Sinh thường và sinh mổ: So sánh lợi ích, tác hại giúp mẹ thêm vững tin

So sánh sinh thường và sinh mổ

Tập luyện sau khi sinh thế nào để mẹ khỏe, nhanh lại dáng?

Xoay ngôi thai ngược: Mẹ có thể làm được để sinh thường tự nhiên!

Bác sỹ mổ lấy thai, một bé sơ sinh bị gãy xương đùi

Mẹ bầu nào buộc phải sinh mổ?

1. Sinh thường

Ưu điểm

Đối với người mẹ:

- Người mẹ có cảm giác tự hào sau khi sinh thường. Bởi họ là người tham gia tích cực trong ca sinh. Họ phải thở và rặn để em bé chui ra.

- Thời gian lưu lại bệnh viện ngắn hơn so với sinh mổ. Thông thường, bạn sẽ ở lại bệnh viện khoảng 24 – 48 giờ sau khi sinh. Thời gian hồi phục cũng nhanh hơn, ít bị đau sau sinh hơn.

- Trong lần sinh sau, quá trình sinh nở có thể dễ dàng hơn.

- Các bà mẹ sinh thường có thể áp bé lên ngực - phương pháp da tiếp da (skin to skin) - giúp gắn kết mẹ và bé và giúp bé có khởi đầu tốt hơn. Mẹ cũng có thể cho bé bú ngay sau khi sinh nếu không quá đau và kiệt sức. 

Phương pháp da tiếp da (skin to skin) giúp gắn kết tình thương giữa mẹ và bé

Đối với trẻ:

- Em bé ít có khả năng có vấn đề về hô hấp, bao gồm thở nhanh, gấp sau sinh, hoặc có dịch trong phổi. Dịch trong phổi của trẻ sơ sinh không nghiêm trọng và sẽ hết trong 2 – 3 điều trị. Điều này phổ biến hơn ở trẻ sinh non và trẻ sinh mổ.

Đẻ thường làm giảm khả năng trẻ sơ sinh có dịch trong phổi, vì áp lực đi qua các ống sinh giúp siết chặt chất lỏng dư thừa ra khỏi phổi của bé. Ngoài ra, quá trình bé chui ra khỏi bụng mẹ kích thích sản xuất các hormone epinephrine – hormone này giúp đẩy hết dịch ra khỏi phổi.

- Trẻ được sinh thường ít có có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, dị ứng thực phẩm, không dung nạp lactose sau này. Điều này có thể là do trẻ được tiếp xúc với vi khuẩn có lợi trong đường sinh.

Nhược điểm

Đối với người mẹ:

- Sinh thường có thể gây lo lắng và rối loạn cảm xúc cho một số phụ nữ.

- Mặc dù hầu hết các ca sinh thường không gây biến chứng, nhưng không phải là không có, điển hình như băng huyết.

- Người mẹ có nguy cơ bị rách tầng sinh môn, có thể rách nhẹ hoặc vết rách kéo vào trực tràng cần phải điều trị.

- Trong trường hợp hiếm, người mẹ có thể bị sa tử cung. Nếu không được điều trị ngay lập tức, có thể dẫn đến xuất huyết nặng và sốc, dẫn đến tử vong.

- Nếu bị cắt tầng sinh môn, bạn có thể bị đau sau khi quan hệ trong 3 tháng đầu tiên sau khi sinh con.

- Đôi khi, bạn có thể bị thương ở xương cụt trong khi sinh, nếu bạn có khung xương chậu hẹp hoặc có hình dạng bất thường và thai nhi có trọng lượng lớn.

- Phụ nữ đẻ thường có tỷ lệ cao bị tiểu không tự chủ (rò rỉ nước tiểu) hơn phụ nữ sinh mổ.

Đối với trẻ:

- Trẻ có thể bị thiếu oxy, nếu có chèn ép tủy hoặc các vấn đề khác trong quá trình sinh.

- Trẻ có thể bị chấn thương trong khi đi qua ống sinh sản, trong đó có vết bầm, sưng, thậm chí là gãy xương. Nguy cơ sẽ tăng lên nếu phải dùng biện pháp hỗ trợ như kẹp hoặc giác hút.

Xem thêm ưu - nhược điểm của sinh mổ (mổ bắt thai)


2. Sinh mổ

Ưu điểm

Đối với người mẹ:

- Sinh mổ được lên kế hoạch từ trước sẽ giúp mẹ ít căng thẳng và lo lắng về những cơn đau đẻ.

- Đẻ mổ ít có nguy cơ bị xuất huyết sau sinh.

- Người mẹ ít có nguy cơ bị sưng, bầm tím hay tổn thương sàn chậu.

Đối với trẻ:

- Sinh mổ có kế hoạch, trẻ ít gặp biến chứng hơn, bao gồm nhiễm trùng, chấn thương, rách da và các vấn đề gây mê liên quan.

- Nếu người mẹ bị mắc bệnh lây qua đường tình dục hoặc nhiễm trùng (như herpes, HIV, viêm gan và HPV), nguy cơ lây nhiễm cho em bé sẽ giảm đáng kể nếu sinh mổ.

Sinh mổ giảm nguy cơ trẻ nhiễm bệnh từ mẹ

Nhược điểm

Đối với người mẹ:

- Mổ bắt thai là một phẫu thuật bụng, có những rủi ro trong phẫu thuật và biến chứng gây mê. Tác dụng phụ gây mê có thể bao gồm đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn.

- Nếu đẻ mổ, bạn sẽ phải nằm viện lâu hơn và thời gian phục hồi sau sinh cũng kéo dài hơn.

- Trong các ca sinh mổ phức tạp, người mẹ có thể vô tình bị cắt ruột hoặc bàng quang. Chức năng ruột cũng suy giảm sau khi sinh mổ.

- Người mẹ bị mất máu nhiều hơn khi sinh mổ, mất khoảng 1.000 ml (hoặc 1 lít) máu. Có khoảng 2 – 3% phụ nữ sau sinh mổ phải truyền máu.

- Trong lần mang thai tiếp theo, bạn có nguy cơ cao bị nhau tiền đạo (nhau thai phát triển thấp trong tử cung, che một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung).

- Vết thương tụ máu bên dưới vết rạch bụng. Tê hoặc đau ở vùng xung quanh sẹo. Có cục máu đông trong các tĩnh mạch.

- Xuất huyết ồ ạt đòi hỏi phải cắt bỏ tử cung.

- Cho con bú khó khăn hơn.

- Nhiễm trùng hậu sản.

- Chi phí cho mổ lấy thai đắt hơn sinh thường.

Đối với trẻ:

- Trẻ được sinh mổ có thể gặp vấn đề về hô hấp như thở nhanh thoáng qua và hội chứng suy hô hấp.

- Gây mê cho mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến em bé, khiến bé chậm chạp hoặc không hoạt động khi mới sinh.

- Nếu sinh mổ theo kế hoạch, trẻ có nguy cơ bị sinh non nếu ngày ước tính của mẹ không chính xác.

Tất nhiên, tùy tình hình thực tế, bác sỹ sẽ tư vấn hoặc quyết định hình thức sinh cho bạn. Chẳng hạn như trong quá trình sinh thường có diễn biến xấu, bác sỹ có thể sẽ đề nghị mổ lấy thai ngay lập tức, tránh nguy hiểm cho cả mẹ và con.
An An H+ (Theo womenshealthcaretopics.com)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ