Tại sao trẻ hay cào, cắn người khác?

Bạn nên bình tĩnh khi trẻ hay cào, cắn người khác

Trẻ tức tối, cáu giận: Phải làm gì?

Trẻ hay cắn: Nên làm gì để ngăn cản bé?

Những thực phẩm tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi

10 thói quen kỳ lạ của trẻ mới biết đi

Nadine Block - người sáng lập Center for Effective Discipline (tạm dịch: Trung tâm kỷ luật hiệu quả) ở Ohio, Mỹ cho biết: "Hành vi cào, đánh, cắn là hoàn toàn bình thường ở trẻ mới biết đi (từ 12 - 36 tháng tuổi)". 

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn mặc kệ trẻ. Hãy cho trẻ biết rằng hành vi hung hăng là không thể chấp nhận được và cho trẻ thấy có nhiều cách khác để thể hiện cảm xúc của mình. 

Nên làm gì khi trẻ cào, cắn người khác? 

- Giữ bình tĩnh: La hét, đánh hoặc nói với con bạn như thế là xấu sẽ không làm cho bé có những thay đổi tích cực. Bạn hãy cho trẻ thấy bạn có thể kiểm soát cảm xúc của bạn để giúp trẻ tìm hiểu cách để kiểm soát cảm xúc của mình. 

- Phản ứng ngay lập tức bất cứ khi nào trẻ gây hấn: Tách trẻ ra khỏi tình huống đó trong một thời gian ngắn (khoảng 1 - 2 phút là đủ). Điều này giúp làm "nguội" đi cảm xúc của trẻ và sau một thời gian, trẻ sẽ kết nối hành vi của mình với hậu quả và ngừng lại. 

Hành vi cào, đánh, cắn là hoàn toàn bình thường ở trẻ nhỏ

- Tạo hành vi tốt: Thay vì chỉ chú ý đến con bạn khi bé đang cư xử sai, hãy cố tạo hành vi tốt cho bé. Khi bé đang muốn một đồ chơi nào đó và đẩy đứa trẻ khác ra, hãy khen ngợi bé và đề nghị bé cùng chơi với bạn bè. Theo thời gian, bé sẽ nhận ra sức mạnh của lời nói, thay vì hành vi hung hãn.

- Đưa ra hậu quả hợp lý: Nếu trẻ đi vào nhà bóng và ném bóng vào những đứa trẻ khác, hãy đưa bé ra ngay lập tức. Khi bạn ngồi xuống cùng bé và xem những đứa trẻ khác chơi bóng, bạn hãy giải thích với bé rằng, bé có thể quay trở lại chơi nếu bé không ném bóng vào người khác. 

Tránh giảng giải, lập luận nhiều lời với trẻ. Có thể trẻ không hiểu được lời nói của bạn, nhưng trẻ có thể hiểu được hậu quả nếu chúng gây sự.

- Hỏi trẻ: Hãy đợi cho đến khi trẻ đã ổn định trở lại, bạn hãy bình tĩnh và nhẹ nhàng hỏi xem liệu bé có thể giải thích điều gì đã khiến bé cáu giận hay không. 

Cảm giác tức giận là sự phát triển tự nhiên của trẻ, nhưng khuyến khích trẻ tìm cách đáp ứng hiệu quả hơn, như sử dụng các từ để diễn đạt mong muốn của bản thân hoặc yêu cầu người lớn giúp đỡ.

- Khuyến khích trẻ xin lỗi sau khi trẻ đã cào (hay cắn) ai đó: Có thể ban đầu trẻ sẽ không xin lỗi nhưng trẻ có thể hiểu được.

- Hãy cẩn trọng với tivi, điện thoại: Phim hoạt hình, game và các phương tiện giải trí khác có thể hay có tiếng la hét, đe dọa, thậm chí là xô đẩy và đánh nhau. Một vài nghiên cứu cho thấy, trẻ xem những loại phim, game như vậy có thể ảnh hưởng đến hành vi. Một số chuyên gia lo ngại rằng, cho trẻ xem tivi, dùng điện thoại nhiều sẽ cản trở sự phát triển về mặt xã hội và tình cảm của trẻ. 

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, không nên cho trẻ xem tivi và các màn hình khác (điện thoại, máy tính) cho đến khi trẻ được ít nhất 18 tháng tuổi (ngoại trừ các cuộc trò chuyện video ngắn với người thân). 

Với trẻ trên 18 tháng tuổi, hãy hạn chế thời gian ngồi trước màn hình không quá 1 giờ mỗi ngày và chọn chương trình phù hợp với độ tuổi, đặc biệt là nếu trẻ có hành vi hung hăng. Xem các chương trình với trẻ và kiểm tra trẻ khi cùng trẻ chơi một trò chơi. 

- Để trẻ vận động: Khi trẻ không có cơ hội để đốt cháy năng lượng, trẻ có thể trở nên hung hăng hơn. Hãy cho trẻ có nhiều thời gian để vận động, tốt nhất là ở ngoài trời. 

Hãy nói chuyện với bác sỹ, nếu: 

- Trẻ có hành vi hung hãn trong một vài tuần (hoặc hơn);
- Trẻ có vẻ sợ hãi hoặc buồn bã;
- Trẻ đánh người lớn;
- Bạn không thể kiềm chế được hành vi của trẻ.

Bác sỹ cũng có thể giới thiệu một chuyên gia tâm lý để giúp đỡ con bạn, nếu cần. 

An An H+ (Theo babycenter)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ