Chớ coi thường viêm gân

Viêm gân hay gặp ở đâu?

Viêm gân bám tận: Khi gân của một cơ bám vào đầu xương thì có liên quan đến phần màng ngoài xương. Một số gân quanh vùng bám tận có một hay nhiều túi hoạt dịch. Các túi này có cấu trúc gần giống màng hoạt dịch khớp. Chúng có nhiệm vụ làm đệm, ngăn cách gân với nền xương và các gân khác xung quanh. Khi tổn thương ở phần màng ngoài xương thì gọi là viêm cốt mạc ngoài - gân. Khi tổn thương ở phần thanh dịch thì gọi là viêm túi thanh dịch. Thực tế lâm sàng khó phân biệt hai loại này nên gọi chung là viêm gân vùng bám tận.


Đau vùng gân bị tổn thương, đau lan rộng, đau nặng khi cử động là các triệu chứng rõ rệt nhất của viêm gân

Viêm bao hoạt dịch gân (viêm bao gân): Một số gân dài khi đi qua một số vùng nào đó, nhất là khi đổi hướng, có một bao hoạt dịch bọc lấy đóng vai trò như một ròng rọc cố định đường đi của gân. Bao gân có cấu trúc giống như màng hoạt dịch, ở giữa có dịch nhầy. Khi bao bị tổn thương sẽ làm cản trở hoạt động của gân.

Hội chứng đường hầm và ngón tay lò xo: Một số gân dài khi đi qua vùng hẹp của xương được bao bọc bởi một vòng xơ tạo với nền xương ở dưới thành một đường hầm. Bên trong đường hầm được lót một bao hoạt dịch. Trong đường hầm có các gân, đôi khi có cả thần kinh và mạch máu đi qua. Khi bao hoạt dịch lót phía trong đường hầm bị viêm, làm bóp nghẹt các thành phần bên trong gây hội chứng đường hầm. Đường hầm cổ tay gây chèn ép dây thần kinh giữa gây nên hội chứng đường hầm cổ tay. Ở ngón tay gây cản trở sự co duỗi gân gấp, tạo nên hiện tượng ngón tay lò xo.

Những yếu tố nguy cơ

Các bệnh ảnh hưởng đến bao hoạt dịch như: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, rối loạn chuyển hóa; thoái hóa tuổi già; các chấn thương, vi chấn thương là nguyên nhân hay gặp nhất. Các hoạt động quá mức kéo dài do nghề nghiệp, các chấn thương trực tiếp, co cơ quá mức, đột ngột, sai tư thế, các vi chấn thương... gây viêm không đặc hiệu hoặc thoái hóa.

Đau là dấu hiệu chủ yếu. Đau ở vị trí gân bị tổn thương, thường đau khu trú tại chỗ, ít lan xa, đau cả ngày và đêm, đau tăng khi cử động gân đó. Khám thấy vùng tổn thương có thể đỏ và sưng nề nhưng ít gặp. Ấn tại chỗ rất đau, làm các động tác co cơ chủ động của gân làm đau tăng lên. Chụp Xquang không thấy có gì thay đổi.

Điều trị viêm gân thế nào?

Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi là quan trọng nhưng nên áp dụng cho bệnh nhân nghỉ cách quãng, trong những giai đoạn đau cấp tính để giảm gánh nặng cho gối (dùng nạng và sử dụng nẹp gối có khớp động). Không nghỉ hoàn toàn vì nó có hại hơn là có lợi. Đây là yếu tố thuận lợi cho teo cơ và giảm khả năng phục hồi vận động.


Chỉ nên dùng thuốc trong thời gian cấp tính của bệnh

Kết hợp dùng các thuốc chống viêm, không steroid dạng viên, gel, kem bôi,... trong thì cấp tính của bệnh, ngược lại trong thời kỳ mạn tính rất ít tác dụng.

Vật lý trị liệu: Lý liệu pháp có nhiều các kỹ thuật khác nhau: sóng ngắn, laser,...

Xoa bóp theo chiều sâu của cơ: sử dụng các động tác bằng tay hoặc dụng cụ bóp mạnh có tác dụng vào sâu trong cơ, gân. Các phương pháp cổ điển như kéo giãn bề mặt sau, trước cơ, với kỹ thuật co cơ, giãn cơ giúp tăng độ dài và kéo giãn cơ, gân bằng phương pháp kéo giãn; Tăng cường một cách từ từ sức mạnh cho gân cơ; Làm việc tốc độ của sự co cơ để tăng cường độ bền của các tổ chức đệm gân.

Giai đoạn đầu chỉ định cho các bài tập ở trạng thái tĩnh, có nghĩa là các cơ không thay đổi vị trí, chỉ làm như sau: bệnh nhân gối và bàn chân để thẳng, cột sống lúc đầu thẳng sau đó gấp người lại ở 30 độ rồi lại duỗi thẳng lưng. Động tác này làm từ 15 - 30 lần và nhắc lại 3 - 5 lần trong một ngày. Mỗi ngày phải tăng dần biên độ gấp lên từ 45 - 60 độ. Bài tập này có thể tiến hành đơn thuần trong tuần thứ nhất đến tuần thứ hai tùy thuộc vào mức độ đau. Nếu đau nhiều có thể giảm nhẹ bớt bài tập hay cho phép bệnh nhân dùng tay đỡ khi ngồi trở dậy.

Giai đoạn hai, bắt đầu từ tuần thứ ba bao gồm các bài tập có tính chất định hướng xa, cụ thể như sau: Những động tác tập gối động gấp khớp từ 10 - 45 độ rồi ngả người từ từ cho nằm xuống sao cho không ngã. Bài tập này làm 3 lần, mỗi lần 10 động tác như vậy. Lúc đầu có thể gấp từ từ sau đó gấp tăng hơn cho đến ngày 6 và thứ 7 đạt tốc độ nhanh.

Tất cả các bài trước khi tiến hành phải khởi động tốt, xoa bóp và kéo dài cơ duỗi. Cũng phải tập kéo dài cơ nhắc lại và trườm đá cho gân đau sau mỗi buổi tập.

Liệu trình điều trị kéo dài 4 - 6 tuần tùy thuộc vào mức độ nặng của viêm gân. Các môn thể thao không chấn thương (như bơi hay xe đạp quay) có thể chỉ định cho bệnh nhân vào tuần thứ hai với điều kiện phải được khởi động kỹ trước khi tập, kéo dài cơ và trườm đá sau mỗi bài tập.

Trong trường hợp bệnh nhân đau kéo dài, mặc dù điều trị nội khoa đúng phương pháp có thể chỉ định ngoại khoa. Chẳng hạn, nếu gân bị dính gây cản trở vận động có thể phải can thiệp phẫu thuật giải phóng dính (hội chứng đường hầm cổ tay, ngón tay lò xo).

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cơ xương khớp