Không nên lạm dụng sinh mổ

Sản phụ chỉ nên sinh mổ khi có chỉ định của bác sỹ

Mang thai sau sinh mổ cần chú ý gì?

Các vật dụng thiết yếu bố nên gửi vào cho bé sau sinh mổ

Bí quyết lấy lại vòng eo an toàn cho phụ nữ sau sinh

Trẻ sinh mổ có nguy cơ mắc đái tháo đường, béo phì cao gấp 3 lần

Tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam ngày càng gia tăng

Những thập niên gần đây, theo các thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trong số 30 triệu ca mổ lấy thai được thực hiện trên toàn thế giới vào năm 2015 có đến 12 triệu ca (40%) được cho là không cần thiết. Riêng tại Việt Nam, số liệu thống kê của Bộ Y Tế cho thấy tỷ lệ mổ lấy thai ở nước ta đã tăng lên hơn gấp 7 lần trong 17 năm qua.

Theo BSCKII. Mạc Quốc Như Hùng - Giảng viên trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, bác sỹ Sản khoa Bệnh viện Hùng Vương cho biết, tại nước ta tỷ lệ sinh mổ trung bình là 32%. Đáng chú ý tại các thành phố lớn như TP.HCM tỷ lệ sinh mổ có thể lên tới 50%, cứ 2 thai phụ sẽ có 1 người mổ lấy thai. Đây được xem là tình trạng đáng lo ngại tại Việt Nam.

BSCKII. Mạc Quốc Như Hùng, diễn giả trong chương trình Med Talks số 14 chia sẻ về sinh mổ ngày 13/10 vừa qua

BSCKII. Mạc Quốc Như Hùng, diễn giả trong chương trình Med Talks số 14 chia sẻ về sinh mổ ngày 13/10 vừa qua

Trong một cảnh báo khác từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam ngày càng gia tăng, chiếm gần 50% và tăng nhiều hơn tại các bệnh viện sản tuyến cuối.

Bên cạnh những vấn đề liên quan đến bệnh lý của bà mẹ mang thai như: Tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, doạ đẻ non… thì tỷ lệ em bé có trọng lượng thai lớn tăng lên dẫn đến việc đẻ khó, cũng góp phần gia tăng chỉ định mổ lấy thai.

Tuy nhiên, những nguyên nhân trên chỉ chiếm khoảng 20% số ca sinh mổ ở nước ta, 30% còn lại là do thai phụ sợ đau khi sinh nở và bác sỹ lựa chọn phương án an toàn. Thông thường thời gian chuyển dạ là 12-18h đối với con so, 6-9h với con rạ. Nếu sinh thường, sản phụ cần được theo dõi trong thời gian khá lâu. Nhiều người do không chịu được cơn đau hoặc vì muốn đứa trẻ ra đời đúng "ngày lành tháng tốt" nên yêu cầu được sinh mổ. Còn một số thầy thuốc, do ngại trách nhiệm (sợ bị khiếu nại nếu sản phụ có trục trặc khi sinh) nên nhiều khi đưa ra chỉ định mổ rất "rộng rãi".

Mẹ chưa chắc "tròn", con chưa chắc "vuông"

Thành ngữ "mẹ tròn, con vuông" giống như một lời chúc mừng cho sự vượt cạn thành công của người mẹ. Nhiều người cho rằng, sinh mổ sẽ an toàn cho mẹ và con sinh ra được khỏe mạnh hơn. Thế nhưng việc lạm dụng sinh mổ có thể làm tăng nguy cơ trẻ không được bú mẹ sau sinh và bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn sữa mẹ, đặc biệt là sữa non quý giá.

Y khoa cũng đã ghi nhận một số biến chứng nguy hiểm của việc sinh mổ như: Tai biến gây mê, nhiễm trùng vết mổ, nguy cơ tắc ruột do dính ruột về sau cho thai phụ. Bên cạnh đó, việc sinh mổ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ở lần sinh tiếp theo như: Vết sẹo ở tử cung do lần sinh mổ trước khiến lá nhau không có điều kiện bám tốt, do đó việc cung cấp máu và chất dinh dưỡng nuôi bào thai không đầy đủ. Nếu nhau thai bám vào thành tử cung tại vết mổ cũ sẽ rất nguy hiểm, vì ở vị trí này sẽ khiến bào thai dễ sẩy. 

Trẻ sinh mổ có tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh suy hô hấp

Trẻ sinh mổ có tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh suy hô hấp

Bên cạnh những nguy cơ đối với sản phụ thì việc sinh mổ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ sơ sinh. Trẻ được sinh ra bằng phương pháp mổ có nguy cơ suy hô hấp, nhất là trẻ được can thiệp sinh mổ ở thời kỳ thai gần đủ tháng (khoảng 37 tuần). So với sinh mổ thì sinh thường giúp em bé ra đời có sự hô hấp tốt hơn do cơ chế tự nhiên của cơ thể người mẹ khi đẩy bé ra.

Chỉ sinh mổ khi có chỉ định về chuyên môn

Theo BS. Hùng, việc mổ đẻ chỉ được thực trong tình huống bắt buộc, khi sức khỏe, tính mạng của thai nhi và sản phụ có thể bị ảnh hưởng nếu phải chờ sinh quá lâu. Đó là trường hợp sản phụ có bệnh lý kèm theo (sản giật...) hoặc không thể sinh thường.

Tất cả các bác sỹ đều khuyên sản phụ không nên đề nghị sinh mổ nếu bác sỹ không chỉ định. Ngoài nhiều biến chứng rất dễ nhận thấy khi sinh mổ, gây hậu quả cho cả mẹ lẫn con, thì điều quan trọng hơn là nếu sinh thường, giữa mẹ và con sẽ tạo một đường dây tình cảm bền chắc.

"Những cơn gò tử cung, rồi sau đó đón chào một đứa con khỏe mạnh, kháu khỉnh khiến cho tình mẫu tử được gắn chặt hơn", BS. Hùng nói.

Trên thực tế, không có phương pháp sinh nào là an toàn tuyệt đối. Vì thế, bác sỹ sẽ cân nhắc giữa lợi ích, nguy cơ sinh thường và sinh mổ để đưa ra chỉ định đúng, kịp thời. Đồng thời, thai phụ và người thân cũng nên tìm hiểu kỹ về phương pháp sinh thông qua các lớp tiền sản, truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản.

 
Lê Tuyết
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp