Điều tối kỵ trong hành nghề y dược là để tai biến y khoa xảy ra. Tai biến y khoa được định nghĩa là những thương tổn về thể chất (nặng nhất là cái chết) xảy ra khi người ta tiến hành việc chăm sóc sức khỏe, trong đó có việc dùng thuốc. Thực tế cho thấy có những tai biến y khoa xảy ra khó tránh khỏi. Điều quan trọng là phải ý thức đầy đủ về nó để xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe ngày càng an toàn hơn. Trong lĩnh vực dùng thuốc, ngoài tai biến do phản ứng có hại (ADR) không sao tránh khỏi, nhiều tai biến dùng thuốc có thể phòng tránh được.
Từ một trường hợp cụ thể
Tôi có cơ hội tư vấn cho nhiều người về vấn đề dùng thuốc. Nhiều người trong số ấy là các vị cao tuổi. Họ thường gọi điện thoại đến nhà hoặc đích thân tới cơ quan tôi làm việc để gặp gỡ, hỏi về cách sử dụng thuốc như thế nào.
Một hôm, có vị cao tuổi gọi điện thoại đến nhà tôi vào giờ cơm trưa với vẻ lo lắng. Vị ấy cho biết từ lâu bị bệnh cao huyết áp, được điều trị bằng thuốc kiểm soát huyết áp rất tốt. Đột nhiên 2 ngày nay, khi đo huyết áp thì vị này thấy tăng vọt dù vẫn dùng thuốc trị tăng huyết áp đều đặn. Vị ấy hỏi tôi: “Thưa dược sĩ, có phải tôi tăng huyết áp vì bị cảm 2 ngày nay?”.
Tôi hỏi ngay: “Thế bác có dùng thuốc trị cảm hay không?”. “Có. Tôi đã ra nhà thuốc mua thuốc cảm uống 2 ngày nay” - vị này nói rồi cho biết thêm: “Tôi đã mua thuốc paracetamol uống kèm với vitamin C để trị cảm. Cả hai đều là dạng sủi bọt để dễ uống. Người cao tuổi uống loại thuốc viên thấy khó nuốt lắm”.
Nghe đến đây, tôi thở phào vì đã tìm ra nguyên nhân và giải thích: “Bác bị tăng huyết áp là do uống thuốc paracetamol và vitamin C dạng sủi bọt. Bác nên biết bất cứ thuốc sủi bọt nào cũng chứa natri (natri bicarbonat hoặc natri carbonat). Vì vậy, có một số người không được dùng thuốc sủi bọt. Đó là những người bắt buột phải kiêng muối, không được ăn mặn, như bác chẳng hạn. Thực chất của kiêng muối chính là kiêng natri. Nếu người đã bị tăng huyết áp dù đang điều trị mà ăn nhiều muối hoặc dùng chất có nhiều natri như thuốc sủi bọt thì huyết áp sẽ tăng vọt. Bác nên ngưng dùng thuốc sủi bọt, nếu muốn trị cảm chỉ dùng paracetamol loại viên thường. Sau khi ngưng dùng thuốc sủi bọt, bác dùng thuốc trị tăng huyết áp thường kỳ có thể giúp huyết áp trở lại bình thường. Nếu huyết áp vẫn chưa ổn định thì bác nên đến bác sĩ tái khám”.
Mấy ngày sau, vị cao tuổi gọi điện thoại cho tôi, khoe huyết áp đã ổn định và hứa sẽ thông báo cho những người bạn già bị bệnh tăng huyết áp như ông không bao giờ dùng thuốc dạng sủi bọt.
Trong trường hợp nêu trên, nếu vị cao tuổi đến bác sĩ khám bệnh, đến nhà thuốc mua thuốc được tư vấn không nên dùng dạng sủi bọt (với tình trạng tăng huyết áp của mình) hoặc thông qua các phương tiện truyền thông để có kiến thức về thuốc…, rõ ràng tai biến dùng thuốc vừa kể không xảy ra.
Bệnh nhân cần có đủ thông tin
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về tai biến dùng thuốc xảy ra khi điều trị tại cơ sở y tế hay trong cộng đồng.
Khi có sự sai lầm trong quy trình sử dụng thuốc - từ lúc bác sĩ kê đơn, dược sĩ cấp phát thuốc đến điều dưỡng cho bệnh nhân dùng thuốc hoặc người bệnh tự sử dụng - được gọi là sai sót dùng thuốc. Đây là sai sót y khoa thường xảy ra. Sai sót này có nhiều thành viên liên đới trách nhiệm. Vì vậy, ngoài sai sót mang tính cá nhân còn có những sai lầm mang tính hệ thống. Nguyên nhân dẫn đến sai sót dùng thuốc thường là do:
- Bác sĩ ra y lệnh, kê toa đơn thuốc sai: Có sai sót do bác sĩ viết chữ không đọc được, tính liều sai, cho thời gian dùng, đường dùng, dạng thuốc sai.
- Dược sĩ cấp phát thuốc sai: Do đọc, diễn giải và tính toán sai từ đơn thuốc.
- Điều dưỡng sao chép y lệnh, cho bệnh nhân dùng thuốc sai: Không thực hiện “5 đúng” khi cho người bệnh dùng thuốc (đúng bệnh nhân, đúng thuốc, đúng liều và hàm lượng, đúng đường dùng, đúng thời gian dùng).
- Người tự ý sử dụng thuốc nhưng không có kiến thức về thuốc: Để phòng tránh các sai sót dùng thuốc, các thành viên trong hệ thống chăm sóc sức khỏe như bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng… phải toàn tâm toàn ý trong công việc, luôn tìm cách nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, luôn chú tâm sửa chữa những chi tiết vặt vãnh dẫn đến sai sót dùng thuốc (như bác sĩ viết chữ xấu khó đọc khi kê đơn, dược sĩ ghi hướng dẫn dùng thuốc mà người bệnh không đọc được…).Phải xem bệnh nhân chính là một thành viên tích cực rất cần được thông tin đầy đủ về việc chăm sóc sức khỏe của mình.
Riêng người dùng thuốc, ngoại trừ bị tai biến dùng thuốc do phản ứng có hại ADR của thuốc (như đã nói, có ADR là không sao tránh khỏi), vẫn có thể phòng tránh nếu tuân thủ sự chỉ định của thầy thuốc và có kiến thức tối thiểu về thuốc.
Bình luận của bạn