Hiểu đúng về viêm khớp

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm khớp có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng

Viêm khớp là gì?

Viêm khớp là khi các khớp xương (nơi hai đầu xương gặp nhau) ở một hoặc nhiều nơi khác nhau trên cơ thể bị sưng tấy đỏ. Có hơn một 100 loại viêm khớp khác nhau, do những nguyên do khác nhau và cần được điều trị khác nhau. Viêm khớp thường xảy ra ở người lớn tuổi (trên 65 tuổi) hơn là ở người trẻ và trẻ em, ở phụ nữ nhiều hơn là nam giới, và ở người quá cân nhiều hơn là người không bị quá cân. 
Biểu hiện dễ nhận thấy là sưng đau, tấy đỏ ở vị trí các khớp
Lý do chung dẫn đến viêm khớp đó là khi hai đầu xương của khớp bị tổn thương (do bị cọ sát vào nhau, bị hết chất bôi trơn, bị hóa chất tác động…) dẫn đến tấy đỏ, và đau đớn. Còn lý do tại sao bị tổn thương như thế thì mỗi loại viêm khớp lại do một nhân tố khác nhau gây ra. 

Loại viêm khớp phổ biến nhất đó là viêm xương khớp (osteoarthritis). Loại viêm khớp này xảy ra khi lớp sụn (cartilage - phần mô phủ ở đầu xương, giúp xương hấp thụ lực và giảm áp lực ở các khớp khi di chuyển) bị bào mòn dần qua năm tháng. Trong trường hợp lớp sụn này bị nhiễm khuẩn hay bị chấn thương, thì khả năng dẫn đến loại viêm khớp này sẽ càng cao. Ngoài ra bạn cũng sẽ có nguy cơ bị viêm xương khớp cao hơn nếu gia đình bạn có lịch sử bị bệnh này. 

 Loại viêm khớp phổ biến thứ hai đó là viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis). Loại viêm khớp này xảy ra khi hệ thống miễn dịch của chính cơ thể mình hủy hoại màng hoạt dịch (synovium), là một túi tiết dịch bôi trơn cho sụn và khớp xương, dẫn đến việc hai đầu xương bị chà sát vào nhau mà không có dầu bôi trơn ở giữa, làm cho lớp sụn bọc ở đầu xương và cả khớp xương dần bị bào mòn. Lý do tại sao hệ thống miễn dịch của con người trở nên “phản chủ” như thế vẫn chưa được tìm ra, nhưng các nhà khoa học đã tìm ra một số gen đánh dấu (genetic markers) nguy cơ dẫn đến căn bệnh này. 
Những dấu hiệu nhận biết viêm khớp là khớp xương bị đau nhức, sưng, mềm, tấy đỏ, và cử động khó khăn, nhất là vào buổi sáng. Trong trường hợp của viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis), bạn có thể sẽ không thấy ngon miệng khi ăn và có sốt nhẹ. Nếu không được điều trị kịp thời, khớp có thể bị biến dạng nhanh chóng.
Một loại viêm khớp nữa khá phổ biến đó là bệnh gút (gout). Loại viêm khớp này xảy ra khi có quá nhiều acid uric được tích tụ trong máu, dẫn đến việc hình thành những khối kết tủa urate, có hình dạng sắc nhọn như kim ở các khớp xương và vùng mô quanh khớp xương, dẫn đến đau đớn, sưng và tấy đỏ. Những thức ăn có khả năng làm tăng lượng acid uric trong máu gồm có thịt, cá cơm (anchovies), cá trích (herring), măng tây (asparagus) và nấm. 
Điều trị thế nào?
Với những bệnh nhân có dấu hiệu của viêm khớp, thông thường bác sỹ sẽ thử khả năng di chuyển của khớp đang bị viêm, đồng thời lấy dịch (máu hoặc dịch ở khớp) để chẩn đoán chính xác xem bạn bị loại viêm khớp nào. Ngoài ra, bác sỹ cũng sẽ chụp X-quang, chụp hình kỹ thuật MRI (magnetic resonance imaging), hay chụp cắt lớp vi tính (CT scans - computerized tomography scans) để chẩn đoán và hướng điều trị chính xác hơn. 
 
Mục đích chính của việc điều trị viêm khớp là để giảm thiểu đau đớn gây ra bởi khớp bị viêm, hạn chế gia tăng tổn thương khớp, và giúp cho các hoạt động của khớp tốt hơn. Nếu đúng là viêm khớp, bác sỹ có thể kê một số loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc giảm đau và sưng tấy (thuốc loại này có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ tim, đột quỵ não hay làm dạ dày khó chịu), kem bôi menthol hay capsaic... Với một số trường hợp viêm khớp dạng thấp, bác sỹ có thể kê thêm vào đơn thuốc của người bệnh các loại thuốc hạn chế sự hoạt động của miễn dịch...
Vật lý trị liệu có vai trò quan trọng trong gia tăng sức mạng của cơ bắp quanh vùng khớp
Với trường hợp nặng không thể điều trị bằng thuốc, phẫu thuật để thay khớp bị viêm bằng một khớp giả cũng là một lựa chọn. Ngoài ra, vật lý trị liệu (physical therapy) cũng rất quan trọng trong việc gia tăng sức mạnh của cơ bắp quanh vùng viêm khớp. Các bạn nên được bác sỹ tư vấn để có một chế độ tập luyện phù hợp và hiệu quả. Giảm cân để gần với trọng lượng lý tưởng cũng sẽ rất có ích trong việc phòng tránh và điều trị viêm khớp. 
 
Phòng ngừa và bảo tồn xương khớp
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, vấn đề quan trọng trong điều trị bệnh khớp là bảo tồn khớp tốt và phòng ngừa tái phát. Chăm sóc xương khớp tốt cần có một chế độ sinh hoạt điều độ, tập luyện thể thao thường xuyên, ăn uống cân đối với đầy đủ các chất. Về vận động, tùy lứa tuổi, tình trạng sức khỏe mà có môn thể thao phù hợp với sức khỏe. Các môn thể thao phù hợp là đi bộ, đi xe đạp, bơi lội (tốt cho cột sống). Về chế độ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung calci, vitamin D (bằng phơi nắng 15 phút/lần và 3 lần/tuần), uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Loại bỏ các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá khỏi cuộc sống. Và cuối cùng là tầm soát bệnh sớm: khám bệnh định kỳ 2 lần/năm.
Bên cạnh thuốc điều trị, việc sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng trong phòng ngừa tái phát và bảo tồn xương khớp cũng đem lại kết quả khả quan, nhưng không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Trong cơn bệnh cấp, hãy đến bác sỹ chuyên khoa để được điều trị ổn định, lui bệnh rồi sử dụng thực phẩm chức năng để hỗ trợ phòng ngưà. Tuy nhiên, người bệnh nên tham vấn bác sỹ để được sử dụng loại TPCN đúng với bệnh của mình.
Khánh Hạ (H+)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cơ xương khớp