Tương lai của ứng dụng truy vết sau đại dịch

Các ứng dụng truy vết từng là trọng tâm của chiến lược xét nghiệm và phòng dịch COVID-19

Rối loạn tâm lý hậu COVID-19

Sức khỏe nền kinh tế sau đại dịch: Đi tìm các tế bào “xanh”

6 gợi ý cho kỳ nghỉ kết hợp hồi phục sức khỏe sau đại dịch COVID-19

Tương lai sau đại dịch COVID-19: Nhu cầu nhân lực chăm sóc sức khỏe tăng cao

Sự ra đời của ứng dụng truy vết 

Tiềm năng của ứng dụng truy vết số trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh lây truyền qua virus đã được khám phá hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, phải đến sự xuất hiện của COVID-19, công nghệ này mới thực sự gây được sự chú ý. Nhưng liệu nó có còn hiệu quả trong tương lai hậu đại dịch hay không, là câu hỏi mà TS. Manuel Cebrian – Viện Nghiên cứu Phát triển Con người Max Planck (Đức) đắn đo.

Trong bài báo đăng tải trên Tạp chí Nature Electronics, TS. Manuel Cebrian cho hay, ông đã nghiên cứu ứng dụng Bluetooth vào truy vết và kiểm soát sự lây lan của virus hơn 10 năm trước. Dù từng bị đánh giá là "lý thuyết suông", công nghệ này đã trở thành một trong những cơ chế hàng đầu trong ngăn chặn dịch COVID-19.

TS. Manuel Cebrian - Viện Max Planck (Đức) là một trong những người tiên phong Nghiên cứu ứng dụng Bluetooth trong truy vết dịch tễ - Ảnh: El País

TS. Manuel Cebrian - Viện Max Planck (Đức) là một trong những người tiên phong nghiên cứu ứng dụng Bluetooth trong truy vết dịch tễ - Ảnh: El País

Hành trình đến với ứng dụng truy vết số của TS. Cebrian bắt đầu vào năm 2009, tại phòng thí nghiệm tại MIT Media Lab. Nơi làm việc của ông luôn bừa bộn các thiết bị công nghệ: Các thiết bị nhỏ, có thể gắn lên tường để theo dõi con người qua tín hiệu WiFi hoặc Bluetooth phát ra từ thiết bị điện tử họ sử dụng; Huy hiệu cài áo cho phép truy vết, phân tích đối tượng tương tác; Và sau đó là ứng dụng theo dõi sức khỏe trên điện thoại. Vào thời điểm đó, các ứng dụng trên điện thoại là lựa chọn kém khả quan nhất, nhưng chúng đã được định sẵn trở thành công nghệ đại chúng trong tương lai.

Tuy nhiên, các công trình ứng dụng truy vết ban đầu của TS. Cebrian và đồng nghiệp không được cộng đồng học thuật quan tâm. Bản tham luận ông gửi tới một hội nghị hàng đầu về mạng xã hội năm 2012 bị từ chối thẳng thừng. Sau cùng, ông cũng có một bài báo được đăng tải trên tạp chí khoa học PLoS One vào năm 2014, nhưng cũng không được đón nhận nồng nhiệt.

Cú hích mang tên COVID-19

Tháng 3/2020, cộng sự của TS. Cebrian, Kate Farrahi, nhận được lời mời từ Chính phủ Singapore. Quốc gia này đang tập hợp hàng trăm nhà phát triển phầm mềm để tạo ra ứng dụng truy vết tiếp xúc COVID-19 đầu tiên. Công trình này được truyền cảm hứng từ bài báo năm 2014 của TS. Cebrian, và rất nhanh sau đó, Singapore đã sớm cho ra mắt ứng dụng truy vết này.

Nối tiếp thành công này, TS. Cebrian và đồng nghiệp nhận được nhiều đề nghị, từ các cơ quan an ninh quốc gia, đến các nhà nhân học muốn tìm ra giải pháp ngăn chặn dịch COVID-19. Một ý tưởng trên mặt giấy bỗng trở nên phổ biến theo hàm mũ (như chính virus SARS-CoV-2), hàng trăm triệu USD được đầu tư vào cuộc chạy đua phát triển công nghệ này trên toàn thế giới. 

Đức có ứng dụng Corona-Warn-App. Các vùng của Vương quốc Anh triển khai ứng dụng riêng: NHS COVID-19 ở Anh và Wales, StopCOVID NI ở Bắc Ireland và Protect Scotland.

Đức có ứng dụng Corona-Warn-App. Các vùng của Vương quốc Anh triển khai ứng dụng riêng: NHS COVID-19 ở Anh và Wales, StopCOVID NI ở Bắc Ireland và Protect Scotland.

Truy vết tiếp xúc là biện pháp được áp dụng phổ biến trong y tế dự phòng. Nhân viên y tế làm nhiệm vụ điều tra dịch tễ tại cộng đồng sẽ truy vết đối tượng có tiếp xúc gần với người nhiễm, từ đó đưa ra khuyến cáo cần thực hiện như xét nghiệm, tự cách ly. Ứng dụng truy vết số ra đời nhằm hỗ trợ cho lực lượng y tế tuyến đầu, hứa hẹn giúp phát hiện các chuỗi lây nhiễm nhanh hơn việc truy vết bằng sức người. Đặc biệt, trong bối cảnh việc giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn tới kinh tế, các quốc gia càng kỳ vọng hơn vào công nghệ này.

Tuy nhiên, nhóm của TS. Cebrian luôn đưa ra cảnh báo rằng, truy vết số chỉ có thể ngăn chặn đại dịch trong một vài kịch bản. Và đúng vậy, dù hầu hết các nước châu Âu đã triển khai ứng dụng truy vết, làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 đã gây ra phong tỏa nhiều vùng, cảnh báo mức độ cao ở khắp châu Âu.

Lo lắng về hiệu quả của ứng dụng truy vết, TS. Cebrian đã kết hợp với các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia để tìm ra hạn chế của công nghệ truy vết số. Kết quả bước đầu cho thấy, đại dịch COVID-19 chỉ có dừng lại nếu ít nhất 10% dân số trên toàn thế giới được xét nghiệm hàng ngày, và việc xét nghiệm phải được thực hiện theo chiến lược từ người có nguy cơ cao. Ngoài ra, các sự kiện tập trung đông người hay “siêu lây nhiễm” cũng cần hạn chế. Sự lây nhiễm bất thường theo ổ dịch, cụm dịch có thể phá hủy mọi nỗ lực của ứng dụng truy vết số.

Sự hỗ trợ của các ứng dụng không thể ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 2 ở Anh

Sự hỗ trợ của các ứng dụng không thể ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 2 ở Anh

Vấn đề cuối cùng là cách ứng dụng thúc đẩy hành vi của người dùng. Hầu hết các ứng dụng COVID-19 bật thông báo cho bạn khi ghi nhận tiếp xúc gần hoặc nguy cơ lây nhiễm. Khi đó, bạn phải thông báo cho những đối tượng tiếp xúc khác, đồng thời tự cách ly và xét nghiệm. Lý thuyết là vậy. Tuy nhiên, việc thiết kế ra ứng dụng truy vết có thể đảm bảo người dùng tuân thủ các khuyến nghị trên là một bài toán khó nhằn, và cần được tiếp tục nghiên cứu về cả mặt đạo đức, sự bình đẳng và quyền riêng tư.

Theo bài báo trên tờ The Conversation, phân tích hiệu quả của ứng dụng NHS COVID-19 cho thấy, sau khi ra mắt vào tháng 12/2020, ứng dụng đã giúp kiểm soát sự lây lan của virus trong thời gian đầu. Tại thời điểm đó, có 28% dân số dùng ứng dụng mỗi ngày. NHS COVID-19 giúp ngăn chặn khoảng 600.000 ca mắc COVID-19, trong bối cảnh chưa có vaccine và các biện pháp điều trị còn hạn chế.

Tuy nhiên, chỉ riêng ứng dụng truy vết không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus. Các ứng dụng ra đời trong khi biến thể Alpha còn áp đảo. Nhưng đại dịch đã thay đổi, với Delta và Omicron lây lan nhanh hơn nhiều. Với sự xuất hiện của vaccine, các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng, và người dùng trở nên nghi ngờ tính thực tế của ứng dụng truy vết. Nhiều người chủ động tắt ứng dụng để không bị làm phiền bởi những lời nhắc nhở phòng dịch, tự cách ly.

Tương lai của ứng dụng truy vết

Một cảnh báo yêu cầu tự cách ly trên ứng dụng theo dõi NHS COVID-19 - Ảnh: BBC

Một cảnh báo yêu cầu tự cách ly trên ứng dụng theo dõi NHS COVID-19 - Ảnh: BBC

Là đại dịch đầu tiên xuất hiện trong kỷ nguyên thuật toán, COVID-19 đã thúc đẩy tiến bộ vượt bậc trong việc ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo vào y tế công cộng. Tuy nhiên, với các dữ liệu hiện tại, khó có thể đưa ra dự đoán chính xác về hiệu quả của ứng dụng truy vết số với các đợt bùng phát dịch trong tương lai. Ứng dụng truy vết là công cụ hữu ích, nhưng không thể thay thế các nỗ lực phòng, chống dịch khác: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và xét nghiệm hiệu quả.

Nếu lựa chọn tin tưởng các ứng dụng truy vết, chúng ta cũng cần xem xét một số vấn đề sau một cách cẩn trọng. Trước hết, dữ liệu cá nhân là mối quan tâm hàng đầu của công chúng: Người dùng muốn biết ai được phép truy cập vào dữ liệu của họ, ai có thể kiểm soát nguồn thông tin này và chúng được lưu trữ ở đâu.

 

Vấn đề tiếp theo là sự bất bình đẳng trong sử dụng. Với ứng dụng NHS COVID-19, đối tượng gặp khó khăn khi dùng ứng dụng là người cao tuổi, người thuộc các nhóm thiểu số và đến từ vùng khó khăn. Trớ trêu thay, họ thuộc nhóm có nguy cơ cao, dễ tổn thương nhất khi mắc bệnh.

Từ thực tế triển khai ứng dụng truy vết ở Anh, trong một bài viết đăng tải trên Viện Nghiên cứu Ada Lovelace, nhà nghiên cứu Melis Mevsimler đề xuất 3 biện pháp cần thực hiện:

1. Đánh giá hiệu quả với cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm

Các ứng dụng truy vết COVID-19 chỉ mới đi vào sử dụng khoảng 2 năm. Vì thế, chưa có khung đánh giá chung cho mức độ hiệu quả của chúng. Các cách tiếp cận phổ biến đều dựa trên các chỉ số có thể lượng hóa như: Số người cài đặt; Tốc độ truy vết; Số người nhiễm được cảnh báo nhờ ứng dụng… Tuy nhiên, điểm hạn chế của các tiêu chí trên là chúng không xem xét tác động của ứng dụng với hành vi con người trong đời thực. Thay đổi cách nhìn nhận này sẽ giúp các nhà phát triển tìm ra cơ chế, cách thúc đẩy người dùng tuân thủ hướng dẫn của ứng dụng truy vết.

2. Truyền thông hiệu quả để tạo dựng lòng tin

Người dùng chỉ chủ động cài đặt và sử dụng ứng dụng truy vết số khi họ có lòng tin vào hiệu quả của ứng dụng, cũng như vào chính phủ và tổ chức vận hành các ứng dụng đó. Dịch COVID-19 đã cho thấy, các bằng chứng khoa học cần được diễn giải thành những thông điệp dễ hiểu, rõ ràng về sức khỏe cộng đồng, nhất là khi có khủng hoảng xảy ra.

3. Can thiệp, làm giảm bất bình đẳng về y tế và kinh tế - xã hội

Như đã nói ở trên, đối tượng yếu thế và có nguy cơ cao trong đại dịch lại ít được tiếp cận với các ứng dụng truy vết nhất (do không sở hữu smartphone, hoặc không biết sử dụng smartphone).

Trong khi đó, công nghệ truy vết số được triển khai trên ý tưởng: Nền tảng điện thoại thông minh sở hữu Bluetooth và GPS có thể “số hóa” quá trình truy vết tiếp xúc. Nếu đặt ngược lại vấn đề, phải chăng các ứng dụng truy vết nên được phát triển như công cụ hỗ trợ các nhóm yếu thế trong đại dịch?

Theo nhà nghiên cứu Melis Mevsimler, đại dịch COVID-19 đã làm sâu sắc thêm khoảng cách về công nghệ trong xã hội. Tại Vương quốc Anh, 5% hộ gia đình khó có thể trang trải tiền điện thoại và Internet; 20% dân số không có kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ cơ bản. Nhóm đối tượng này không thể dùng ứng dụng truy vết ngay cả khi họ thực sự muốn. Nhiều người đơn giản chỉ là không đủ điều kiện tài chính để có thể nghỉ việc, ở nhà cách ly, khi được ứng dụng cảnh báo.

Không ai trong chúng ta muốn cài đặt lại ứng dụng truy vết trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, nếu được tận dụng và phát triển đúng hướng, công nghệ truy vết số chắc chắn sẽ giúp nhân loại chuẩn bị tốt hơn cho những đại dịch có khả năng bùng phát trong tương lai.

Quỳnh Trang (Lược dịch)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin