Thai chết lưu: Những điều mẹ chưa biết

Khoảng 20 – 50% số trường hợp thai chết lưu không tìm thấy nguyên nhân

Thai lưu liên tiếp, nguyên nhân do đâu?

Thai lưu do mẹ hay con?

Kinh nghiệm chữa thai lưu bằng mía

Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ thai lưu, sảy thai

Thai chết lưu là gì?

Theo bác sỹ CKII Lê Quang Vinh – Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Cam Ranh, Khánh Hòa: “Y văn thế giới ghi nhận thai chết lưu là tất cả các trường hợp trứng đã thụ tinh và làm tổ trong tử cung, nhưng không phát triển được thành thai nhi trưởng thành, bị chết và lưu lại trong tử cung của mẹ”. Bác sỹ Lê Quang Vinh cho biết thêm, thời gian tối thiểu thai chết phải được đưa ra khỏi bụng mẹ là 48 giờ. Nếu quá thời gian trên, ối vỡ ra gây nhiễm khuẩn sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người mẹ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp thai chết lưu trong cơ thể người mẹ rồi tự tiêu biến đi, hoặc bị vôi hóa (thai đá) trong tử cung.

Nguyên nhân khiến thai bị chết lưu

Theo các chuyên gia, có khoảng 20 – 50% số trường hợp thai chết lưu không tìm thấy nguyên nhân. Các trường hợp còn lại, được xác định là do mẹ hoặc do chính thai nhi.

Thai lưu có nguyên nhân từ mẹ

Người mẹ bị mắc một số bệnh lý mạn tính (thiếu máu, viêm thận, suy gan, bệnh tim mạch, tăng huyết áp…), bệnh nội tiết (đái tháo đường, thiểu năng hay cường năng thượng thận, thiểu năng giáp trạng…), nhiễm ký sinh trùng (sốt rét ác tính khiến thai nhi bị chết gần như 100%), nhiễm vi khuẩn (giang mai, lậu), nhiễm virus (cúm, sởi, quai bị).

Nhiễm độc thai nghén kéo dài cùng với các biến chứng như tiền sản giật, sản giật, rau bong non khiến thai bị suy dinh dưỡng và chết.

Khi người mẹ bị sốt, khả năng thải nhiệt và sức chịu đựng của thai kém bởi hệ thống điều nhiệt chưa hoạt động, khiến thai dễ bị chết lưu.

Người mẹ bị sốt dễ khiến thai bị chết lưu (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, những yếu tố thuận lợi làm cho thai chết lưu như người mẹ trên 40 tuổi (nguy cơ thai chết lưu cao gấp 5 lần), mẹ thiếu dinh dưỡng, lao động vất vả, tiền sử có thai chết lưu (nguy cơ cao gấp 3, 4 lần trong lần có thai tiếp theo), tử cung của mẹ bị dị dạng như tử cung nhi tính, tử cung kém phát triển…

Nguyên nhân từ phía thai nhi

Nguyên nhân chủ yếu khiến thai dưới 3 tháng bị chết là do rối loạn nhiễm sắc thể. Rối loạn nhiễm sắc thể có thể do di truyền, hoặc do đột biến trong quá trình tạo noãn, tạo tinh trùng, thụ tinh và phát triển thành phôi.

Thai dị dạng như thai vô sọ, não úng thủy, bất thường ở dây rốn đều khiến thai nhi bị chết lưu. Bên cạnh đó, hiện tượng đa thai có thể khiến thai truyền máu cho nhau, thai cho máu dễ bị chết lưu. Thực tế, có nhiều trường hợp, khi thai còn bé siêu âm thấy song thai, đến khi thai lớn chỉ còn thấy một thai, tức là một thai chết lưu đã tự tiêu hủy đi.

Các nhà khoa học Anh cho biết, thai nhi nam dễ bị chết lưu hơn thai nhi nữ, tuy nhiên nguyên nhân do đâu vẫn chưa được nhận biết.

Triệu chứng thai chết lưu

Nếu thai chết trong vòng 4 – 6 tuần đầu tiên (tính từ kỳ kinh cuối cùng), các triệu chứng thường khó nhận biết hoặc dễ bị bỏ qua. Nếu người mẹ cảm thấy các triệu chứng nghén (mệt mỏi, nôn ọe, ăn dở) biến mất, kèm thêm ra máu, đau bụng thì có thể thai nhi đã chết.

Trường hợp thai chết lưu khi tuổi thai đã lớn thì người mẹ dễ nhận biết hơn. Các dấu hiệu thai lưu như bụng không to hơn trước, thai nhi không cử động nữa, hai vú cương lên và tiết sữa, siêu âm không thấy tim thai. Thai lớn từ 3 – 6 tháng bị chết lưu, sẽ dẫn đến sẩy thai, trên 6 tháng dẫn đến đẻ non.

Thai chết lưu cần được xử trí sớm, tránh để lâu ảnh hưởng tới sức khỏe người mẹ

Thời gian kể từ khi thai chết đến lúc sẩy thai hoặc đẻ non ở mỗi thai phụ khác nhau. Tuổi thai càng lớn thì thời gian lưu lại trong buồng tử cung càng ngắn. Quá trình đẻ của thai chết lưu giống như các ca đẻ bình thường, nhưng thời gian chuyển dạ thường dài hơn và mẹ bị ra máu nhiều hơn. Trong một số trường hợp, thai chết lưu không sẩy ngay mà nằm lại trong tử cung, do vậy, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, sẽ gây nguy hại cho sức khỏe của người mẹ.

Phòng ngừa thai chết lưu thế nào?

Phòng tránh hiện tượng thai chết lưu đòi hỏi cả hai vợ chồng trước khi thụ thai phải cẩn trọng trong ăn uống, không dùng các chất kích thích như ma túy, thuốc lá, rượu, bia. Người mẹ tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, các loại hóa chất độc hại. Cần tiêm phòng đầy đủ và bổ sung dinh dưỡng ngay từ trước khi có thai 3 tháng. Hiện nay, nhiều chị em chọn phương pháp đơn giản và tiện lợi để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe của mẹ và con là sử dụng thêm thực phẩm chức năng cả trước và trong suốt thai kỳ. 

Một lưu ý quan trọng nữa là, khi có thai, người mẹ nên đi khám thai và siêu âm định kỳ để bác sỹ theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm những bất thường của thai nhi... 

Vân Anh H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ