Không phải cứ thảo dược là tốt
Đến nay, người ta vẫn thường công nhận trà có một số tác dụng như: giải nhiệt, chống khát, lợi niệu, giải độc, kích thích tiêu hoá, giảm mỡ máu, chống béo phì, cải thiện trí nhớ, chống viêm loét tiêu hoá, kháng khuẩn tiêu viêm, chống oxy hoá, giảm đường máu, dự phòng các bệnh lý mạch máu não, dự phòng hình thành sỏi tiết niệu, sỏi đường mật...
Người bình thường có thể sử dụng trà có nguồn gốc thực phẩm từ rau, trái cây như: bí đao, đậu bắp, khổ qua, rau đắng… với liều lượng tương đương lượng thực phẩm ăn hàng ngày. Với những loại trà thảo dược không phải là rau trái ăn hàng ngày như: hoa sơn trà, hoa tam thất, giảo cổ lam, thìa canh, bá bệnh, hoàn ngọc, diệp hạ châu, nha đam, lược vàng… thì không nên sử dụng thường xuyên.
Đây là các dược liệu có tính năng chữa bệnh nhất định, có thể đưa đến tình trạng mất cân bằng do tính vị (nóng, lạnh, đắng, cay…) của chúng.
Một ví dụ là tình trạng lạm dụng atiso. Atiso rất tốt cho tiêu hóa nhưng lại có tính lạnh nên những người có cơ địa tỳ vị hư hàn, cơ quan tiêu hóa có tính lạnh, thì dùng atiso lại thêm hại. Hơn nữa, dùng quá nhiều mà cơ thể không hấp thu hết thì gan, thận phải làm việc nhiều hơn để đào thải phần dư thừa ra ngoài.
Trà atiso có chứa nhiều sắt nhưng lại thiếu các khoáng chất khác như kẽm, crom… nên có thể dẫn đến chán ăn, ăn không thấy ngon miệng.
Nên nghe lời khuyên của bác sĩNói chung, nên đi khám bệnh trước, trong và sau khi uống trà thảo dược. Không nên chỉ đọc cách dùng sản phẩm mà không có y lệnh của thầy thuốc. Ngay cả những người có bệnh khi dùng trà thảo dược cũng phải thật cẩn thận, dùng sai có thể bệnh nặng hơn. Với người không có bệnh, tuỳ tiện uống nhiều trà thảo dược có thể bị ngộ độc dược chất.
Người bệnh đang dùng thuốc, dù sử dụng bất kỳ loại trà thảo dược nào, cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để tránh các tương tác không mong muốn làm giảm hiệu lực điều trị.
Riêng phụ nữ mang thai và cho con bú nên sử dụng thực phẩm thay cho các dạng trà. Nếu đang điều trị bằng thuốc Tây, thời điểm uống trà tốt nhất là sau khi dùng thuốc 1-2 giờ, để tránh các thành phần tanin cản trở việc hấp thụ thuốc. Không nên uống trà thảo dược lúc quá no hoặc quá đói. Uống khi quá no sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc. Còn uống lúc quá đói, thuốc kích thích niêm mạc đường tiêu hoá gây cồn cào khó chịu.
Khi mua bất kỳ một loại trà thảo dược nào cần xem kỹ công bố chất lượng, thành phần, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, nơi sản xuất, hướng dẫn và hạn sử dụng…
Không mua tùy tiện các loại lá phơi khô về uống, vì rất có thể sẽ gặp phải loại không có phẩm chất. Ví dụ, cây trinh nữ hoàng cung có đến bảy loại cây giống với nó như cây náng trắng, cây lan huệ,… rất độc với gan, thận.
Mặt khác, ngay cả khi mua đúng lá trinh nữ hoàng cung về pha trà uống, chưa chắc đã hiệu quả vì ngoài việc đất trồng đạt chuẩn, thì phải thu hái đúng mùa vụ, cây đủ ba năm tuổi và thu hái trước khi cây nở hoa… mới đảm bảo dược tính của loại dược liệu quý này. Một ví dụ khác là cây chó đẻ.
Nếu trồng đúng theo tiêu chuẩn thì hàm lượng tamin sẽ là 3.500mg/kg, trong khi trên cây mọc dại chỉ có 200mg-300mg/kg. Thậm chí, nhiều cây còn không có hoạt chất này.
Bình luận của bạn