Những điều cần biết về mũi tiêm vaccine COVID-19 liều tăng cường

Những điều cần biết về mũi tiêm vaccine COVID-19 liều tăng cường.

Vaccine COVID-19 của Pfizer & BioNTech hiệu quả cao sau mũi tiêm thứ 3

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành tiêm vaccine mũi 3 vào đầu năm 2022

Đà Nẵng: Cao điểm tiêm vaccine mũi 3 phòng COVID-19

Bộ Y tế rút ngắn khoảng cách tiêm vaccine COVID-19 nhắc lại

Trong bối cảnh Omicron lây lan nhanh chóng, giới chức y tế nhiều nước hối thúc người dân tiêm liều tăng cường để nâng cao khả năng phòng vệ. Nghiên cứu của Israel và Mỹ cho thấy khả năng miễn dịch từ vaccine sẽ suy yếu sau 6 đến 8 tháng.

Liều tăng cường có hiệu quả trước biến thể Omicron?

Mặc dù vẫn còn nhiều tranh luận về mức độ nguy hiểm của Omicron, nhưng hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng liều vaccine COVID-19 tăng cường đủ sức bảo vệ người dùng trước các biến chủng.

Omicron mang hơn 50 đột biến gene, khoảng 30 trong đó là ở protein gai nằm trên bề mặt virus. Những thay đổi này giúp virus vượt qua kháng thể, nhưng chúng không "né" được vaccine hoàn toàn. Hệ miễn dịch của con người có nhiều tuyến phòng thủ. Một mũi tiêm tăng cường cung cấp cho cơ thể bạn nhiều kháng thể trung hòa hơn để chống lại virus.

Các thử nghiệm sơ bộ từ Pfizer và Moderna đều hứa hẹn. Các mẫu máu thu được từ những người được tiêm nhắc lại sau 1 tháng cho thấy mức độ đáng kể của các kháng thể trung hòa chống lại biến thể. Liều thứ ba vaccine Pfizer giúp tăng lượng kháng thể lên 25 lần, nâng mức bảo vệ chống biến chủng lên 95%, hiệu quả tương đương hai liều đầu tiên trước chủng virus gốc.

Còn liều tăng cường vaccine Moderna cũng cải thiện khả năng trung hòa biến chủng Omicron so với hai mũi trước đó. Nghiên cứu của hãng cho thấy kháng thể trong máu các tình nguyện viên được tiêm liều tăng cường có thể ngăn ngừa cả Omicron và Delta. Mũi vaccine tăng cường có công thức giống với hai mũi đầu tiên. Tuy nhiên, vaccine Moderna mũi nhắc lại chỉ được tiêm nửa liều (50 microgam).

Không có loại vaccine nào hiệu quả 100% và nhiều người vẫn sẽ có nguy cơ mắc COVID-19 sau khi tiêm chủng. Nếu điều này xảy ra, hệ miễn dịch của bệnh nhân tiếp tục hoạt động để loại bỏ virus. Đây là lý do tại sao người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc tiêm mũi tăng cường có nguy cơ chuyển nặng, nhập viện thấp hơn.

Sẽ có liều vaccine tăng cường dành riêng cho Omicron?

Mặc dù các nhà khoa học có thể phát triển ra những liều vaccine tăng cường dành riêng cho từng loại biến thể, nhưng còn quá sớm để biết liệu nó có cần thiết hay không?

Các báo cáo sơ bộ cho thấy Omicron lây lan nhanh, nhưng triệu chứng ít nghiêm trọng. Dù vậy, biến chủng mới được phát hiện vài tuần. Các nhà khoa học sẽ cần từ 3 - 4 tháng để phát triển loại vaccine cho biến chủng và xác định thời gian tiêm. Theo các chuyên gia, chiến lược tốt nhất là tiêm liều tăng cường sẵn có.

Người đã mắc COVID-19 có cần tiêm liều tăng cường không?

Nhiều chuyên gia và các cơ quan quản lý trên thế giới ủng hộ tiêm trộn vaccine COVID-19 trong liều tăng cường

Nhiều chuyên gia và các cơ quan quản lý trên thế giới ủng hộ tiêm trộn vaccine COVID-19 trong liều tăng cường

Các chuyên gia thế giới khuyến nghị tiêm liều vaccine tăng cường với cả người từng mắc COVID-19. Dữ liệu ban đầu của Nam Phi cho thấy các kháng thể từ nhiễm bệnh tự nhiên không đủ để ngăn chặn biến chủng Omicron một cách nhất quán.

Các nhà khoa học Nam Phi ngày 3/12 cho biết nguy cơ tái nhiễm biến chủng Omicron cao gấp 3 lần so với Delta hoặc Beta.

Theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), người nhiễm SARS-CoV-2 gần đây nên chờ khoảng 4 tuần sau khi âm tính mới tiêm liều tăng cường. Người đã điều trị kháng thể đơn dòng (được phát triển từ các tế bào sản xuất kháng thể ở những người đã khỏi bệnh COVID-19) cần đợi 90 ngày.

Khi nào cần tiêm liều tăng cường?

FDA đưa ra khuyến nghị về mũi tiêm tăng cường rằng, đối với người trên 18 tuổi đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna nên tiêm liều nhắc lại sau ít nhất 6 tháng. Đối với những người tiêm vaccine 1 liều của Johnson & Johnson, liều tăng cường sẽ có thể được tiêm sau 2 tháng.

Những người có hệ miễn dịch suy yếu đã được chủng ngừa vaccine Pfizer hoặc Moderna cũng đủ điều kiện để tiêm mũi thứ ba, ít nhất 4 tuần sau liều thứ hai. Đối với những đối tượng này, mũi tiêm thứ 3 không được coi là liều tăng cường mà là "phác đồ" khuyến nghị để thúc đẩy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn.

Sau tiêm bao lâu liều tăng cường phát huy tác dụng?

Cơ thể người sinh miễn dịch trong khoảng một tuần đến 10 ngày sau khi tiêm liều vaccine đầu tiên. Tuy nhiên, liều vaccine tăng cường sẽ phát huy tác dụng chỉ sau vài ngày.

Ở người đã tiêm đủ hai liều vaccine, hệ miễn dịch hoạt động mạnh ngay sau khi phát hiện virus. Quá trình này tương tự khi tiêm liều tăng cường. Vì đã "làm quen" với mầm bệnh trước đó, cơ thể sản sinh kháng thể nhanh hơn nhiều trong liều thứ ba (với vaccine Pfizer, Moderna) và liều thứ hai (với vaccine Johnson & Johnson). Sau khi tiêm nhắc lại, hệ miễn dịch hoạt động mạnh mẽ từ 10 đến 14 ngày tiếp theo. Vì vậy, chuyên gia khuyến nghị cộng đồng tiêm chủng càng sớm càng tốt.

Tác dụng phụ khi tiêm vaccine tăng cường

Phản ứng phụ sau tiêm vaccine tăng cường cũng tương tự với hai liều tiêm đầu tiên. Người dùng chủ yếu bị đau nhức vùng tiêm, mệt mỏi, triệu chứng nhẹ đến trung bình, CDC cho biết.

Một khảo sát từ Israel cho thấy 88% người tiêm liều thứ 3 vaccine Pfizer có cảm giác "tương tự hoặc tốt hơn" so với liều thứ hai. Khoảng 1/3 trong đó báo cáo tác dụng phụ, phổ biến nhất là đau bắp tay. Chỉ 1% phải đến gặp bác sỹ vì các biểu hiện nghiêm trọng hơn.

Tiêm trộn vaccine trong liều tăng cường

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) gần đây đã cho phép kết hợp một trong ba loại vaccine COVID-19 là Pfizer, Moderna hoặc Johnson & Johnson bất kể hai liều đầu tiên là gì.

Một nghiên cứu được công bố ở Anh đăng trên Tạp chí The Lancet vào tháng 12/2021 cho thấy, với những người tiêm mũi cơ bản bằng vaccine AstraZeneca hay Pfizer, mũi tăng cường sau mũi 2 (từ 10 đến 12 tuần) bằng loại vaccine nào cũng đều hiệu quả, nhưng mũi thứ 3 bằng vaccine mRNA (Pfizer/Moderna) giúp tạo miễn dịch tốt nhất.

 
Hiệp Nguyễn (Theo NYTimes)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn