Thái Lan: Chiến lược phát triển công nghiệp thảo dược bắt đầu với cây nghệ

Cây nghệ chứa curcumin với nhiều lợi ích sức khỏe

Cấy chỉ: Bước tiến mới trong điều trị bằng Y học cổ truyền

Phát triển y dược học cổ truyền theo hướng chuyên sâu

Ưu thế của y học cổ truyền trong điều trị trầm cảm

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng y học cổ truyền như thế nào?

Cây nghệ mở đường cho ngành công nghiệp thảo dược

Ngày 16/12, Ủy ban Chính sách Thảo dược Quốc gia Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch nâng cao vị thế ngành thảo dược Thái Lan lên tầm quốc tế, phát triển nền kinh tế y tế và dịch vụ y tế. Mục tiêu chính là phát triển ngành công nghiệp thảo dược trên toàn bộ chuỗi giá trị, từ trồng trọt đến nghiên cứu, chế biến, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu thảo dược Thái Lan trên thị trường toàn cầu.

Theo đó, Sáng kiến “Thảo dược của năm” giai đoạn 2025–2027 tập trung vào quảng bá nghệ là một loại thảo dược hàng đầu. Các cơ quan liên quan sẽ hợp tác để nâng cao giá trị của các sản phẩm từ nghệ như thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và xuất khẩu để tạo ra tác động kinh tế.

Tiến sĩ Somruek Chungsaman, Cục trưởng Cục Y học cổ truyền Thái Lan giải thích, lý do nghệ được chọn là nhờ tiềm năng nổi bật với giá trị thị trường được dự đoán sẽ tăng từ 7,83 tỷ baht vào năm 2024 lên 28,85 tỷ baht (tương đương hơn 21 nghìn tỷ đồng) vào năm 2034, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 13,9%.

Một dạng túi chườm thảo dược truyền thống của Thái Lan

Một dạng túi chườm thảo dược truyền thống của Thái Lan

Kế hoạch phát triển cây nghệ của Thái Lan tập trung vào bốn chiến lược chính: Phát triển giống và sản xuất an toàn; Ứng dụng đa dạng vào cả mỹ phẩm, y học, thực phẩm, thực phẩm chức năng đồng thời tạo điều kiện đăng ký sản phẩm để mở rộng thị trường; Nghiên cứu và phát triển; Tạo dựng hình ảnh tích cực, quảng bá lợi ích, đặc tính của nghệ với người tiêu dùng.

Cây nghệ Thái Lan đóng góp 3,3% vào thị trường toàn cầu, được dự báo còn tiếp tục tăng trưởng ở lĩnh vực dược phẩm và mỹ phẩm.

Curcumin từ nghệ và tiềm năng sức khỏe

Cây nghệ là thảo dược quen thuộc trong nền y học cổ truyền của các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam. Y học hiện đại ghi nhận, nghệ chứa curcumin, chất chống oxy hóa mạnh mẽ có nhiều tiềm năng như giảm đau, chống viêm. 

Nghiên cứu của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) kết hợp với Cục Y học cổ truyền Thái đã cho thấy, curcumin chiết xuất từ cây nghệ của xứ chùa vàng có thể điều trị chứng khó tiêu hiệu quả tương đương với thuốc kháng acid. Chứng khó tiêu gây ra hiện tượng chướng bụng, buồn nôn, trào ngược phổ biến ở dân văn phòng, người có chế độ ăn uống kém lành mạnh, nhiều đồ cay nóng và ít vận động. 

Với kết quả nghiên cứu này, Bộ Y tế Thái Lan có kế hoạch đưa viên nang curcumin ra thị trường với nhãn hiệu ThaiCureMin.   

Thân củ của cây Nhân sâm Thái Kaempferia parviflora được dùng làm dược liệu

Thân củ của cây "Nhân sâm Thái" Kaempferia parviflora được dùng làm dược liệu

Nghệ chỉ là 1 trong 3 thảo dược thuộc nhóm sẵn sàng phát triển, theo chiến lược “15 thảo dược hàng đầu” của Thái Lan. Theo Money and Banking, bên cạnh đó còn có xuyên tâm liên – thảo dược được dùng để trị cảm lạnh, đau họng, ho, và gừng đen – loài đặc hữu được mệnh danh là “Nhân sâm Thái”. Tuy không quá phổ biến trong nước, gừng đen lại được ưa chuộng ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, được chế biến thành nước tăng lực, đồ uống thể thao hỗ trợ làm tăng hiệu suất tập luyện. 

 

Không chỉ Thái Lan mà Việt Nam cũng còn nhiều dư địa để khai thác và phát triển ngành y học cổ truyền. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1289/QĐ-TTg về kế hoạch phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam giai đoạn mới. Một trong những nội dung quan trọng là tập trung phát triển và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm y học cổ truyền; Nâng cao chất lượng dịch vụ của y học cổ truyền gắn với chăm sóc sức khỏe và phục vụ du lịch.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý