PVF nuôi mộng tham dự sân chơi chuyên nghiệp bằng cái tên Cảng Sài Gòn
Lee Nguyễn chẳng thể giúp TP.HCM, HAGL rõ ràng cần Công Phượng
Vòng 10 V.League 2021: Đẹp và không đẹp
Trọng tài V.League đang căng thẳng?
5 năm rồi, HAGL mới biết thế nào là gió mát trên đỉnh V.League
Hồi sinh một thương hiệu
Theo thông tin mới nhất, lãnh đạo PVF đã chính thức gửi văn bản lên VFF và BTC giải hạng Nhì về việc xin đổi tên đội PVF thành Cảng Sài Gòn thi đấu luôn tại giải hạng Nhì quốc gia 2021 (từ 4/5 dến 19/8). Phía VFF cũng đã xác nhận thông tin này và cho rằng đây là chuyện hoàn toàn hợp lệ căn cứ vào quy chế bóng đá ngoài chuyên nghiệp.
Phía lãnh đạo Trung tâm PVF cho biết quyết định này nhằm mục đích xây dựng thương hiệu, hình ảnh và phát triển lâu dài, đảm bảo tương lai đầu ra cho các cầu thủ được Trung tâm này đào tạo trong nhiều năm qua. Lý do lớn hơn là bởi đơn vị chủ sở hữu mới của PVF, Tập đoàn giáo dục Văn Lang, không còn muốn “bán lúa non” như thời gian trước đây.
Tập đoàn giáo dục Văn Lang bắt đầu nắm PVF từ hồi tháng 2 vừa qua. Họ muốn thay đổi chính sách đào tạo cầu thủ trẻ đến 19-20 tuổi rồi bán cho các đội bóng khác của chủ cũ và thay vào đó là lập đội lớn hướng tới tham dự sân chơi chuyên nghiệp. Họ muốn chọn tên Cảng Sài Gòn là bởi đây đã từng là một thương hiệu của bóng đá Việt Nam, lừng lẫy không kém những Thể Công, Công An Hà Nội hay Công An TP HCM.
Nếu được đổi tên, Cảng Sài Gòn trước mắt sẽ vẫn đóng quân ở trung tâm PVF tại Hưng Yên do giải hạng nhì đã bốc thăm xếp lịch thi đấu xong xuôi. Tương lai, đội sẽ chuyển hộ khẩu vào TP HCM và đăng ký chính thức là thành viên của Liên đoàn Bóng đá TP HCM.
Để thế vai một cLB đã thành biểu tưởng của người Sài Gòn như CLB bóng đá Cảng Sài Gòn là chuyện không đơn giản
Chiêu trò câu khách và giấc mơ không dễ thành hiện thực
Sau khi thông tin về việc PVF mong muốn được lấy tên là Cảng Sài Gòn được đưa ra, đông đảo NHM bóng đá Việt Nam, đặc biệt là những NHM khu vực TP HCM đã có những bình luận trái chiều. Có thể dễ dàng nhận thấy là sự hậu thuẫn không nhiều mà thái độ nghi ngờ, phản đối lại rất rõ.
Nhiều NHM bình luận: “Đúng kiểu treo đầu dê, bán thịt chó”, “lại là chiêu trò đây mà”, “Chẳng hợp lý chút nào, lại trò của ông Vũ Tiến Thành”, “Ăn mày dĩ vãng, tiếc là không phải dĩ vãng của mình”, "Muốn mang tên CLB CSG tối thiểu phải có 50-70% cầu thủ là người miền Nam và chơi phong cách bóng ngắn hoa mỹ thì may ra thu hút CĐV"... đó rất ít trong số hàng loạt bình luận về vụ việc này.
Rõ ràng NHM bóng đá TP HCM có lý để nghi ngờ và không tán thành bởi lẽ với họ, CLB Cảng Sài Gòn vốn đã là một thương hiệu, biểu tượng, là đứa con tinh thần và là niềm tự hào ghê gớm. Để thay thế được CLB Cảng Sài Gòn, một đội bóng cần phải có sức mạnh, có lực lượng cực chất và quan trọng hơn cả là phải có cái hồn bản địa.
Việc này cũng giống như khi CLB Hà Nội chuyển toàn quân vào Nam và lấy tên Sài Gòn FC. Cho dù họ ít nhiều có được thành công nhưng lượng CĐV trung thành là người bản địa là cực ít. Đó cũng là lý do khiến kết thúc mùa giải 2020, đội bóng này đã làm một cuộc cách mạng với việc chia tay gần như toàn bộ những người cũ để xây dựng lại lực lượng và lôi kéo CĐV.
Để hồi sinh một thương hiệu lớn như CLB Cảng Sài Gòn không phải chuyện dễ dàng chút nào. Bên cạnh việc phải chơi hay thì còn phải có cái khí chất của người Sài Gòn. Hình ảnh một đội bóng có gần 35 năm tuổi đời, 4 lần đăng quang giải đấu cao nhất Việt Nam và sở hữu hàng loạt danh thủ như Nguyễn Hồng Phẩm, Hà Vương Ngầu Nại, Lư Đình Tuấn, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Phúc Nguyên Chương, Hồ Văn Lợi, Huỳnh Hồng Sơn... không dễ có thể được thay thế.
Nói như lời một người hâm mộ bóng đá miền Nam, PVF hãy cứ vào Nam đi đã, rồi sau đó tính chuyện đổi tên cũng chưa muộn. Nhưng lấy cái tên đã thành thương hiệu như Cảng Sài Gòn thì cũng phải cẩn thận. CĐV bóng đá Sài thành dù rất dễ tính nhưng chắc chắn không chấp nhận việc lấy biểu tượng ngày nào ra làm trò đùa. Nếu tự thấy không thể làm được thì đừng cố làm.
Bình luận của bạn