Phân biệt các nguyên nhân gây run tay chân

Run tay chân có thể do bệnh Parkinson, run vô căn hoặc nhiều nguyên nhân khác gây ra

Trục trặc phòng the vì Parkinson

Bệnh Parkinson: Cẩn trọng với các triệu chứng không thuộc vận động

10 quan niệm “sai lè” về bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson và run vô căn có phải là một?

Run vô căn (đôi khi được gọi là run vô căn lành tính)

Đây là nguyên nhân gây run phổ biến nhất. Ở một số người, run vô căn thường nhẹ và không tiến triển trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đa số trường hợp run vô căn tiến triển chậm, bắt đầu từ một bên cơ thể rồi ảnh hưởng đến cả hai bên trong vòng vài năm.

Run vô căn thường xảy ra khi vận động, giảm run khi nghỉ ngơi

Run vô căn thường ảnh hưởng tới tay nhưng trong một số trường hợp, bệnh có thể gây run nhẹ ở đầu theo kiểu run ngang (lắc), run dọc (gật); Giọng nói run run hoặc thay đổi nhẹ dáng đi. Người bệnh chủ yếu bị run khi vận động và giảm run khi nghỉ ngơi. Tần số run có thể giảm theo thời gian nhưng mức độ nghiêm trọng có thể tăng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Căng thẳng, mệt mỏi, lo âu, sốt hoặc giảm đường huyết có thể gây run hoặc làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh run vô căn.

Mặc dù bệnh thường gặp sau 40 tuổi nhưng mọi lứa tuổi đều có thể có các triệu chứng của bệnh này. Nếu bạn có bố hoặc mẹ bị run vô căn, nguy cơ mắc bệnh của bạn là 50%.

Run Parkinson

Parkinson là một rối loạn vận động xảy ra khi khu vực chỉ huy vận động của não bộ bị tổn thương do thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh Dopamine với các triệu chứng như run, cứng khớp và chậm vận động.

Run do Parkinson thường tăng khi nghỉ ngơi

Khác với run vô căn, run trong bệnh Parkinson đặc trưng là tăng khi nghỉ ngơi. Run thường là triệu chứng đầu tiên của căn bệnh này, có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc kèm với các triệu chứng khác.

Run do bệnh Parkinson có thể ảnh hưởng tới tay, chân, cằm, môi và thân. Cũng như run vô căn, bệnh Parkinson bị ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố cảm xúc như căng thẳng, hồi hộp run sẽ tăng.

Bệnh Parkinson thường khởi phát sau tuổi 60, run thường bắt đầu từ một chi hoặc một bên cơ thể, sau đó tiến triển dần sang bên còn lại.

Run do rối loạn trương lực cơ

Loạn trương lực cơ là một rối loạn vận động có khá nhiều điểm tương đồng với bệnh Parkinson do đó đôi khi thường bị chẩn đoán nhầm. Người bị loạn trương lực cơ bị mất khả năng cử động, có các biểu hiện như: Tay chân bị xoắn vặn, co giật mi mắt, vẹo cổ, liệt mặt, không nói được do cuống họng bị thắt chặt và chuột rút.

Rối loạn trương lực cơ có thể gây run ở tất cả các cơ bắp trong cơ thể, giảm khi nghỉ ngơi, hoặc khi bạn chạm nhẹ vào khu vực bị ảnh hưởng.

Run do hội chứng tiểu não (run tiểu não)

Hội chứng tiểu não thường gây rối loạn vận động, mất thăng bằng hoặc giảm trương lực cơ… Run tiểu não thường xảy ra khi cố gắng thực hiện một động tác có điểm đích, chẳng hạn cố gắng bấm chuông hoặc chạm ngón tay vào chóp mũi của một người. Run còn kèm theo rung giật nhãn cầu và ảnh hưởng tới dáng đi.

Run tiểu não thường là di chứng sau các tổn thương như đột quỵ, ung thư, bệnh đa xơ cứng hoặc một số rối loạn thoái hóa di truyền. Nó cũng có thể xuất hiện do nghiện rượu mạn tính hoặc lạm dụng một số loại thuốc Tây.

Run tâm lý (còn được gọi là run chức năng)

Run tâm lý thường kết thúc khi đã quen với hoàn cảnh hoặc đã ổn định tâm lý

Run tâm lý có thể xuất hiện ở tất cả mọi người, thường khởi phát đột ngột cùng với tình trạng căng thẳng, lo lắng, hồi hộp… Run tâm lý thường kết thúc khi bị phân tâm hoặc tâm lý đã ổn định.

Run tư thế

Run tư thế được đặc trung bởi các cơn co thắt ở chân và thân ngay lập tức sau khi đứng lên. Run có thể kèm theo các triệu chứng lâm sàng khác như đỏ mặt, đứng hoặc đi không vững khi vừa ngồi.

Run do rối loạn thần kinh thực vật

Có rất nhiều nguyên nhân gây run do rối loạn thần kinh thực vật như bệnh tiểu đường, tổn thương dây thần kinh, nhiễm độc kim loại nặng, tác dụng phụ của thuốc điều trị… Đây là nguyên nhân gây run thường gặp ở người trẻ với đặc trưng là run tăng lên trong trạng thái cảm xúc mạnh như lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, đứng trước đám đông…

Thuốc điều trị run do rối loạn thần kinh thực vật hiện nay chỉ làm giảm được triệu chứng của bệnh, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm giảm run bằng cách tập luyện và học cách cân bằng, điều tiết cảm xúc.

Ngoài các nguyên nhân trên, bạn có thể bị run do bệnh cường giáp, nghiện rượu, thậm chí là khi cai rượu không đúng cách. Nhưng có một tin mừng rằng, điều trị tốt bệnh cường giáp hoặc cai rượu hoàn toàn có thể giúp bạn chấm dứt được tình trạng run.

Kim Chi H+

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Thần kinh