Những điều cần biết về hội chứng "sương mù não" hậu COVID-19

Những điều cần biết về hội chứng "sương mù não" hậu COVID-19.

Làm gì để phòng tránh “sương mù não” hậu COVID-19?

Cảnh giác với hội chứng “sương mù não” hậu COVID-19

6 biện pháp tự nhiên giúp cải thiện chứng "sương mù não"

"Sương mù não bộ" và cách khắc phục trong 7 ngày

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa PLoS Medicine cho thấy, nhiều người sau khi mắc COVID-19 không để lại di chứng gì, tuy nhiên cứ 3 người thì có 1 người có thể tiếp tục gặp phải các vấn đề về sức khỏe trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng. Tình trạng này thường được gọi là COVID-19 kéo dài (hậu COVID-19) bao gồm các triệu chứng của COVID-19 tiếp diễn và những vấn đề về nhận thức khác. 

Một vấn đề phổ biến và đặc biệt rắc rối với COVID-19 kéo dài là sự suy giảm nhận thức, hay còn gọi là hội chứng "sương mù não". Đi kèm với các triệu chứng khác của COVID kéo dài bao gồm: kiệt sức, khó thở, đau đầu, khó ngủ, ho, choáng váng và thay đổi vị giác và khứu giác, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

Thuật ngữ “sương mù não COVID-19” thường được sử dụng để biểu thị về những suy sụp tinh thần mà nhiều người đang trải qua do căng thẳng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên đối với những bệnh nhân COVID-19 hồi phục sau giai đoạn cấp tính nhưng vẫn tiếp tục gặp các triệu chứng trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng, thuật ngữ này biểu thị một điều gì đó nghiêm trọng hơn nhiều: Nó mô tả sự mất trí nhớ, các vấn đề tập trung và các vấn đề nhận thức khác.

Sương mù não là gì?

"Sương mù não" không phải là một thuật ngữ chuyên môn, mà là một cách viết để mô tả các triệu chứng ảnh hưởng đến suy nghĩ. Mỗi người sẽ biểu hiện khác nhau có thể bao gồm: lú lẫn, mất trí nhớ, khó nhớ từ, suy nghĩ chậm, khó tập trung và dễ mất tập trung. Nhiều người mô tả chứng “sương mù não” ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống hàng ngày, ví dụ đi đến tủ lạnh lấy bột giặt hay nhìn chằm chằm vào máy tính cố gắng viết nhưng không nhớ được chủ đề… "Sương mù não" còn được cho là làm ảnh hưởng lớn đến công việc khiến nhiều người phải cố gắng để duy trì hiệu quả và thậm chí có người đã phải bỏ việc.

Tại sao não lại có thể xuất hiện “sương mù"?

Lý do gây ra sương mù não đến nay vẫn chưa rõ ràng. Ảnh: Everyday Health

Lý do gây ra sương mù não đến nay vẫn chưa rõ ràng. Ảnh: Everyday Health

Theo Everydayhealth, lý do gây ra sương mù não vẫn chưa rõ ràng. Theo một số chuyên gia, nguyên nhân rất có thể liên quan đến chứng viêm do phản ứng miễn dịch của cơ thể tạo ra chứ không phải virus. Phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức được cho là nguyên nhân gây ra các triệu chứng khác của COVID-19, bao gồm các vấn đề về hô hấp thường khiến bệnh nhân phải nhập viện. 

Cũng có ý kiến cho rằng bản thân virus bằng cách nào đó xâm nhập vào não. Nhưng cho đến nay, xét nghiệm dịch tủy sống (từ não) và khám nghiệm tử thi đã không chứng minh được điều này đối với phần lớn các trường hợp COVID-19. Tổn thương thực thể đối với não rất hiếm.

Phương pháp điều trị

 

Khi bệnh nhân phàn nàn về chứng "sương mù não", Serena Spudich - Giáo sư thần kinh học tại Trường Y Đại học Yale ở New Haven (Mỹ) cho biết, bước đầu tiên là khám sức khỏe toàn diện để loại trừ các nguyên nhân y tế khác. Sau đó, bệnh nhân có thể được giới thiệu về liệu pháp phục hồi nhận thức.

Jennifer Wethe, tiến sỹ, nhà tâm lý học thần kinh tại tại Mayo Clinic giải thích: "Phục hồi nhận thức cũng giống như liệu pháp vật lý, nhưng nó dành cho não bộ".

Nhiều khi, vấn đề thực sự không phải là trí nhớ đơn thuần mà là “trí nhớ làm việc” hay sự tập trung, về cơ bản là lượng thông tin mà bạn có thể xử lý cùng một lúc. Một số chuyên gia cho rằng trong thời gian này, những người mắc hội chứng "sương mù não" nên sử dụng điện thoại thông minh để theo dõi các công việc trong ngày, đặt các cuộc lịch hẹn và sử dụng các ứng dụng nhắc nhở và ghi chú.

Giới chức y tế hiện không thể dự đoán tình trạng sương mù não sau COVID-19 sẽ tồn tại trong bao lâu, nhưng TS Spudich cho rằng, trong nhiều trường hợp, sương mù có thể tự phân tán và bệnh nhân sẽ dần tự khỏi. Trong khi các nhà khoa học đang tiếp tục tìm hiểu thêm về vấn đề này, những nhà thần kinh học cũng đang tìm kiếm các liệu pháp giúp cải thiện và đẩy nhanh tốc độ phục hồi của người bệnh.

 

Trong một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 7/2021 trên Tạp chí The Lancet’s EClinical Medicine, với sự tham gia của 3.762 người được xác nhận hoặc nghi ngờ mắc COVID-19, 85% trong số đó được báo cáo về tình trạng "sương mù não". Một nghiên cứu khác cũng được công bố vào tháng 7/2021 trên Tạp chí Khoa học Thần Kinh (Journal of the Neurological Sciences) cho thấy, một nửa trong số những người nhập viện vì COVID-19 đã bị giảm khả năng suy nghĩ và các hoạt động hàng ngày 6 tháng sau khi xuất viện, đi kèm với các triệu chứng khác của COVID-19 chưa biến mất hoàn toàn và vẫn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ.

Hiệp Nguyễn (Everyday Health/Mayoclinic/NBCNews)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn