Bệnh bạch cầu thường được các bác sĩ và chuyên gia thú y ví von như "một kẻ thù" của loài mèo
6 bệnh về mắt thường gặp ở mèo
4 cách giúp mèo cưng chăm uống nước
Chó mèo cũng mắc bệnh mạn tính
Mèo có thể ăn thức ăn dành cho cún không?
Bệnh bạch cầu là một loại retrovirus gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mèo cưng. Theo nghiên cứu của Trung tâm Sức khỏe Mèo Cornell (Mỹ), virus gây bệnh bạch cầu (FeLV) là một trong những tác nhân gây bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất ở mèo tại đất nước này, với tỷ lệ nhiễm bệnh ước tính từ 2% đến 3% tổng số mèo.
FeLV là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe của mèo, gây ra nhiều loại ung thư và làm suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng. Mèo nhiễm FeLV thường phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng khác nhau, từ đó dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như thiếu máu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mèo cưng mà còn mang đến nguy cơ tử vong.
Theo Hướng dẫn kiểm tra và quản lý bệnh Retrovirus ở mèo năm 2020 của Hiệp hội Bác sĩ Thú y mèo (American Association of Feline Practitioners – AAFP), bệnh nhiễm trùng bạch cầu ở mèo được chia thành 3 loại:
- Nhiễm trùng FeLV không phát triển đầy đủ: Khi mèo tiếp xúc và nhiễm virus FeLV, chúng có thể chống lại nhờ hệ thống miễn dịch và loại bỏ nhiễm trùng. Hầu hết mèo tiếp xúc với FeLV đều thuộc dạng này
- Nhiễm trùng FeLV thoái trào: Trong các trường hợp bị nhiễm trùng thoái trào, hệ thống miễn dịch của mèo thành công loại bỏ virus trong máu nhưng trong tuỷ xương thì vẫn còn. Mèo mắc FeLV dạng này thường không lây nhiễm nhưng virus có thể tái hoạt động trong tương lai.
- Nhiễm trùng FeLV tiến triển: 85% mèo bị nhiễm FeLV tiến triển thường tử vong trong vòng 3 năm sau khi được chẩn đoán. Đây cũng là dạng nhiễm trùng bạch cầu mà các “sen” lo lắng nhất vì mèo cưng không thể tự chống lại virus khiến cho sức khoẻ càng ngày càng giảm sút.
Bệnh bạch cầu ở mèo có lây không?
FeLV có khả năng lây truyền cao giữa các cá thể. Virus gây bệnh có thể lây lan qua nhiều đường khác nhau, bao gồm máu, nước bọt, dịch tiết mũi, nước mắt, sữa, nước tiểu và phân. Mèo thường truyền nhiễm cho nhau thông qua vết cắn, quá trình chải chuốt hoặc thậm chí từ mẹ sang con, cả trong quá trình mang thai và cho con bú.
Mặc dù ít phổ biến hơn nhưng virus cũng có thể lây lan qua các vật dụng chung như bát ăn, bát uống hoặc hộp cát. Điều đáng lưu ý là mèo nhiễm FeLV vẫn có thể lây truyền virus ngay cả khi không có biểu hiện bệnh.
FeLV chỉ lây lan giữa mèo với mèo chứ không lây sang các vật nuôi khác hoặc lây sang người.
Triệu chứng của bệnh bạch cầu ở mèo
Thời gian ủ bệnh bạch cầu ở mèo có thể rất dài. Nhiều cá thể vẫn duy trì trạng thái sức khỏe ổn định trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi nhiễm virus. Khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện, chúng thường tiến triển theo chiều hướng xấu dần, xen kẽ những giai đoạn thuyên giảm tạm thời.
Các triệu chứng của bệnh bạch cầu ở mèo bao gồm:
- Mệt mỏi
- Ít vận động, giảm cân
- Chán ăn
- Sốt
- Nướu có màu nhợt nhạt
- Vàng da (thường thấy ở cùng quanh miệng, tai và mắt)
- Sưng hạch bạch huyết
- Khó thở
- Nhiễm trùng tái phát
- Viêm khoang miệng
- Thay đổi hành vi, rối loạn thần kinh, co giật
- Các vấn đề về mắt
- Vô sinh, sảy thai
Cách kiểm tra bệnh FeLV cho mèo cưng
Hiện nay, việc chẩn đoán nhiễm virus FeLV đã trở nên thuận tiện hơn nhờ các xét nghiệm huyết thanh. Trong đó, xét nghiệm ELISA để phát hiện kháng nguyên p27 là phương pháp được sử dụng rộng rãi. Với độ nhạy cao, xét nghiệm này có thể phát hiện nhiễm trùng sớm, ngay cả khi mèo chưa biểu hiện triệu chứng.
Để đảm bảo độ chính xác, xét nghiệm nên được thực hiện sau khoảng 30 ngày tiếp xúc với nguồn lây nhiễm nghi ngờ. Việc xét nghiệm FeLV định kỳ, đặc biệt trước khi đưa mèo mới về nhà hoặc khi mèo có dấu hiệu bệnh lý, là một biện pháp phòng ngừa quan trọng nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh và đảm bảo sức khỏe cho mèo cưng.
Phòng ngừa FeLV
Để phòng ngừa FeLV, biện pháp hiệu quả nhất là hạn chế tối đa tiếp xúc giữa mèo cưng của bạn với những cá thể mèo nhiễm bệnh. Hạn chế thả rông mèo hoặc dẫn chúng đi dạo bằng dây xích trong không gian an toàn là hình thức lý tưởng để bảo vệ sức khoẻ mèo cưng. Đặc biệt, mèo con, mèo ốm yếu và những cá thể có hệ miễn dịch suy giảm cần được bảo vệ nghiêm ngặt, tránh tiếp xúc với các trường hợp có tiền sử bệnh lý không rõ ràng.
Đối với những gia đình đã có mèo dương tính với FeLV, việc đưa thêm thành viên mới vào gia đình cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Áp lực từ môi trường mới có thể làm suy giảm thêm hệ miễn dịch vốn đã yếu của mèo bệnh, do đó, việc tách riêng các cá thể dương tính và âm tính là giải pháp tối ưu để ngăn ngừa lây nhiễm.
AAFP khuyến cáo nên tiêm vaccine cho tất cả mèo con dưới 2 tuổi và sớm nhất là từ 8 tuần tuổi. Sau mũi tiêm đầu tiên, các "sen" cần tiêm mũi nhắc lại trong 1 năm sau đó. Cơ thể mèo cần ít nhất hai đến ba tuần để hình thành kháng thể bảo vệ. Do đó, trong giai đoạn này, nên giữ mèo cưng trong nhà và tránh tiếp xúc với những chú mèo khác để đảm bảo vaccine phát huy tối đa công dụng.
Bình luận của bạn