Quy hoạch tổng thể ngành Y tế đến năm 2045

Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì buổi làm việc với Viện Chiến lược và Chính sách y tế chiều ngày 16/3. Ảnh: Trần Minh.

Đề xuất Bộ Y tế phê duyệt thêm 2 vaccine COVID-19 của Mỹ và Nga

Đảm bảo an toàn cao nhất cho người tiêm vaccine COVID-19

Bộ trưởng Bộ Y tế: Dịch COVID-19 không thể kết thúc trong năm 2021

Nhìn lại một số hình ảnh đẹp của ngành y tế Việt Nam năm qua

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại cuộc họp với Viện Chiến lược và Chính sách y tế chiều 16/3.

Theo Suckhoedoisong, tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, nguyên tắc đầu tiên của quy hoạch ngành Y tế là phải phù hợp quy mô dân số theo tinh thần "ở đâu có dân thì ở đó có y tế". Thêm vào đó, phải phù hợp mô hình bệnh tật của nước ta từ nay đến năm 2045, tính tới các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính...). Quy hoạch tổng thể các lĩnh vực cũng cần phù hợp với nhân lực y tế.

Điều này cũng nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII với mục tiêu "Phát triển nền y học khoa học và đại chúng", "công bằng và hiệu quả".

Bộ trưởng khẳng định quan điểm chất lượng phải đồng đều giữa các địa phương; các tỉnh/thành phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

"Chúng ta thường nói "không để ai bị bỏ lại phía sau", nhưng phải cộng thêm "không để ai mất công bằng trong chăm sóc sức khoẻ". Việc này đòi hỏi có thời gian nhưng cần phải quyết tâm" – GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Ngoài ra, quy hoạch tổng thể ngành Y tế cũng phải đưa vào mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh với các nước.

Cụ thể về lĩnh vực khám chữa bệnh, theo Bộ trưởng:

Thứ 1, các địa phương căn cứ theo quy mô dân số, phân bổ dân số và mô hình bệnh tật chung của thế giới và Việt Nam, để có các mô hình bệnh viện phù hợp với địa phương đó trên nguyên tắc chất lượng dịch vụ y tế phải được nâng lên ở các cơ sở đó.

Thứ 2, phải hình thành nên các khu phức hợp y tế có tính cạnh tranh cao đối với thế giới, thu hút nguồn lực xã hội, hạn chế tối đa tình trạng "chảy máu ngoại tệ" trong y tế, trước mắt hình thành tại 3 thành phố lớn là Hà Nội - Huế - TP.HCM. Đây là nơi tập hợp các bệnh viện có dịch vụ chất lượng cao, chăm sóc toàn diện, có tính cạnh tranh lớn, vừa phục vụ bảo vệ sức khoẻ nhân dân đồng thời có các dịch vụ chất lượng cao.

Thứ 3, trong quy hoạch phải đảm bảo tính công bằng hiệu quả nên phải hình thành các khu y tế hoặc các bệnh viện tuyến cuối ở tất cả các vùng kinh tế - xã hội, có chất lượng dịch vụ tương đương với các bệnh viện ở Trung ương.

Về khối y tế dự phòng, đến nay, chúng ta đã hình thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tại các địa phương, tới đây sẽ tiếp tục tăng cường củng cố. Đối với CDC một số tỉnh thành phải có sức cạnh tranh và khả năng liên kết quốc tế mạnh.

Với CDC Trung ương, trước mắt quy hoạch đặt ở 2 khu phức hợp y tế ở phía Bắc và Nam nhằm tạo sức mạnh tổng hợp giữa dự phòng – điều trị.

Về quản lý thực phẩm, tới đây, căn cứ vào tính hiệu quả, quy hoạch ngành sẽ tính đến việc hình thành FDA cấp trung ương.

Về đào tạo, ngành Y tế xác định phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hướng tới ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới, do đó, quy hoạch phải tính toán nhân lực đào tạo với mục tiêu đảm bảo nâng cao chất lượng.

Nguyên Hương H+ (Theo Suckhoedoisong)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn