Toàn cảnh "những ngày tháng đen tối" đang xảy ra với nước Mỹ

Một sỹ quan cảnh sát ôm mặt đi trên đường phố Highland Park, Mỹ sau vụ xả súng ngày Quốc khánh hôm 4/7 - Ảnh: AP.

Ngây ngất ngắm vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vỹ nước Mỹ

Từ vụ xả súng hộp đêm Pulse: Sự kỳ thị người đồng tính vẫn bủa vây, cả bên trong và bên ngoài nước Mỹ

Điểm mặt những loại ma túy đang "hoành hành" tại nước Mỹ

Vì sao dẫn đến cuộc khủng hoảng sữa bột trẻ em ở Mỹ?

Ngày 4/7, Tổng thống Joe Biden bắt đầu bài phát biểu ngày kỷ niệm 246 năm độc lập của nước Mỹ với những thông điệp hướng tới tương lai, nhưng nhanh chóng chuyển thành lời chia buồn sau vụ xả súng hàng loạt.

"Jill (Đệ nhất phu nhân) và tôi bị sốc bởi bạo lực súng đạn vô nghĩa một lần nữa gây đau thương cho cộng đồng người Mỹ vào ngày Quốc khánh", Tổng thống Biden cho biết, ngay sau khi ít nhất 6 người thiệt mạng và 30 người bị thương trong một vụ xả súng tại buổi diễu hành mừng Quốc khánh Mỹ ở Highland Park, bang Illinois, theo CNN.

“Tôi sẽ không từ bỏ việc chống lại "đại dịch" bạo lực súng đạn”, ông nói, đồng thời lưu ý rằng ông đã ký lệnh ban hành luật kiểm soát súng quan trọng đầu tiên trong nhiều thập kỷ vào cuối tháng 6, nhưng sẽ còn nhiều "công việc hơn thế".

Vụ nổ súng xảy ra khi nạn bạo lực súng đạn vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều người Mỹ, sau thảm kịch vào ngày 24/5 đã giết chết 19 học sinh và 2 giáo viên tại một trường tiểu học ở Uvalde, Texas. Trước đó, vụ tấn công ngày 14/5 khiến 10 người thiệt mạng tại một cửa hàng tạp hóa ở Buffalo, New York.

Theo số liệu từ Kho lưu trữ thông tin bạo lực súng đạn của Mỹ, được Tạp chí The New Republic đăng tải mới đây, trong 21 tuần đầu tiên của năm 2022, tại Mỹ đã xảy ra tổng cộng 213 vụ xả súng hàng loạt, trong đó có 27 vụ xảy ra ở trường học. Trung bình mỗi tuần có khoảng 10 vụ xả súng xảy ra ở nước này. Những mối đe dọa về bạo lực súng đạn đã khắc sâu vào cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ, khi các vụ xả súng gần đây xảy ra ở trường học, bệnh viện, siêu thị, quán bar và các bữa tiệc. Những nạn nhân chưa từng nghĩ rằng mạng sống của họ sắp kết thúc khi đến những nơi vốn bình thường với mọi người.

Đối với nhiều người Mỹ, súng tượng trưng cho sự kiến lập và bản sắc văn hóa dân tộc - biểu tượng của tự do. Nhưng cũng vì sự “tự do” này mà mỗi năm nước Mỹ có hàng chục ngàn người chết vì xả súng. Có thể nói bạo lực súng đạn là một trong những vấn đề nghiêm trọng, kéo dài và khó giải quyết nhất ở Mỹ. Nước Mỹ vẫn đang chia rẽ sâu sắc trong việc kiểm soát súng đạn. Đây từ lâu luôn là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý của cử tri trước mỗi kỳ bầu cử quan trọng, song chưa bao giờ đi đến đích của một thỏa hiệp lưỡng đảng, khi không có những điều luật đủ mạnh để ngăn chặn vấn nạn này.

Vụ xả súng lần này tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động, tạo thêm áp lực trong việc "chữa trị căn bệnh trầm kha" đang ngày càng ăn sâu, bám rễ và gây ra tác động tiêu cực tới đời sống xã hội Mỹ, quốc gia đang lâm vào tình cảnh chia rẽ sâu sắc vì phán quyết của Tòa án Tối cao về quyền phá thai, luật sở hữu súng cùng các phiên điều trần về bạo loạn Đồi Capitol.

"Bước ngoặt" gây rung chuyển nước Mỹ

Biểu tình bên ngoài Tòa án tối cao phản đối lật ngược phán quyết Roe và Wade - Ảnh: Reuters

Biểu tình bên ngoài Tòa án tối cao phản đối lật ngược phán quyết Roe và Wade - Ảnh: Reuters

"Hiến pháp không trao quyền phá thai, phán quyết trong vụ kiện Roe và Casey sẽ được đảo ngược. Thẩm quyền liên quan vấn đề phá thai được trả lại cho nhân dân và các đại diện mà họ đã bỏ phiếu chọn", Hãng thông tấn AFP trích phán quyết của Tòa tối cao Mỹ ngày 24/6, một sự kiện tiếp nối chuỗi "ngày tháng đen tối" đối với người dân Mỹ.

Vụ kiện Roe và Casey có từ năm 1973 công nhận quyền phá thai của phụ nữ và hợp pháp hóa quyền này trên toàn liên bang. Việc đảo ngược phán quyết lịch sử trong vụ kiện này đồng nghĩa Tối cao pháp viện Mỹ cho phép các bang tùy ý quyết định cấm hay cho phép phá thai.

Theo Reuters, 6 thẩm phán bảo thủ của Tòa tối cao đã ủng hộ một luật của bang Mississippi trong đó cấm phụ nữ phá thai nếu thai nhi đã hơn 15 tuần tuổi.

Trong phiên bỏ phiếu đảo ngược phán quyết trong vụ Roe và Casey, có 5 thẩm phán bảo thủ ủng hộ và 3 thẩm phán tự do phản đối. Chánh án John Roberts tuyên bố ông ủng hộ luật của Mississippi nhưng sẽ không đứng cùng những người nỗ lực lật lại các án lệ.

Bằng cách xóa bỏ phá thai như một quyền hiến định, Quyết định của Tòa án Tối cao hôm 24/6 là một tiếng sét pháp lý, chính trị, xã hội xứng đáng với khái niệm "lịch sử", bởi quyết định này sẽ thay đổi cuộc sống của hàng triệu người Mỹ theo rất nhiều cách, việc phá thai sẽ trở thành bất hợp pháp trên một nửa nước Mỹ, kéo theo những hệ lụy đến việc chăm sóc sinh sản cho phụ nữ, theo CNN.

Từ ngày 24/6, lối sống của hàng triệu phụ nữ và nam giới Mỹ phải thay đổi khi quyền phá thai chắc chắn bị siết chặt ở hàng chục tiểu bang. Khi mà các bang bảo thủ bắt đầu cấm hoàn toàn việc phá thai, phạm vi quyền của người Mỹ sẽ phụ thuộc vào nơi họ sống hoặc ra đời.

Hãng tin CNN nhận định, phá thai là một quyền hiến định (các quyền được hiến pháp Quốc gia đạo luật tối cao ghi nhận và bảo vệ) mà nay đã bị Tòa án Tối cao tước bỏ bởi chỉ diễn giải Hiến pháp Mỹ theo đúng nghĩa đen. Cùng với các diễn biến về quyền sở hữu súng và tôn giáo diễn ra tuần qua, một kỷ nguyên biến động xã hội tại Mỹ sắp đến.

"Nếu một quyền hiến định có thể bị tước đoạt, các quyền khác sẽ thế nào? Hôn nhân đồng giới, các biện pháp tránh thai, thậm chí thụ tinh trong ống nghiệm, cũng có thể bị sờ đến", CNN bình luận dù không đưa ra dẫn chứng cụ thể.

Các phán quyết tuần qua về quyền sở hữu súng và quyền phá thai đã cho thấy quyền lực mạnh mẽ của Tòa án Tối cao với đa số bảo thủ có thể tạo ra thay đổi sâu rộng cho đời sống của người Mỹ.

Bởi các thẩm phán bảo thủ mang trong mình niềm tin tôn giáo sâu sắc, nhiều khả năng sẽ dẫn tới đối đầu giữa Tòa án Tối cao với các thành phần phi tôn giáo đa dạng hơn trong xã hội Mỹ.

Sự khác biệt về niềm tin tôn giáo, cũng như các phán quyết đi ngược quan điểm của đa phần công chúng gần đây, đồng nghĩa những chia rẽ mang tính ý thức hệ trong xã hội Mỹ sẽ càng bị khoét sâu.

Khủng hoảng sữa công thức, băng vệ sinh

Kệ hàng sắp hết băng vệ sinh dạng ống tại một siêu thị ở New York hồi tháng 5 - Ảnh: Time

Kệ hàng sắp hết băng vệ sinh dạng ống tại một siêu thị ở New York hồi tháng 5 - Ảnh: Time

Sau khi tình trạng thiếu hụt trầm trọng sữa công thức tại các kệ hàng ở khắp nước Mỹ vẫn chưa lắng xuống, "cơn ác mộng" đối với phụ nữ Mỹ lại ập đến với cuộc khủng hoảng băng vệ sinh và tampon, mặt hàng khan hiếm mà "không ai nhắc tới", theo Time.

Tình trạng thiếu băng vệ sinh đánh dấu lần thứ hai trong vòng vài tháng phụ nữ Mỹ không thể tìm thấy món hàng cần thiết trên kệ hàng siêu thị, sau khi Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng sữa bột trẻ em vào tháng 5 do nhà máy của công ty Abbott Laboratories ở Michigan phải đóng cửa vào tháng 2 vì vấn đề nhiễm khuẩn.

“Tôi vừa ra máu và phải chạy gấp tới tận 3 cửa hàng để tìm mua tampon. Điều này hoàn toàn khủng khiếp", trích một tin nhắn được gửi đến I Support the Girls, một tổ chức chuyên phân phát những sản phẩm chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái.

Trong thời gian gần đây, tampon (băng vệ sinh dạng ống) đã trở thành nạn nhân mới nhất bị ảnh hưởng từ sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, khiến mặt hàng thiết yếu đối với người Mỹ này ngày càng khan hiếm. Nhiều tổ chức phi lợi nhuận đã phải tìm mọi cách xoay xở để cung ứng đầy đủ cho phụ nữ.

"Khi tampon còn đang khan hiếm thì quá nhiều sự việc khác xảy ra đồng thời, chẳng hạn việc sữa công thức dành cho trẻ em còn đang thiếu hụt trầm trọng. Điều này giống như một trận chiến dành cho phụ nữ" - Dana Marlowe, người sáng lập I Support the Girls cho biết.

Ở những nơi còn bán thì tampon có giá rất cao, bởi mặt hàng này không được miễn thuế ở nhiều bang. Ngược lại, băng vệ sinh tuy không bị cháy hàng nhưng giá cũng đã bị tăng lên nhiều lần.

Jamie Rosenberg, phó giám đốc phụ trách chăm sóc sức khỏe gia đình và cá nhân toàn cầu của công ty Mintel Group, cho biết nguồn cung cấp băng vệ sinh ở Mỹ chỉ có hai nhà sản xuất chính là: Procter and Gamble và Kimberly Clark.

Jamie Rosenberg cho biết, sự gián đoạn chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu xảy ra do thiếu lao động và ảnh hưởng của đại dịch. Khác với suy nghĩ của mọi người rằng tampon là một sản phẩm đơn giản, thì việc sản xuất nó dựa vào nhiều chuỗi cung ứng phức tạp, liên kết trên toàn cầu. Ví dụ một số thương hiệu lựa chọn bông có sử dụng phân bón, và Nga là một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất trên thế giới. Nhưng cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng thương mại này.

 

Sau 2 năm đại dịch, Mỹ là một trong những quốc gia chịu tổn thương sâu sắc bởi COVID-19 với hơn một triệu người tử vong vì COVID-19, một con số lớn không thể tưởng. Nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước Mỹ - đất nước dư thừa vaccine và có nền y tế tiên tiến bậc nhất thế giới. Khi COVID-19 còn chưa qua, những bất ổn xã hội lại ập đến với người dân Mỹ khi các chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn bị gián đoạn bởi đại dịch. Những cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ, sự chia rẽ sâu sắc của người dân vì những phán quyết của Tòa án tối cao và các vụ xả súng hàng loạt vẫn diễn ra mỗi ngày khiến chuỗi "ngày tháng đen tối" của nước Mỹ kéo dài không biết bao giờ mới kết thúc?

Hiệp Nguyễn (Theo Reuters/CNN/AFP)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn