Ông Rafi Kot: "Người làm ra của, của không làm ra người"

Phó TGĐ Bệnh viện Tràng An: Thử thách với người lính làm y tế rất cao

TGĐ Nguyễn Vĩnh Trân: Không chấp nhận "chưa đánh đã hàng"

Bộ trưởng Y tế: GĐ bệnh viện cần Tiến sĩ làm gì?

Bộ GDĐT yêu cầu các trường học triển khai chống dịch sởi

TGĐ Sơn Kim: Thành công đến từ một tập thể

Đầu tư vào phòng khám thay vì bệnh viện chữa bệnh, ông nghĩ Việt Nam cần nhiều phòng khám hơn bệnh viện?

Một phòng khám tốt sẽ giúp khám bệnh, khỏi phải đến bệnh viện, hoặc giảm thiểu giai đoạn đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Tôi nghĩ, Việt Nam cần có những phòng khám tốt để tránh tình trạng quá tải ở bệnh viện công. Đó là lý do tôi bắt đầu đầu tư vào phòng khám trước khi mở bệnh viện.



Trong khi người ta đang xây dựng bệnh viện hàng trăm giường thì dự án bệnh viện của ông đã chuẩn bị vài năm qua nhưng chỉ có 76 giường. Ông có nghĩ quy mô giường bệnh như vậy là quá khiêm tốn?

Bảy phòng khám Family Medical Practice đang có hơn 32 bác sĩ. Dự án bệnh viện đang xin phép của tôi có 76 giường, sẽ cần bổ sung 42 bác sĩ nữa. Có điều cần lưu ý là phần đông bác sĩ của chúng tôi là người nước ngoài. Tôi là người thuê nhiều bác sĩ nước ngoài nhất tại Việt Nam hiện nay.

Với số lượng bác sĩ như vậy, có phải bạn đang nghĩ là quá nhiều bác sĩ cho bấy nhiêu giường bệnh? Người ta thường hỏi những người xây bệnh viện rằng, dự án của bạn có bao nhiêu giường bệnh, dự định khám cho bao nhiêu người..., mà tại sao không hỏi bạn có bao nhiêu bác sĩ?

Nên đi thẳng vào câu hỏi như vậy, bởi làm bệnh viện phải có đủ bác sĩ để chữa bệnh, chứ không phải là có tòa nhà thật to, chi phí đầu tư thật lớn. Bên cạnh đó, nhân sự bệnh viện phải có thời gian để được đào tạo nâng cao tay nghề liên tục.

Giá khám bệnh của Family Medical Practice cao hơn các hệ thống khám chữa bệnh tư nhân khác. Ông nghĩ sao về điều này?

Đúng vậy. Tôi lấy cao hơn vì tôi cung cấp dịch vụ tư vấn, khám chữa bệnh chất lượng tốt. Mà chất lượng dịch vụ đến từ bác sĩ. Ví dụ, ở khâu khám bệnh, mỗi bệnh nhân sẽ có thời gian khoảng 15 - 20 phút với bác sĩ.

Vào tháng 5, phòng khám tại Diamond Plaza thực hiện ca chuyển bệnh cấp cứu xuyên quốc gia mà theo Tổ chức Y tế Thái Lan và Singapore, đây là ca chuyển bệnh cấp cứu được cho là phức tạp nhất về mặt kỹ thuật từ trước đến nay trong khu vực Đông Nam Á.

Bệnh nhân là một khách du lịch người Nga, 24 tuổi, bị ngất tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có hợp đồng bảo hiểm quốc tế mà chúng tôi liên kết (hiện nay Family Medical Practice làm việc với hơn 50 công ty bảo hiểm), được vận chuyển bằng máy bay đến Bệnh viện Tim Bangkok trong điều kiện đang chạy máy tim, phổi nhân tạo.

Việc này nguy hiểm vì đòi hỏi phải cung cấp nguồn điện liên tục cũng như chú ý những rủi ro có thể xảy ra khi chuyển bệnh nhân từ giường bệnh sang băng ca, lên xe cứu thương, sau đó lên máy bay của chúng tôi.

Chúng tôi trả lương cao hơn ba lần cho các bác sĩ tại đây để họ toàn tâm, toàn ý với bệnh nhân của mình. Tuy nhiên, sắp tới, chúng tôi sẽ tăng tỷ lệ khám chữa bệnh cho khách hàng Việt Nam, có các ưu đãi và dĩ nhiên sẽ tính toán chi phí hợp lý cho người Việt.

Có một thực tế là dù được trả lương cao hơn tại phòng khám, bệnh viện ngoại, thu nhập của một số bác sĩ ở bệnh viện công vẫn cao hơn vì có những khoản khác, ví dụ như phong bì, làm ngoài. Suy nghĩ của ông về điều này?

Tôi thường hỏi các bác sĩ ở phòng khám của tôi là tại sao bạn muốn trở thành bác sĩ, nếu không phải vì tình thương giữa con người với con người, nếu muốn làm giàu tại sao không chọn nghề khác? Không thể né tránh được thực tế là nhiều bệnh nhân tới bệnh viện rồi bác sĩ đưa danh thiếp hẹn họ đến phòng khám riêng.

Cũng không thể né tránh thực tế là nhiều bác sĩ khám bệnh rất qua loa, thậm chí không thèm nhìn mặt bệnh nhân. Bên cạnh đó là những bác sĩ tư lợi bằng hoa hồng bán thuốc... Cơ quan quản lý nhà nước nên cố gắng quản lý được những vấn đề nhức nhối này vì sức khỏe và tính mạng của người dân và vì sự cao quý của nghề y.

Hơn 26 năm ở Việt Nam, ông hiểu không ít cách làm ăn, giao tiếp tại Việt Nam. Ông thấy mình không hợp điểm nào?

Tôi vẫn thường nói: "Đừng sợ mất mặt, hãy nói cái mà bạn nghĩ”. Sĩ diện và vòng vo vừa làm mất quá nhiều thời gian mà chẳng được cái gì cả. Đó là quá trình làm chậm chứ không làm bạn tốt hơn. Tôi trực tính nên có lẽ không thích cách vòng vo của nhiều người, nhưng đó là chuyện nhỏ của cuộc sống, không liên quan đến tính cách con người.

Vấn đề tôi muốn nói liên quan đến việc đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực y tế. Chi phí xây một bệnh viện mới tại Việt Nam, tính cả trang thiết bị y tế trung bình khoảng 40 triệu USD, gấp đôi chi phí xây dựng bệnh viện mới tại Bangkok (Thái Lan). Vì sao thế? Đó là do thuế và các chi phí khác như thủ tục, chi phí thời gian.

Dự án bệnh viện mới đã tiêu tốn của tôi 5 năm và 2 triệu USD vì các vấn đề liên quan đến thủ tục, hồ sơ, giấy phép, và trong 5 năm đó, tôi phải đào tạo và trả lương một đội ngũ bác sĩ ngoại để chuẩn bị. Trong khi đó, có thêm bệnh viện là có thêm cơ hội cho người dân Việt Nam được chăm sóc tốt hơn.

Ông có nghĩ mình cần nhà đầu tư tham gia để đẩy tốc độ phát triển các hệ thống phòng khám của mình nhanh hơn nữa không?

Không. Nhiều người bỏ tiền đầu tư sẽ ghét tôi vì tôi quan tâm từ việc lớn đến chi tiết nhỏ nhất. Tôi nghĩ các chi tiết nhỏ làm nên bức tranh lớn chứ không phải cứ làm việc lớn là "ồ, tốt, tốt" và thế là xong! Nên nếu tôi làm việc với nhà đầu tư, chắc chắn họ sẽ bỏ chạy.

Có thêm nhà đầu tư cũng tốt nhưng tôi muốn hệ thống phòng khám của tôi được phát triển theo mong muốn của tôi. Nó phải được làm theo một cách hoàn hảo nhất chứ không phải lớn nhất.

Nếu ai đó muốn kinh doanh dịch vụ y tế ở Việt Nam mà chỉ nghĩ đến tiền, theo tôi, họ nên nghĩ lại. Theo kế hoạch, tôi sẽ mở thêm một bệnh viện và ba phòng khám nữa tới trước năm 2016. Tôi sẽ cần tổng cộng 43 triệu USD, trong đó, 30% từ tiền túi của tôi và 70% còn lại tôi sẽ vay ngân hàng.

Với mối quan hệ của ông, sao ông không tác động để đẩy nhanh dự án?

Đó không phải là tôi!

Theo ông, sự thẳng tính này liệu có lợi hay có hại cho ông khi làm việc tại đây?

Có một người nói với tôi rằng, 50% người thích con người bạn và 50% thích bạn vì dự án của bạn. Đối với tôi, thế là "ổn". Có lẽ 50% người thích tôi vì tôi thẳng tính, bộc trực, không giấu giếm điều tôi nghĩ. Dù thế nào thì có một điều chắc chắn là tôi không làm tốn thời gian và tiền bạc của bạn.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng dịch vụ tại các bệnh viện công dành cho đa số người dân hiện nay?

Trách nhiệm của ngành y tế là phải tạo ra hệ thống y tế chăm sóc mọi người dân một cách tốt nhất. Tôi đang nói đến bảo hiểm. Giai đoạn này Việt Nam không đủ khả năng chi trả cho tất cả dịch vụ khám, chữa bệnh.

Mỗi năm, Chính phủ chi trả 35% cho các chi phí liên quan đến sức khỏe, người dân bỏ từ tiền túi 65%. Tỷ lệ như vậy hiện nay là hợp lý, nhưng bạn có thể đến bệnh viện khám theo ý mình hay không?

Hay là khi bạn lấy toa thuốc đem đến cho cơ quan bảo hiểm, họ trả lời: "Ồ không, tôi không thể trả cho những loại thuốc này, tôi chỉ trả một nửa chi phí thôi", và khuyên bạn mua thuốc khác rẻ hơn.

Phòng khám của chúng tôi mỗi năm thực hiện một chuyến khám, chữa bệnh từ thiện. Qua những chuyến đi này, điều tôi thấy là không có cái tận cùng của cái nghèo. Việt Nam vẫn còn rất nhiều người nghèo và cần dịch vụ khám, chữa bệnh công tốt hơn.

Người Việt Nam hay nói "Người làm ra của, chứ của không làm ra người". Chúng ta cần quan tâm đến sức khỏe của người dân trước khi quan tâm đến những thứ khác.

Việc ông huy động hết y tá, bác sĩ, nhân viên đi khám, chữa bệnh miễn phí có nhiều người được biết. Ông có kỷ niệm nào đáng nhớ trong những chuyến đi thiện nguyện tại Việt Nam?

Để tôi kể về chuyến khám bệnh ở Quảng Bình cách đây không lâu. Tôi thấy trẻ em ở đây có mái tóc màu nâu cà phê, tôi biết chúng thiếu sắt. Mà thiếu sắt thì chúng cần ăn thịt nhiều hơn, hoặc vì cơ thể chúng có nhiều giun. Tôi có thể làm gì? Mang sắt đến hằng tuần cho chúng?

Hay tôi đi mua nhiều thịt heo để nấu cho những đứa trẻ này ăn? Thế là tôi rao lên rằng: "Ai có heo Móng Cái, hãy gặp một bác sĩ điên muốn mua tất cả heo Móng Cái". Tôi đã mua tặng 400 con heo nhỏ cho những người ở đây, hướng dẫn họ cách nuôi chúng mau lớn.

Một năm sau, tôi gặp một trong những người lính tại đó, anh này hỏi: "Ông có biết ông đã làm gì không?", và khoe với tôi rằng vùng Quảng Bình giờ có rất nhiều heo Móng Cái. Giờ tóc lũ nhóc đã ngả màu đen, còn bố mẹ chúng sang bên Lào bán heo và lấy tiền, điều mà trước kia họ không biết.

Bạn thấy đấy, nhiều khi tiền không phải là tất cả.

Cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn này.

vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện