Ảnh minh họa
Nghiên cứu của Trường King's College, London (Anh) cho thấy hậu quả khi bị bắt nạt có thể kéo dài suốt đời, với sức khỏe thể chất, tinh thần và trí tuệ vẫn bị ảnh hưởng tới 40 năm sau. Hậu quả của việc bị bắt nạt khi còn nhỏ là nghiêm trọng ngang với bị người lớn lạm dụng tình dục hoặc thể xác hoặc bị bỏ rơi.
Những người bị bắt nạt khi còn nhỏ dễ bị trầm cảm, lo âu, có ý định tự sát và có sức khỏe thể chất kém hơn khi ở độ tuổi 50 so với những người được đối xử tốt.
Nghiên cứu sự phát triển trẻ em toàn quốc của Anh bao gồm số liệu về toàn bộ trẻ em sinh tại Anh, Scotland xứ Wales trong một tuần vào năm 1958. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát số liệu của 7.771 trẻ được cha mẹ cung cấp thông tin về việc trẻ có bị bắt nạt hay không lúc 7 tuổi và 11 tuổi.
Hơn1/4 số này thỉnh thoảng bị bắt nạt và khoảng 1/7 bị bắt nạt thường xuyên. Sau đó những trẻ này được qua nhiều lần kiểm tra trong suốt cuộc đời và cung cấp thông tin về sức khỏe của mình.
Ở độ tuổi 50, những người bị bắt nạt khi còn nhỏ ít có bằng cấp hơn, ít sống với bạn đời hơn và ít có sự hỗ trợ về xã hội hơn. Họ cũng có IQ thấp hơn ngay cả khi đã tính đến mức độ trí tuệ khi còn nhỏ.
Nghiên cứu cũng thấy rằng những người bị bắt nạt khi còn nhỏ dễ có sức khỏe kém hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết do những kỹ thuật được dùng để đánh giá sức khỏe thể chất và tinh thần nên có khả năng kết quả nghiên cứu còn đánh giá thấp hậu quả lâu dài của việc bị bắt nạt
Theo GS. Dieter Wolke, Khoa Tâm lý Trường Đại học Warwick, đây là một nghiên cứu quan trọng cần được các trường học, cộng đồng và ngành y tế xem xét nghiêm túc.
“Cho đến khi được 18 tuổi, trẻ sẽ dành nhiều thời gian với bạn bè hơn là với bố mẹ, tuy nhiên khi đứa trẻ có vấn đề thì người ta thường xoáy sâu vào mối quan hệ với cha mẹ mà quả qua yếu tố bạn bè của trẻ”.
“Trẻ không ăn mặc giống bố mẹ hoặc nghe nhạc như bố mẹ - bạn bè có ảnh hưởng quan trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta vẫn nghĩ. Việc bị bạn bè “tẩy chay” là điều cực kỳ khủng khiếp đối với trẻ”.
Ông cho rằng các bậc phụ huynh cần cảnh giác với tình trạng trẻ bị anh/chị em ruột “ăn hiếp” vì hậu quả cũng giống như bị bắt nạt ở trường học, và đừng quá nghiêm khắc hoặc quá bảo bọc trẻ vì như thế sẽ khiến trẻ không dám kể chuyện mình bị bắt nạt.
Các thầy thuốc cũng phải cảnh giác với những dấu hiệu bệnh có thể bắt nguồn từ việc bị bắt nạt, như đau đầu hoặc đau bụng dai dẳng mà trẻ thường kể khi bị lo âu.
“Các bậc cha mệ cần luôn nói chuyện với trẻ trước khi tới trường, giúp trẻ kết bạn, vì có bạn bè sẽ giúp trẻ không bị trêu chọc và bắt nạt”.
Bình luận của bạn