Lời xin lỗi của Bí thư và điều ước nguyện của Thứ trưởng

Cần động viên kịp thời cho các nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu

Bộ Y tế kiểm tra phòng, chống bệnh sốt xuất huyết ở TP.HCM

Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh việc sử dụng vaccine COVID-19

Bộ Y tế đề xuất V2K thay 5K, thêm 111 ổ dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM

Thủ tướng thăm và tặng quà các bệnh nhi nhân 1/6, Bộ Y tế có nữ thứ trưởng

Tiếc là chúng ta vì nhiều lý do nào đó mà chưa thực hiện được điều ấy đầy đủ, nhất là với đội ngũ nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu trong công cuộc chống dịch như chống giặc vừa qua!

Phát biểu bế mạc Hội nghị Thành uỷ TPHCM lần thứ 15 diễn ra chiều 5/7, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên ‘vừa buồn vừa hổ thẹn’ kết luận: "Khi thực hiện tri ân, lẽ ra bằng mọi giá phải thực hiện cho kịp nhưng chúng ta lại máy móc, cứng nhắc với một thủ tục hành chính đơn thuần. Nói dịch bệnh là chưa từng có tiền lệ, trong tình huống đặc biệt thì có những chính sách, cơ chế đặc biệt… Hổ thẹn với lực lượng tuyến đầu chống dịch, không biết phải nói gì hơn, chúng ta phải nghiêm túc tự nhận lỗi, nhanh chóng khắc phục".

Lắng nghe lời xin lỗi của Bí thư Nên, người viết lại nhớ về điều ước nguyện đầu năm 2022 của 1 vị cán bộ cấp cao khác – Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. Trong bài viết hồi tháng 1/2022 của chính Thứ trưởng với tiêu đề “Lá đơn của bác sỹ” đăng tải trên 1 tờ báo, ông đã nói về thực trạng nhiều nhân viên y tế chia sẻ thật lòng là họ mệt mỏi tinh thần và cạn kiệt sức lực trong khi thu nhập giảm sâu do toàn bộ nguồn lực và hoạt động chuyên môn của bệnh viện phải tập trung chống dịch”.

Thứ trưởng Thuấn cũng thừa nhận “việc hoàn thiện chính sách, chế độ đãi ngộ cho lực lượng y tế còn khiếm khuyết và chậm trễ” nên đây là 1 phần lý do những lá đơn xin nghỉ việc đã được nhân viên y tế gửi đi khi làn sóng thứ 3 của đại dịch chưa kết thúc.

 

Kết thúc bài báo, Thứ trưởng đã nêu ước nguyện của mình trong năm 2022 là thay đổi được câu chuyện chế độ với ngành Y với 2 giải pháp cụ thể: “Thứ nhất, Quốc hội đã ra Nghị quyết cho phép Chính phủ ban hành các cơ chế đặc thù trong phòng chống dịch Covid 19, Nghị quyết cần sớm được cụ thể hóa để tạo không gian rộng hơn cho các chính sách chăm sóc nhân viên y tế. Thứ hai là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong phòng chống dịch nói chung và quan tâm hơn tới lực lượng tuyến đầu nói riêng. Cùng với đó là sự đầu tư nhiều hơn nữa cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị”.

Dù đã có giải pháp nhưng 6 tháng kể từ khi điều ước nguyện của Thứ trưởng được đưa ra, chúng ta lại phải nghe lời xin lỗi của Bí thư thành ủy TPHCM. Người viết cũng tin rằng, nhiều địa phương khác cũng đang nợ các nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu những lời xin lỗi.

Những gì được gọi là “chưa từng có tiền lệ”, là “hoàn cảnh đặc biệt” vẫn chưa có các cơ chế đặc thù, giải pháp đặc biệt xử lý cho đồng bộ!

Tôi đã chọn ngành này vì tin nghề Y mang lại an ủi, xoa dịu nhiều khổ đau, tự hào nhưng cũng trọng trách nặng nề. Đại dịch lắng xuống cũng là khi chúng ta cần tìm về giá trị cốt lõi của nghề thầy thuốc. Bất cứ nền y học nào nếu muốn được tôn trọng đều phải phụng sự, tận hiến vì sức khoẻ người dân, trong đó không quên chính các y bác sỹ”, Thứ trưởng Thuấn đã chia sẻ như thế khi kết thúc bài viết của ông.

Nhưng đòi hỏi phụng sự, tận hiến mà không có ghi nhận, động viên, đãi ngộ thỏa đáng thì việc “mệt mỏi tinh thần và cạn kiệt sức lực” như Thứ trưởng đã nêu là không tránh khỏi!

Mới đây, 1 con số thống kê biết nói đã phản ánh rõ thực trạng ấy!

9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc từ đầu năm 2021!

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do: Thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu.

Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay. Bình thường đã rất nhiều việc, khi chống dịch lại càng nhiều việc, khi hết dịch lại phát sinh nhiều việc khác, cộng với các công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng. Đặc biệt, môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng”, ông Tuyên chỉ ra.

Trước tình trạng này Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị; chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế...

Nhưng đến bao giờ thì những giải pháp trên được thực hiện thì vẫn còn gian nan. Quãng đường từ chính sách đến cuộc sống ở ta vốn quá dài ! Và con số viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc vẫn đang tăng.

Lại phải trông chờ vào sự đẩy mạnh, khẩn trương, quyết liệt…chỉ đạo của cấp trên thôi!

Phương Minh H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết