Trung Quốc sẽ chính thức mở cửa hoàn toàn với thế giới từ ngày 8/1/2023, sau gần 3 năm kiên trì với chính sách "Zero COVID" - Ảnh: DW
Kinh nghiệm Trung Quốc: Đấu thầu thuốc tập trung hay không tập trung?
Virus Langya mới phát hiện ở Trung Quốc nguy hiểm thế nào?
Chủng phụ XBB của Omicron chiếm 18% số ca nhiễm biến thể COVID-19 ở Mỹ
WHO ước tính tỷ lệ tử vong liên quan tới COVID-19 vượt thống kê
Quyết định của Trung Quốc ngày 26/12 về việc bỏ một số hạn chế nghiêm ngặt nhất đối với COVID-19 bao gồm việc loại bỏ các quy tắc kiểm dịch với du khách quốc tế, đã làm dấy lên lo ngại về khả năng có thể ảnh hưởng đến các biến thể của SARS-CoV-2 và sự lây lan toàn cầu của chúng. Ngay sau động thái này, Nhật Bản và Ấn Độ là 2 trong số nhiều các quốc gia đã bắt đầu đưa ra các biện pháp tăng cường nhằm ngăn chặn sớm các làn sóng lây nhiễm mới.
Giáo sư Dominic Dwyer, một bác sỹ về bệnh truyền nhiễm của Australia cho biết, sự thiếu minh bạch về COVID-19 ở Trung Quốc là điều đáng lo ngại bởi vì “chúng tôi không biết những biến thể nào đang lưu hành ở Trung Quốc vào lúc này và liệu những biến thể đó có khác nhau về các phản ứng đối với việc tiêm chủng hay không?”
Sự kết thúc "đột ngột" của chính sách "Zero COVID" tại Trung Quốc diễn ra khi số ca mắc tại nước này vẫn tăng đột biến hàng ngày, tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt với người cao tuổi. Việc xác định mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng của COVID-19 tại Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi Bắc Kinh đã ngừng công bố số ca mắc hàng ngày và kết thúc xét nghiệm hàng loạt.
Dwyer, một trong những chuyên gia được giao nhiệm vụ đến Vũ Hán vào đầu năm 2021 để điều tra nguồn gốc về đại dịch cho biết trong một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): "Họ đã thay đổi rất nhanh từ cách tiếp cận chặt chẽ của chính sách Zero COVID sang 'thả lỏng' gần như hoàn toàn, điều đó xảy ra quá nhanh để theo kịp".
Số liệu thống kê chính thức từ Trung Quốc đã báo cáo 3 trường hợp tử vong do COVID-19 mới vào ngày 27/12, nhưng Airfinity - Công ty về mô hình dữ liệu y tế của Anh ước tính hiện có hơn 1 triệu trường hợp mắc mới và 5.000 ca tử vong vì COVID-19 mỗi ngày ở Trung Quốc.
Các chuyên gia cho biết, việc thiếu dữ liệu có khả năng che giấu số lượng và mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh. Trong khi đó, các bác sỹ ở Trung Quốc đang báo cáo về tình trạng các ca mắc và tử vong vì COVID-19 trên diện rộng. Howard Bernstein, một bác sỹ ở Bắc Kinh, nói với Reuters rằng, bệnh nhân đến ngày càng nhiều và khu ICU (đơn vị điều trị tích cực) nơi ông làm việc tại Bệnh viện United Family Bắc Kinh đã "kín giường".
Trước tình hình này, các quốc gia lân cận đang thực hiện các biện pháp của riêng họ để ngăn chặn sự gia tăng của các ca bệnh. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 27/12 tuyên bố rằng, từ ngày 30/12, những người đến Trung Quốc đại lục vào bất kỳ thời điểm nào trong 7 ngày trước đó sẽ phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 khi tới Nhật Bản hoặc cách ly trong 7 ngày khi nhập cảnh.
Sau khi nới lỏng các hạn chế biên giới vào tháng 10, Nhật Bản cũng đang giới hạn số lượng khách đến từ Trung Quốc. “Mối lo ngại ngày càng tăng ở Nhật Bản vì khó nắm bắt được tình hình chi tiết,” Thủ tướng Fumio Kishida nói khi công bố các biện pháp tăng cường.
Chính quyền Đài Loan ngày 28/12 cho biết sẽ xét nghiệm những người đến từ Trung Quốc từ ngày 1/1/2023 và sẽ tiến hành giải trình tự virus đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính để theo dõi các biến thể mới.
Giới chức y tế Mỹ cũng đang xem xét liệu có cần các biện pháp bổ sung để giám sát khách du lịch quay trở lại hay không. Họ cho biết: “Cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về sự gia tăng dịch COVID-19 đang diễn ra ở Trung Quốc và việc thiếu dữ liệu minh bạch, bao gồm cả dữ liệu trình tự bộ gene của virus”.
Người phát ngôn của chính phủ Australia cho biết, Bộ y tế Australia vẫn đang tiếp tục theo sát tình hình COVID-19 toàn cầu, việc sắp xếp các chuyến đi cho người Australia và du khách đến nước này vẫn không thay đổi. Còn người phát ngôn của thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, hiện các hạn chế đi lại đối với du khách từ Trung Quốc không được xem xét.
Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này đang chuẩn bị trước cho sự gia tăng đột biến các ca bệnh bằng cách thúc đẩy người dân tiêm liều nhắc lại và quảng bá thuốc kháng virus. Trong khi đó, tại Ấn Độ, khách quốc tế đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Thái Lan sẽ phải trải qua xét nghiệm PCR bắt buộc nếu muốn nhập cảnh tại quốc gia này.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi Trung Quốc chia sẻ dữ liệu và tiến hành các nghiên cứu liên quan để giúp thế giới hiểu hơn về các biến thể COVID-19 nào đang lưu hành.
“WHO rất lo ngại về tình hình đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc với các báo cáo ngày càng tăng về các ca bệnh nghiêm trọng. Để đánh giá rủi ro toàn diện về tình hình thực tế, WHO cần thông tin chi tiết hơn về mức độ nghiêm trọng của bệnh, số ca nhập viện và các yêu cầu hỗ trợ ICU." - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ tại một cuộc họp báo ngày 21/12, theo The Guardian.
Giáo sư Dominic Dwyer cảnh báo, những dữ liệu của Trung Quốc là rất quan trọng, bởi những quốc gia mà COVID-19 nằm ngoài tầm kiểm soát với số lượng người mắc bệnh quá lớn, nhiều khả năng sẽ có thể dẫn đến một sự thay đổi đột biến lớn của virus, có khả năng tạo ra một "đại dịch mới" với biến thể mới nguy hiểm.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc "đóng cửa" kéo dài ở Trung Quốc cũng có nghĩa là một tỷ lệ đáng kể dân số nước này không bị nhiễm các biến thể mới đang lưu hành ở những nơi khác, cùng với đó, vaccine nội địa mà Trung Quốc sử dụng có vẻ kém hiệu quả hơn so với vaccine mRNA được sử dụng ở nhiều các quốc gia khác. “Đó sẽ là môi trường thuận lợi để các biến thể mới xuất hiện. Vì vậy, việc theo dõi những người trở về từ Trung Quốc bị bệnh sẽ rất quan trọng.” Dwyer nói.
Giáo sư Dominic Dwyer cho biết, thời điểm này bất kỳ ai muốn đi du lịch đến Trung Quốc nên đảm bảo rằng họ đã được tiêm đầy đủ các liều vaccine COVID-19 cơ bản mới nhất bao gồm cả liều nhắc lại và họ cũng đã được tiêm vaccine phòng cúm, căn bệnh cũng đang lây lan nhanh ở Trung Quốc.
“Bạn sẽ không muốn bị ốm ở Trung Quốc ở hiện tại vì bất kỳ lý do gì do hệ thống y tế nơi đây đang gặp nhiều căng thẳng" - Dwyer nói.
Trước đó, tối ngày 26/12, Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc ra thông báo cho biết, chính thức đổi tên bệnh viêm phổi do virus corona mới thành bệnh nhiễm virus corona mới.
Cũng theo thông báo này, Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc đã chấp thuận hủy bỏ các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các bệnh truyền nhiễm loại A theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đối với bệnh nhiễm virus corona mới; đồng thời, không xếp loại bệnh này vào diện quản lý bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật Kiểm dịch y tế biên giới nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Động thái trên của chính phủ Trung Quốc đánh dấu việc quốc gia đông dân nhất thế giới đã dỡ bỏ các hạn chế phòng, chống dịch COVID-19 sau gần 3 năm kiên trì chính sách "Zero COVID", để mở cửa trở lại hoàn toàn với thế giới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các hoạt động đi lại, giao thương, trao đổi con người và hàng hóa giữa Trung Quốc và thế giới sẽ sớm được khôi phục trở lại như trước khi bùng phát đại dịch COVID-19.
Bình luận của bạn