Một số biện pháp tự kiểm tra sức khỏe dễ thực hiện tại nhà

Theo dõi cân nặng đều đặn giúp bạn duy trì vóc dáng khỏe mạnh

Phát hiện cách ăn trứng để tăng cường sức khỏe tim mạch

Ăn xoài có giảm cân được không?

Người bị viêm khớp nên tránh thức uống nào?

6 mẹo giúp người nội trợ giảm thiểu rác thải nhà bếp

Kiểm tra cân nặng

Cân nặng là một trong chỉ số sức khỏe quan trọng, đồng thời có thể kiểm tra dễ dàng tại nhà. Nhận biết tình trạng thừa cân, béo phì không khó: Bạn có thể nhìn thấy các lớp mỡ tích tụ ở bụng, đùi, mông; Thấy quần áo chật đi. Béo phì, thừa cân làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính về tim mạch, xương khớp…

Tuy nhiên, cân nặng giảm đột ngột, không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề nghiêm trọng như ung thư, đái tháo đường, cường giáp… Bạn nên kiểm tra các chỉ số sau đều đặn hàng tuần để làm chủ sức khỏe của mình:

Cân nặng

Cân nặng được thể hiện chính xác nhất là vào buổi sáng (sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn sáng). Nếu bạn bước lên cân vào các thời điểm khác trong ngày, lượng thức ăn và đồ uống bạn nạp vào có thể ảnh hưởng tới kết quả đo.

Chỉ số khối cơ thể (BMI)

Chỉ số khối cơ thể (BMI) dựa vào 2 chỉ số là chiều cao và cân nặng. BMI lý tưởng của người Việt Nam là từ 18,5 đến 22,9. Nếu BMI của bạn từ 23 trở lên, nguy cơ cao bạn đã bị thừa cân, béo phì.

BMI = Cân nặng/(chiều cao x chiều cao). Trong đó, chiều cao tính bằng đơn vị m, cân nặng tính bằng kg.

Tỷ lệ eo - hông

Tỷ lệ eo - hông được sử dụng sử dụng kết hợp với tính toán chỉ số khối cơ thể BMI để đánh giá tình trạng sức khỏe và nguy cơ bệnh tật của bạn. Chỉ số này được tính bằng chu vi vòng eo/chu vi vòng hông.

Nam giới có tỷ lệ eo - hông lớn (tích tụ nhiều ở vùng bụng) có nguy cơ mắc nhiều bệnh

Nam giới có tỷ lệ eo - hông lớn (tích tụ nhiều ở vùng bụng) có nguy cơ mắc nhiều bệnh

Vòng eo được tính là chu vi của phần eo vào nhỏ nhất trên khu vực bụng, nằm ngay trên rốn. Vòng hông được tính bằng cách đo chu vi vùng hông có kích thước lớn nhất.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ eo - hông khỏe mạnh là dưới 0,9 ở nam giới và 0,85 ở nữ giới. Ở cả nam và nữ, tỷ lệ từ 1 trở lên thể hiện nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và nhiều tình trạng rối loạn sức khỏe khác có liên quan đến thừa cân.

Kiểm tra sức khỏe tim phổi

Nghiệm pháp đi bộ 6 phút là một dạng nghiệm pháp dùng để đánh giá khả năng gắng sức ở những người mắc bệnh tim mạch, bệnh lý phổi mạn tính hoặc bệnh lý cơ xương khớp. Người thực hiện cần được đo nhịp tim, huyết áp và mức độ bão hòa oxy trong máu trước và ngay sau khi thực hiện.

Còn khi thực hiện tại nhà, bạn có thể dùng đồng hồ bấm giờ, đi bộ trong 6 phút và đo quãng đường đi được. Người khỏe mạnh thường sẽ đi được 400 - 700m trong khoảng 6 phút. Bạn nên đi bộ trên mặt phẳng cứng theo tốc độ bình thường, không nên gắng sức đi nhanh gây khó thở.

Kiểm tra khả năng thăng bằng

Ảnh: Rehabilitation Institute of Chicago

Ảnh: Rehabilitation Institute of Chicago

Functional Reach Test là bài kiểm tra giúp đánh giá khả năng thăng bằng. Bạn cần đứng cạnh bức tường, giơ một cánh tay vuông góc với người và cố gắng với càng xa càng tốt mà không nhấc chân khỏi vị trí đứng. Chỉ số càng cao (từ 25cm) trở lên cho thấy bạn có khả năng giữ thăng bằng tốt. Với người cao tuổi, chỉ số này dưới 15cm phản ánh phần nào nguy cơ té ngã.

Lưu ý, những chỉ số, kết quả kiểm tra sức khỏe tại nhà chỉ mang tính chất tham khảo, không thể dùng để chẩn đoán bệnh. Nếu nhận thấy bất cứ vấn đề bất thường nào về sức khỏe và cân nặng, bạn nên tới cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn kịp thời.

 
Quỳnh Trang (Theo Healthshots)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp