“Bài toán” thiếu sân chơi cho trẻ vẫn chưa có lời giải

Sân chơi cho trẻ ngày càng bị bó hẹp. - Ảnh: Sức khỏe+

Để trẻ được vui chơi và phát triển

Vui chơi ngoài trời có lợi ích gì cho sức khỏe của trẻ em?

Gợi ý địa điểm vui chơi cho cả gia đình vào cuối tuần

Để trẻ có mùa Hè an vui

Thiếu sân chơi cho trẻ em

Thời gian rảnh nên cho con chơi ở đâu? Câu hỏi ấy là nỗi lo chung của nhiều gia đình khi sân chơi cho trẻ ngày càng bị bó hẹp.

Theo khảo sát của phóng viên Sức khỏe+, ở một số khu tập thể cũ như: Quỳnh Mai, Nguyễn Công Trứ, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ…từng không gian nhỏ đã được tận dụng vào đủ thứ công năng, phổ biến nhất là làm bãi đậu xe, nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát.

Có 2 con nhỏ năm nay 3 và 5 tuổi, chị Phạm Minh Huyền - dân cư trong khu tập thể Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thời tiết mùa Hè nóng nực, buổi chiều chị muốn cho con ra ngoài vui chơi, đi dạo nhưng không biết đưa con đi đâu vì sân chơi hầu như đã bị “chiếm dụng”. Cả ngày con chỉ ở nhà với bà giúp việc, quanh quẩn trong 4 bức tường, hai anh em chơi với nhau và thi thoảng xem tivi. Chị muốn cho con ra công viên Đống Đa nhưng lại cách nhà gần 2 km, vì các con còn nhỏ nên một mình chị đưa đi khá bất tiện.”

Ở các chung cư có phần hiện đại hơn, khoảng không gian chung cũng ngột ngạt không kém, phổ biến là tình trạng quá tải do mật độ dân cư quá đông đúc.

Anh Hoàng Sỹ Bảo (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, sợ con xem tivi, chơi điện thoại nhiều ảnh hưởng đến Sức khỏe, anh đã hẹn giờ cắt kết nối internet, tịch thu hết điện thoại, máy tính. Trước sự cấm đoán của bố, bé Bo – con anh Bảo nói: “Nếu không cho con xem điện thoại, xem tivi thì con biết làm gì?" Câu hỏi của con làm anh Bảo giật mình, đúng là nếu không cho cho con sử dụng, con anh không biết làm gì trong kỳ nghỉ Hè. Bởi lẽ, nhà chỉ có mình Bo, bố mẹ đi làm cả ngày, mức lương của anh chị không đủ để cho con tham gia các khóa học, anh chị buộc phải để con ở nhà một mình. Trong khi tòa chung cư N04B1 Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) mà gia đình anh đang ở, khoảng sân trước chủ yếu là quán ăn, quán cà phê…. Duy chỉ có một sân chơi nhỏ phía sau nhưng không đủ cho nhu cầu của gần trăm hộ dân, mọi trang thiết bị vui chơi cho trẻ đều đã xuống cấp, thậm chí tối đến, đây còn là nơi tập kết rác.

Với những đứa trẻ nhà mặt đất, tình trạng cũng không khá hơn. Là đứa trẻ ưa thích vận động, em Hoàng Nam (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vì thiếu sân chơi nên bất chấp nguy hiểm để đá bóng dưới lòng đường: “Nhà em ở trong ngõ nhỏ, cả ngày ở nhà rồi nên chiều về em cũng muốn ra ngoài chơi. Sân nhà văn hóa gần nhà dành chỗ để xe ôtô, chúng em lại không có điều kiện để đá bóng ở các sân bóng trả phí. Nhiều khi bọn em chơi bóng đá trên vỉa hè, nhưng người lớn để xe và bán hàng quán nên có lần bọn em phải chơi dưới lòng đường. Em mong muốn có một sân chơi gần nhà vừa thỏa mãn niềm đam mê thể thao, vừa đảm bảo an toàn cho chúng em.”

Có thể thấy, không có sân chơi đang là vấn đề tồn tại lớn nhất đối với nhu cầu vui chơi lành mạnh của trẻ em hiện nay. Trong thành phố chỉ quanh quẩn các nhà văn hóa thiếu nhi, quảng trường, bể bơi. Song các địa điểm do tư nhân thầu khoán thành các điểm kinh doanh, vui chơi, giải trí giá cả thường đắt đỏ, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con tiếp cận. Còn ở các trung tâm vui chơi, giải trí công, mỗi dịp Hè thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, chất lượng dịch vụ kém.

Sân chơi vừa ít, vừa xuống cấp

Khảo sát 3 sân chơi trên địa bàn phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), hầu hết các sân chơi ở đây có khuôn viên nhỏ, trang thiết bị cũ kỹ, một số đã hỏng hóc. Điều này khiến cho trẻ không có hứng thú chơi hay nếu chơi thì còn có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Cầu trượt hỏng hóc, đầy rẫy rác mặc dù nằm ngay trong khu dân cư đông đúc - Ảnh: Sức khỏe+

Cầu trượt hỏng hóc, đầy rẫy rác mặc dù nằm ngay trong khu dân cư đông đúc - Ảnh: Sức khỏe+

 
Xích đu một bên rỉ sét, bên còn lại đứt gãy - Ảnh: Sức khỏe+

Xích đu một bên rỉ sét, bên còn lại đứt gãy - Ảnh: Sức khỏe+

 
Theo người dân phản ánh, tình trạng trang thiết bị hỏng hóc, xuống cấp đã diễn ra từ lâu nhưng không ai giải quyết - Ảnh: Sức khỏe+

Theo người dân phản ánh, tình trạng trang thiết bị hỏng hóc, xuống cấp đã diễn ra từ lâu nhưng không ai giải quyết - Ảnh: Sức khỏe+

Cần giải quyết vấn đề cấp thiết

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH trả lời Báo Sức khỏe & Đời sống, điểm vui chơi công cộng thiếu, không gian sinh hoạt chung không có, dân cư đông đúc, môi trường ngột ngạt dẫn tới thực trạng trẻ em có xu hướng thụ động hơn khi ngồi lì ở nhà xem tivi, chơi game trên mạng… Thậm chí có nhiều em còn nghiện chơi game online (trò chơi điện tử), ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Trẻ em luôn xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp nhất. Để giúp các em thiếu nhi có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần thì việc tạo ra các sân chơi bổ ích là điều cần thiết.

Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm có kế hoạch cụ thể rõ ràng. Đối với các sân chơi có sẵn, cần cải tạo, nâng cấp, đầu tư mua sắm trang thiết bị. Đồng thời kiên quyết giải tỏa những diện tích đất chung đang bị chiếm dụng, trả lại không gian sinh hoạt lành mạnh cho các em. Về lâu dài, hy vọng các công trình sân chơi cho trẻ ngày càng được mở rộng hơn, đáp ứng nhu cầu vui chơi chính đáng của con trẻ.

 
Đào Dung
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết