ tháng 7, nhưng vẫn có thể tiếp tục lây lan trong mùa Đông. Phụ nữ mang thai lại là đối tượng cần thận trọng với biến chứng do bệnh cúm. Lá phổi của người mẹ cần nhiều oxy hơn, đặc biệt là trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ. Trong khi đó, virus cúm lại tấn công vào hệ hô hấp, có thể gây biến chứng viêm phế quản, viêm phổi.
Một số chủng cúm nặng còn làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và sinh con nhẹ cân. Vì thế, Phụ nữ có ý định mang thai được khuyên tiêm vaccine phòng cúm từ sớm. Ngoài ra, chủng ngừa cúm cũng là biện pháp an toàn trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, từ vài tuần đầu tiên cho đến ngày dự sinh.
Bệnh sởi
Phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch suy yếu rất dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm như bệnh sởi. Trong trường hợp không được phát hiện và điều trị kịp thời, mắc sởi khi mang thai gây nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và sự phát triển thai nhi.
Bà bầu chẳng may mắc sởi có nguy cơ sảy thai (cao nhất ở 3 tháng đầu thai kỳ), thai chết lưu (nguy cơ cao ở 3 tháng cuối), sinh non; Trẻ sinh ra bị nhẹ cân hoặc nhiễm sởi tiên phát.
Dịch sởi thường có tính chu kỳ 3-5 năm. Ở nước ta, vaccine sởi đã có trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, nhưng nhiều trường hợp chưa được tiêm phòng đầy đủ. Đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai, cần tiêm phòng 2 mũi vaccine sởi trong trường hợp chưa tiêm mũi nào trước đây. Phụ nữ đang mang thai không nên tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella. Thay vào đó, người mẹ cần thận trọng khi tiếp xúc với đám đông, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên để phòng bệnh.
Viêm đường hô hấp
Thời tiết đầu mùa Thu ở miền Bắc với nhiệt độ chênh lệch lớn, không khí khô khiến niêm mạc đường hô hấp dễ kích ứng. Phụ nữ mang thai vì thế mà dễ bị cảm lạnh, ho và nhiều vấn đề về đường hô hấp trên.
Triệu chứng thường gặp là đau họng, sổ mũi/ngạt mũi, hắt hơi liên tục, đôi khi kèm sốt… Sốt cao nếu không được kiểm soát có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Ngoài ra, tình trạng ho sốt khiến bà bầu chán ăn, hấp thu dinh dưỡng kém, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của thai nhi.
Với cảm lạnh thông thường, bạn chỉ cần nghỉ ngơi, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, uống nhiều nước để cơ thể nhanh khỏi. Để giảm triệu chứng, bà bầu không nên tự ý mua thuốc uống giảm ho, hạ sốt mà không hỏi ý kiến bác sỹ. Tránh tuyệt đối aspirin vì thuốc này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi và quá trình chuyển dạ. Chỉ dùng kháng sinh khi được bác sỹ thăm khám, kê đơn, bởi kháng sinh không có tác dụng với virus gây cảm lạnh.
Bình luận của bạn