Những công tác y tế nổi bật trong Quý II năm 2023

TS.BS.Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế báo cáo về một số kết quả công tác y tế nổi bật trong Quý II năm 2023 - Ảnh: MOH.

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng

Ca mắc tay chân miệng tăng, Bộ Y tế yêu cầu siết chặt phòng chống dịch

Bộ Y tế: Thuốc nhập khẩu điều trị bệnh tay chân miệng nặng sắp về Việt Nam

Bộ Y tế chấn chỉnh việc mua bán trứng, tinh trùng tràn lan

Một số kết quả công tác y tế nổi bật trong Quý II năm 2023

1. Tích cực hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý

Ngành y tế luôn coi công tác hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Bộ Y tế đã tham mưu, trình Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản chính sách về y tế nhằm bổ sung, hoàn thiện để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển ngành y tế.

Bộ Y tế đã trình Ban Bí thư về báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới.

Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội báo cáo giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024.

Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định, 01 Nghị quyết, 01 Chương trình.

Bộ Y tế đã ban hành theo thẩm quyền 12 Thông tư tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai các lĩnh vực của ngành y tế.

Tập trung hoàn thiện các dự án Luật như Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi), Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), Luật phòng bệnh, Luật Thiết bị y tế, Luật Dân số. Đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham mưu Chính phủ sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá và các Thông tư liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác mua sắm, đấu thầu thuốc (trong đó có các thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung), trang thiết bị y tế.

2. Kiểm soát được dịch COVID-19 đảm bảo đủ điều kiện chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B

Từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5/2023, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc (giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022); ghi nhận 20 ca tử vong do COVID-19, tỉ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02% (năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%). Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19. Hiện nay, tỉ lệ người bệnh COVID-19 nhập viện thấp hơn; tỉ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Số liều vaccine COVID-19 đã tiêm trên 100 người dân tại Việt Nam cao hơn 1,6 lần so với trung bình của thế giới. Tỉ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới và tỉ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới. Đến nay, tổng số liều vaccine đã tiêm là hơn 266 triệu. Tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 82,0%; tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,3%; tỉ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69,4%; tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92,5% và 76,6%.

Căn cứ với tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam, đối chiếu các quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và theo khuyến cáo cập nhật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế đã đề xuất điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B với 3 lý do sau đây:

- Theo WHO, SARS-CoV-2 (virus gây ra bệnh COVID-19) vẫn là vi rút có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc và tỉ lệ tử vong giảm mạnh, tương đương hoặc thấp hơn tỉ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B trong 05 năm gần đây như: Sốt xuất huyết, Sốt rét, Bạch hầu, Ho gà,…

- Đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là virus SARS-CoV-2.

- Bệnh COVID-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyễn nhiễm nhóm B theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm: Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Ngày 03/6/2023, tại Phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thống nhất đủ điều kiện chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B. Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.

3. Về công tác khám bệnh, chữa bệnh

Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đang phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, đặc biệt là tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn cho tuyến dưới.

4. Dược, trang thiết bị y tế

Bộ Y tế đã quyết liệt tháo gỡ những “nút thắt” về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế góp phần khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế, cụ thể:

+ Tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc để đảm bảo nguồn cung về thuốc; Đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược;

+ Ban hành các Thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc;

+ Tổ chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ cấp phép;

+ Chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan;

+ Thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuốc Bộ;

+ Đẩy nhanh tiến độ mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá;

+ Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công bố công khai thông tin thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ đấu thầu.

+ Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cán bộ, công chức y tế.

+ Thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

+ Khẩn trương triển khai việc hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung với dự kiến hình thành 3-6 trung tâm trên cả nước,…

+ Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, đề xuất sửa đổi một số nội dung đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi.

Kết quả từ đầu 2023 đến nay, Bộ Y tế đã công bố 04 đợt với tổng số 10.572 thuốc (8.204 thuốc trong nước, 2.143 thuốc nước ngoài, 225 vaccine, sinh phẩm) được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết ngày 31/12/2024 theo Nghị quyết số 80/2023/QH15. Cấp phép cho gần 3.000 thuốc chưa có số đăng ký theo quy định của Luật Dược, hiệu lực 3-5 năm; hiện có khoảng 22.000 số đăng ký thuốc có visa lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại. Đồng thời, gia hạn hiệu lực cho trên 12.500 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đến hết ngày 31/12/2024; cấp số lưu hành hơn 44.000 trang thiết bị y tế (loại A: 27.847 hồ sơ; loại B: 14.508 hồ sơ; loại C, D: 1.673 hồ sơ).

5. Một số hoạt động truyền thông y tế nổi bật

Bộ Y tế đã tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 cho trẻ em trên toàn quốc từ ngày 01/6/2023; Đăng cai tổ chức thành công Hội nghị cấp cao lần thứ 49 của Ban Điều hành Quỹ Toàn cầu và phối hợp với Quỹ Toàn cầu tổ chức nhiều sự kiện quan trọng trong kỳ họp từ ngày 08-12/05/2023; phát động Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5 năm 2023 với Chiến dịch truyền thông “Nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ Việt Nam”,…

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Bộ Y tế cũng đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý ngành Y tế; Tiếp tục chủ động kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh; Nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách tạo sự đồng thuận của toàn xã hội.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin