Thiếu sắt = Suy giảm thể chất, trí tuệ, tăng nguy cơ tử vong

Thiếu máu do thiếu sắt sẽ gây ra hiện tượng mệt mỏi, chóng mặt

Thực phẩm bổ sung sắt không thể bỏ qua

Phụ nữ bị giảm ham muốn tại sao lại cần bổ sung hormone nam?

Vì sao phụ nữ mãn kinh vừa xấu vừa khó tính?

Có nên cho trẻ sơ sinh uống bổ sung vitamin?

Một người trưởng thành khỏe mạnh có khoảng 3,5 – 5 gram sắt trong cơ thể. Trong đó, 65 - 70% sắt được sử dụng để sản sinh các tế bào máu đỏ, 25% được lưu trữ trong gan, lá lách, tủy xương, các cơ bắp và khoảng 4% được đưa vào myoglobin cùng các enzyme để thực hiện hiện một số chức năng quan trọng.

Tại sao thiếu sắt, đặc biệt là sắt III (Fe3) lại nguy hiểm đến thế?

Vì sắt cần thiết cho việc sản xuất các tế bào máu đỏ (hemoglobin). Hemoglobin có chức năng cung cấp oxy cho cơ thể và sắt là nguyên tố thiết yếu để cơ thể có thể sản sinh đủ lượng hemoglobin cần thiết. Hơn nữa, sắt cũng được coi là một phần của hemoglobin do nó gắn kết với oxy và tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển oxy từ phổi qua các mạch máu tới tất cả các tế bào. Nếu nồng độ sắt thấp, việc sản xuất hemoglobin sẽ bị trì trệ, phổi nhận được ít oxy sẽ dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, suy giảm khả năng miễn dịch và sức chịu đựng của cơ thể...

Sắt cần thiết cho việc sản xuất các tế bào máu đỏ

Vì sắt cung cấp năng lượng cho cơ thể. Sắt tham gia vào việc chuyển đổi lượng đường trong máu thành năng lượng. Năng lượng là điều kiện cần và đủ giúp con người có thể tham gia vào các hoạt động từ cơ bản cho đến nâng cao như vận động chân tay và suy nghĩ trí óc.

Vì việc sản xuất các enzyme cũng phụ thuộc vào sắt. Các enzyme đóng một vai trò lớn trong việc sản xuất các tế bào mới, các acid amin, kích thích tố và dẫn truyền thần kinh. Cơ thể thiếu sắt đồng nghĩa với việc enzyme được sản sinh không đủ sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi sau khi lâm bệnh hoặc sau hoạt động thể chất do suy yếu hệ thống miễn dịch.

Các triệu chứng khi thiếu sắt: Da xanh xao; Người mệt mỏi, yếu ớt; Khả năng tập trung kém (ảnh hưởng nhiều đến công việc, học tập); Hơi thở nông, nhịp tim nhanh; Chóng mặt, choáng váng; Nhức đầu và mất ngủ; Viêm loét miệng, lưỡi; Móng tay khô, giòn…

Xem tiếp: Thiếu sắt ảnh hưởng đến từng đối tượng như thế nào?


Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiếu sắt là tình trạng phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai, trẻ em trong độ tuổi phát triển và người cao tuổi. Tình trạng thiếu sắt sẽ nặng dần theo thời gian và thường bắt đầu với sự mất cân bằng sắt trong cơ thể do lượng sắt thu được từ chế độ ăn uống không đáp ứng đầy đủ các nhu cầu hàng ngày.

Ở thai phụ: Thiếu sắt = gia tăng biến chứng thai kỳ

Thiếu sắt sẽ gia tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ do người mẹ dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng, băng huyết sau sinh, sảy thai, sinh non. Ở thai nhi, bé sẽ có tỷ lệ dị tật cao, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ sau này. Sở dĩ, tình trạng thiếu máu thường gặp ở thai phụ là do thể tích máu của người mẹ sẽ gia tăng 50% trong thời kỳ mang thai để có thể nuôi thai nhi.

Việc sản sinh máu sẽ phụ thuộc vào sắt, nếu thiếu sắt, tủy xương sẽ không thể sản xuất đủ hemoglobin để có thể đưa oxy đi khắp các cơ quan. Cùng với đó, phụ nữ mang thai cần phải dự trữ một lượng máu cần thiết để đáp ứng sự phát triển của thai nhi và lượng máu mất đi sau khi sinh. Ngoài ra, thai nhi cũng cần một lượng sắt dự trữ để sử dụng sau khi ra đời. Vì vậy, như một phản ứng tự nhiên, cơ thể người mẹ sẽ cần lượng sắt cao hơn bình thường.

Sắt cũng đóng góp trong quá trình tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, norepinephrine và serotonin giúp tạo nên sự hưng phấn và tâm trạng thoải mái để phòng ngừa trầm cảm khi mang thai. Đặc biệt, việc bổ sung sắt sau khi mang thai cũng là yếu tố cần thiết do người mẹ đã mất quá nhiều máu khi sinh nở và có tác dụng ổn định lại chu trình cân bằng các chức năng sau sinh như điều chỉnh nhiệt độ, phục hồi chức năng miễn dịch và tái tạo năng lượng.

Thiếu sắt sẽ gia tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ

Ở trẻ em: Thiếu sắt = suy giảm thể chất và trí tuệ

Tính theo trọng lượng cơ thể, trẻ còn bú mẹ có nhu cầu sắt cao gấp 7 lần so với một người trưởng thành. Trong những năm tiếp theo, trẻ vẫn có nhu cầu lớn về sắt do nó có liên quan đến sự tăng trưởng cơ thể và phát triển trí não. Ở độ tuổi phát triển, khả năng học tập và vui chơi của trẻ sẽ bị hạn chế nếu thiếu sắt.

Thiếu máu do thiếu sắt sẽ ảnh hưởng tới các cơ quan quan trọng như tim, cơ bắp và não. Thiếu máu ở tim và cơ bắp có thể gây mệt mỏi, thiếu sức sống và trẻ sẽ không còn hứng thú với các hoạt động thể chất. Thiếu máu ở não làm trẻ giảm khả năng tập trung, kém thông minh và khả năng ghi nhớ. Thiếu sắt còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa khiến trẻ trở nên biếng ăn, kém hấp thu kéo theo một loạt những rủi ro liên quan đến sức khỏe và bệnh tật do suy giảm miễn dịch.

Ở người cao tuổi: Thiếu sắt = gia tăng nguy cơ tử vong

Với người cao tuổi, thiếu sắt gây thiếu máu lại càng trở nên phức tạp. Ngoài chế độ ăn uống, sự lão hóa do tuổi tác ở các cơ quan nội tạng cũng làm cho khả năng hấp thụ sắt từ thực phẩm trở nên kém đi. Điều quan trọng, tuổi già thiếu sắt sẽ gia tăng nguy cơ tử vong do máu không mang đủ oxy cần thiết đến các cơ quan chưa kể là chúng đã bị rệu rã theo năm tháng.

Nếu như ở độ tuổi phát triển, thiếu máu ở tim do thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim, gây mệt mỏi thì giờ có thể gây suy tim, thâm chí đột quỵ. Thiếu máu não sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức ở người cao tuổi bao gồm trí nhớ và mức độ minh mẫn. Thiếu máu cơ bắp sẽ khiến co cứng cơ, suy cơ gây tê liệt.

Xem tiếp làm sao để bổ sung sắt?


Tùy thuộc vào đối tượng, tình trạng sức khỏe, hệ tiêu hóa mà các bác sỹ sẽ có liệu trình bổ sung sắt khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, một liệu trình chung thường là:

Bổ sung thực phẩm giàu sắt vào chế độ dinh dưỡng như các loại thịt đỏ, thịt bò, thịt lợn, cá hồi, trứng, đậu nành…

Tránh sử dụng những thực phẩm ức chế sắt. Chất tannin có trong trà, cà phê và rượu vang đỏ hoặc cám có trong lúa mì, yến mạch, ngô và các loại ngũ cốc sẽ làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể.

Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ chất sắt. Vitamin C có nhiều trong hoa quả như cam, chanh, bưởi…

Sử dụng thực phẩm bổ sung: Uống thực phẩm chức năng bổ sung sắt là cách hiệu quả để gia tăng nồng độ sắt trong cơ thể. Tuy nhiên, việc dùng sản phẩm cần có sự tư vấn về liều lượng và thời gian sử dụng từ phía bác sỹ.

M. Hiếu H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp