Virus Langya mới phát hiện ở Trung Quốc nguy hiểm thế nào?

Virus Langya thuộc họ Henipavirus được phát hiện ở Trung Quốc có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với virus SARS-CoV-2.

Xuất khẩu TPCN sang Trung Quốc: Doanh nghiệp cần đăng ký trước 15/11 với Hiệp hội TPCN Việt Nam.

Thêm một loại virus mới bùng phát được WHO cảnh báo, tỷ lệ tử vong 90%

Adenovirus là "thủ phạm" gây bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em?

Bệnh viêm gan do virus bí ẩn xuất hiện ở Đông Nam Á, 3 trẻ tử vong

Cụ thể, giới chức Trung Quốc vừa ghi nhận 35 ca nhiễm Langya Henipavirus, còn gọi là virus Langya (LayV) tại hai tỉnh Sơn Đông và Hà Nam, theo một bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc và Singapore được công bố mới đây trên Tạp chí Y học New England (NEJM). Các nhà khoa học đã phát hiện virus Langya trong dịch họng của bệnh nhân có triệu chứng sốt, có tiền sử tiếp xúc với động vật gần đây.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Henipavirus được phân loại là mầm bệnh an toàn sinh học cấp độ 4 (BSL4). Chúng có thể gây bệnh nặng cho động vật và con người, với tỷ lệ tử vong từ 40-75%. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trước đây chưa có báo cáo về ca bệnh lây giữa người với người và cho đến nay không có loại thuốc hoặc vaccine được cấp phép nào dành cho người.

Virus Langya là gì?

Virus Langya thuộc họ Henipavirus, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh cho động vật ở Châu Á - Thái Bình Dương. Henipavirus là một chi virus trong họ Paramyxoviridae (gây bệnh quai bị, các bệnh về hô hấp và có thể gây chết người) bao gồm cả virus Hendra và Nipah. Có 5 loại Henipavirus đã được xác định trước đó bao gồm: Hendra, Nipah, Cedar, Mojiang và Kamusi virus.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch bệnh (CDC) Mỹ, Cedar, Kamusi và Mojiang không được biết là virus có thể gây bệnh cho người. Nhưng Hendra (HeV) và Nipah (NiV) đã lây nhiễm cho con người và có tỷ lệ tử vong cao ở người. Trong đó, virus Nipah lây lan qua các giọt đường hô hấp giống như COVID-19, nhưng nguy hiểm hơn nhiều vì có tỷ lệ tử vong chiếm tới 3/4 ca mắc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê Nipah có nhiều khả năng gây ra đại dịch tiếp theo.

“Bất cứ khi nào một loại virus mới được phát hiện có khả năng lây nhiễm sang người và gây bệnh, điều đó là đáng lo ngại. Đặc biệt, nếu virus đến từ một họ virus được biết đến là có khả năng lây nhiễm cao và nguy hiểm cho con người như họ Paramyxoviridae” - Amesh A. Adalja, một chuyên gia cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins chia sẻ trên Prevention.

Virus Langya lây truyền như thế nào?

Virus Langya đã được tìm thấy ở loài chuột chù.

Virus Langya đã được tìm thấy ở loài chuột chù.

Theo bài báo đăng trên Tạp chí Y học New England, virus này dường như được truyền từ động vật sang người. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm hàng loạt động vật hoang dã và phát hiện ra rằng hơn 25% trong số 262 con chuột chù được thử nghiệm cũng có virus Langya. Ngoài ra, nó cũng được phát hiện ở 2% số dê và 5% số chó được thử nghiệm, bài báo cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này cho thấy chuột chù có thể là một "ổ chứa" tự nhiên của loại virus này.

TS William Schaffner, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Vanderbilt cho biết: “Langya henipavirus hiện chỉ giới hạn ở một vài tỉnh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu nó được nghiên cứu rộng hơn, chúng tôi có thể thấy rằng nó có thể được phát hiện ở nhiều nơi hơn.”

Tuy nhiên, tiến sĩ Schaffner nhấn mạnh rằng virus Langya “cho đến nay vẫn chưa được biết là có thể lây truyền từ người sang người”. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng trong số 35 bệnh nhân bị nhiễm LayV ở Trung Quốc, không có “tiếp xúc gần hoặc không có tiền sử phơi nhiễm thông thường”, điều này cho thấy rằng “sự lây nhiễm ở người có thể là lẻ tẻ”.

Triệu chứng ở người nhiễm virus

Theo Newscientist, các nhà khoa học đã nghiên cứu các báo cáo về triệu chứng của 35 bệnh nhân bị nhiễm virus Langya và thấy rằng, 26/35 trường hợp đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như sốt (100%), mệt mỏi (54%), ho (50%), đau nhức cơ bắp (46%), buồn nôn (38%), đau đầu (35%) và nôn mửa (35%). Ngoài ra, hơn một nửa số bệnh nhân bị giảm bạch cầu (54%), nghĩa là không đủ số lượng tế bào bạch cầu để chống lại mầm bệnh. Hơn 1/3 số bệnh nhân bị giảm tiểu cầu (35%), được hiểu là các tế bào đông máu có số lượng thấp. Bên cạnh đó, suy giảm chức năng gan hoặc thận bị ảnh hưởng tương ứng là 35% và 8%.

Các triệu chứng này cũng có thể tiến triển thành viêm não nặng, tình trạng lú lẫn, phản xạ bất thường, co giật và hôn mê. Viêm não tái phát hoặc khởi phát muộn, xảy ra vài tháng hoặc vài năm sau giai đoạn mắc bệnh cấp tính. Một số người cũng gặp triệu chứng hô hấp.

Dù virus Langya xuất phát từ một họ virus có tỷ lệ tử vong cao, nhưng cho đến nay chưa có trường hợp nào dẫn đến tử vong và hầu hết đều mắc bệnh nhẹ.

Nhiễm virus Langya điều trị thế nào?

Cho đến nay chưa có trường hợp tử vong do nhiễm virus Langya, hầu hết đều bị nhẹ và các bệnh nhận có triệu chứng giống cúm - Ảnh: Bloomberg

Cho đến nay chưa có trường hợp tử vong do nhiễm virus Langya, hầu hết đều bị nhẹ và các bệnh nhận có triệu chứng giống cúm - Ảnh: Bloomberg

Vì Langya Henipavirus là một loại virus mới nên không có phương pháp điều trị cụ thể cho nó. Tuy nhiên, Henipavirus thường được điều trị bằng cách chăm sóc hỗ trợ và kiểm soát mọi biến chứng mà ai đó có thể gặp phải, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

CDC cũng lưu ý rằng thuốc kháng virus Ribavirin (thuốc dùng điều trị nhiễm RSV, viêm gan C và sốt xuất huyết) đã có hiệu quả trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nhưng đến thời điểm này vẫn chưa rõ hiệu quả của nó trong thực tế.

Có cần lo lắng về virus Langya không?

Cho đến nay chưa có trường hợp tử vong nào được ghi nhận khi nhiễm virus Langya. Những nghiên cứu trước đó cũng cho thấy một số người bị viêm phổi, nhưng không rõ số lượng hoặc cho biết chi tiết về mức độ nghiêm trọng của nó.

TS Thomas Russo, Trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Đại học Buffalo (New York, Mỹ) cho biết: "Virus này đã được phát hiện hơn 4 năm trước và chúng tôi không ghi nhận được nhiều ca bệnh. Ngoài ra, cũng không có bằng chứng nào về sự lây truyền từ người sang người và không ai trong số những người nhiễm bệnh tử vong".

Trong khi, chuyên gia Olivier Restiff tại Đại học Cambridge cho rằng: "Loại Henipavirus duy nhất có một số dấu hiệu lây truyền từ người sang người là virus Nipah và cần phải tiếp xúc rất gần. Tôi không nghĩ rằng điều này có nhiều khả năng xảy ra đại dịch".

Tuy nhiên, theo chuyên gia Francois Balloux tại Đại học College London, nguồn nguy cơ cao nhất của bất kỳ đại dịch nào trong tương lai sẽ là một loại virus lây nhiễm từ động vật sang người. “Phần lớn mầm bệnh của chúng ta đến từ các quần thể động vật. Tôi nghĩ chúng ta nên chuẩn bị tốt hơn cho một sự kiện như đại dịch COVID-19, rất có thể điều này sẽ xảy ra trong những thập kỷ tới" - ông Francois Balloux nói.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Prevention/Newscientist)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin