Để trẻ có mùa Hè an vui - Ảnh minh họa
Khi kỳ nghỉ Hè trở thành “học kỳ thứ 3”
Podcast: Mùa Hè ăn mít có thực sự nóng?
Podcast: Kỹ năng giúp đảm bảo an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ Hè
Các hoạt động giúp trẻ có kỳ nghỉ Hè vui khỏe và bổ ích
Trẻ con cũng cần được nghỉ ngơi
Gia đình chị Phạm Phương Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khá “đau đầu” khi 2 cậu con trai học mẫu giáo và tiểu học bắt đầu nghỉ Hè. Sau khi tính toán, vợ chồng chị quyết định chia nhau mỗi người giữ một bé bằng cách dẫn vào cơ quan vừa làm việc, vừa trông con. Còn những hôm đi công tác xa, chị và chồng buộc phải nhờ ông bà ở quê lên chăm sóc các con. “Đối với gia đình cuộc sống không quá dư dả, không có người thân để cậy nhờ, Hè đến kéo theo lắm nỗi lo. Để con ở nhà một mình thì không yên tâm. Nhưng gửi con ở đâu khi bố mẹ vẫn phải đi làm là bài toán hóc búa, đau đầu với nhiều gia đình”, chị Mai chia sẻ.
Bên cạnh nỗi lo như chị Phương Mai, nhiều phụ huynh khác lại sợ con nghỉ Hè quá lâu hổng kiến thức, không theo kịp chúng bạn, sợ con sẽ suốt ngày ôm điện thoại, máy tính, chơi game, lướt web,… nên bắt buộc con mình “đi học”, mặc dù họ biết “trẻ con cũng cần được nghỉ ngơi”.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ với Báo Tiền Phong: “Trong khi trẻ con là đối tượng yếu thế, dù không muốn, dù mệt mỏi sẽ vẫn phải nghe lời, thực hiện theo kế hoạch của bố mẹ. Nhiều trẻ bị tận dụng mọi thời gian để đưa đến các lớp học thêm mà phụ huynh không hiểu rằng, sức khỏe tâm thần rất quan trọng. Có thể ban đầu các em vẫn chịu đựng nhưng quá trình học tập kéo dài, áp lực lớn sẽ khiến các em bị stress, mất hứng thú với học tập”.
Khi trẻ em không có thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn và tình trạng quá tải trước một lịch học dày sẽ khiến cho các em không có điều kiện tốt để phát triển thể chất và tinh thần, dễ gây tâm lý chán học, sợ đến trường, nhất là đối với những học sinh có học lực trung bình hay yếu, kém. Nghiêm trọng hơn, áp lực từ việc học tập quá tải có thể gây ra những hệ lụy về mặt tâm lý như: lo âu, trầm cảm, suy nhược, rối loạn tâm lý…
Để trẻ có mùa Hè an vui
Để “giải bài toán” Hè về nên cho con làm gì, các chuyên gia tâm lý cho rằng có rất nhiều lựa chọn khác thay vì học thêm văn hóa. Hiện nay có rất nhiều khóa học năng khiếu, kỹ năng sống ngắn hạn cha mẹ có thể tham khảo. Thời gian mỗi khóa học chỉ từ 10-15 ngày phù hợp với lịch trình nghỉ Hè của các con.
Cha mẹ có thể đăng kí cho trẻ các môn năng khiếu như hát, múa, nhảy, nấu ăn… giúp trẻ vừa được học, vừa được chơi, vui vẻ, thoải mái mà vẫn cải thiện tinh thần, sự tự tin. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên cân nhắc môn học cho bé dựa vào sở thích, khả năng, thể lực và quỹ thời gian của bé. Đặc biệt, hãy quan tâm đến đam mê và mong muốn của bé, việc học các môn năng khiếu sẽ có hiệu quả hơn.
Bên cạnh các khóa học năng khiếu, cha mẹ nên cho con tham gia các lớp học rèn luyện kỹ năng sống. Một số lớp kỹ năng cần thiết mà cha mẹ có thể tham khảo như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng làm việc nhóm… Học tập các kỹ năng sống sẽ giúp trẻ học được tinh thần trách nhiệm đối với chính mình và gia đình. Trẻ sẽ có khả năng thích ứng tốt hơn, có thể dễ dàng hòa nhập và dễ dàng trong việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Bên cạnh đó, kỹ năng sống sẽ giúp trẻ có thể xây dựng các mối quan hệ xã hội, sống và học tập chủ động, lành mạnh.
Các học kỳ quân đội, học kỳ công an cũng là những lựa chọn thú vị cho trẻ. Đây là mô hình giáo dục tổng hợp thông qua chương trình rèn luyện trải nghiệm thực tế trong môi trường quân đội, công an. Ngoài việc rèn luyện kỷ luật, các con còn được tham gia tổ chức các hoạt động vui chơi phát huy sự sáng tạo, tính đoàn kết, tình yêu thương thông qua các chuyên đề, các nội dung hoạt động trong quân ngũ.
Trong các khóa tu mùa Hè, cũng tương tự như Học kỳ quân đội, trẻ sẽ được trải nghiệm đời sống tự lập, tự phục vụ những nhu cầu cá nhân của mình như giặt quần áo, rửa bát sau khi ăn cơm… Bên cạnh đó, các học viên sẽ được học giáo lý, nghe giảng pháp phù hợp với lứa tuổi, hướng các em đến việc hiếu kính với ông bà, cha mẹ, đời sống chân thiện mỹ, xa rời các tệ nạn tiêu cực của xã hội, tham gia thể dục thể thao, học Phật ca…
Để con tham gia các khóa học hiệu quả, cha mẹ cần sự tìm hiểu kỹ càng, phải tự đặt câu hỏi khóa học đó có tốt, có phù hợp, an toàn với con không. Đặc biệt, cần xem xét kỹ năng lực của đơn vị tổ chức quản lý khóa học. Tránh việc cho con đi học mà “tiền mất, tật mang”.
Mùa Hè - mùa vui - mùa trải nghiệm, hãy để trẻ được nghỉ ngơi, vui chơi, bổ sung kiến thức hợp lý. Xin đừng “đánh cắp mùa Hè” của trẻ, vì mùa Hè cũng là một phần tuổi thơ trong trẻo, đẹp đẽ trong hành trang cuộc đời của các con.
Bình luận của bạn