Ung thư gan là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây tử vong do ung thư
Nguy hại khi tự ý dùng thuốc bổ thận
Nguyên nhân ung thư có thể là do ăn uống thiếu chất
Thải độc cho gan bằng các loại đồ uống
Thực phẩm giúp thải độc cho gan
Phong cách sống giúp bạn thải độc cho cơ thể
ung thư gan bao gồm: Ung thư gan nguyên phát, ung thư gan thứ phát. Ung thư gan nguyên phát hay ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là khối u ác tính phát triển từ tế bào gan, khác với ung thư gan thứ phát là loại ung thư từ một cơ quan khác của cơ thể di căn đến gan. Nội dung dưới đây đề cập tới ung thư gan nguyên phát.
Nguyên nhân
Nguyên nhân cũng như cơ chế sinh bệnh học của ung thư gan đến nay vẫn còn chưa biết rõ. Qua các công trình nghiên cứu cũng như thực tế lâm sàng, người ta thấy nhiều yếu tố liên quan chặt chẽ với ung thư gan, đó là:
Xơ gan: Trong thực tế lâm sàng người ta nhận thấy 70-80% ung thư gan phát triển trên xơ gan. Ở Pháp, chứng nghiện rượu là nguyên nhân gây xơ gan đối với 90% các trường hợp xơ gan ở nam giới và 70% các trường hợp xơ gan ở nữ giới, trong đó có 10-20% ung thư hóa. Ở Nhật Bản, Việt Nam, một số nước Châu Á và Châu Phi, 80-90 % ung thư gan phát triển từ xơ gan do viêm gan virus B, C mạn tính.
Viêm gan virus B: Nhiễm virus viêm gan B mạn tính được xem là nguyên nhân quan trọng nhất gây ung thư gan, đặc biệt ở Châu Á, Châu Phi. Những người mắc viêm gan B có nguy cơ bị ung thư gan cao gấp khoảng 200 lần so với người không mắc viêm gan B. Có khoảng 15-20% xơ gan do nhiễm virus viêm gan B biến chứng thành ung thư gan.
Viêm gan virrus C: Tỷ lệ nhiễm bệnh ngày càng có xu hướng tăng. Các nghiên cứu dịch tễ học gần đây cho thấy sự liên quan giữa nhiễm virus viêm gan C và ung thư gan.
Ký sinh trùng, đặc biệt là sán lá gan: Rất nhiều công trình nghiên cứu đã nhận thấy vai trò của nhiễm trùng sán lá trong bệnh lý gan. Tuy nhiên cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy mối liên hệ giữa ung thư gan và sán lá gan.
Các yếu tố khác:
Rượu: Những người nghiện rượu có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 4-5 lần so với những người không nghiện rượu.
Thuốc lá: Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp từ 2-8 lần so với những người không hút thuốc lá.
Aflatoxin: Aflatoxin được bài tiết từ nấm Aspergillus flavus thường có trong lúa mì, lạc, ngô… bị mốc.
Dioxin: Tại Việt Nam, hậu quả của chiến tranh để lại với hàng triệu tấn chất độc màu da cam có chứa chất Dioxin cũng là một yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư gan.
Các bệnh lý của gan: Chứng nhiễm sắc tố sắt (Haemochromatosis), xơ đường mật nguyên phát…
Phát hiện sớm ung thư gan để có hướng điều trị kịp thời
Dấu hiệu nhận biết ung thư gan
Chẩn đoán ung thư gan chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, xét nghiệm máu và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Tại nước ta, đa số bệnh nhân thường đến khám bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, các biểu hiện của bệnh khá rõ ràng nên việc chẩn đoán không khó.
Các triệu chứng của ung thư gan có thể bao gồm:
- Mệt mỏi, gầy sút cân;
- Chán ăn, ăn kém, buồn nôn, nôn;
- Đau âm ỉ vùng hạ sườn phải, thượng vị;
- Cổ trướng;
- Vàng da, củng mạc mắt vàng;
- Triệu chứng khởi đầu cũng thường gặp là trên các bệnh nhân xơ gan đột ngột xuất hiện biến chứng (cổ trướng, vàng da, xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản).
Các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn sớm thường mơ hồ, người bệnh ít chú ý tới, do vậy những người có yếu tố nguy cơ cao như: Mắc các bệnh lý về gan (viêm gan mãn tính, xơ gan…), mắc virus viêm gan B, C… cần tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần. Một số trường hợp phát hiện sớm bệnh ung thư gan khi siêu âm ổ bụng tình cờ phát hiện u gan hoặc khi thăm khám sức khỏe định kỳ.
Điều trị ung thư gan nguyên phát
Điều trị bệnh nhân ung thư gan tùy thuộc rất nhiều yếu tố, bệnh nhân khi vào viện sẽ được đánh giá bilan toàn thân, sau đó bác sỹ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp dựa trên các yếu tố như: giai đoạn bệnh, kích thước, số lượng, vị trí khối u gan, thể trạng bệnh nhân, có hay không bệnh lý nội khoa kèm theo…
Nguyên tắc điều trị:
Giải quyết (các) khối ung thư gan đã phát hiện kết hợp với điều trị bệnh lý nền tảng hay yếu tố nguy cơ (viêm gan virus B hoặc C, xơ gan…).
Điều trị bao gồm nhiều phương pháp khác nhau.
+ Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ phần gan có mang khối u; Phẫu thuật ghép gan
+ Phá hủy u tại chỗ bằng sóng cao tần (radiofrequency ablation: RFA), bằng vi sóng (microwave), bằng điện đông (cryotherapy). RFA cũng có thể được sử dụng như một liệu pháp bổ sung cho các bệnh nhân chờ cấy ghép. Ở một số bệnh nhân, tiến triển khối u có thể bị trì hoãn nếu không có sự gia tăng tỉ lệ mắc bệnh liên quan đến cấy ghép gan sau phẫu thuật cắt mở.
+ Tiêm cồn tuyệt đối qua da: Đây là kỹ thuật xâm lấn đầu tiên được sử dụng cho ung thư biểu mô tế bào gan. Tiêm cồn trực tiếp vào khối u để làm tổn thương khối u, thường được thực hiện dưới sự hướng dẫn siêu âm. Hiện nay có các phương pháp khác như: nút mạch, đốt sóng cao tần nên phương pháp tiêm cồn ít được sử dụng.
+ Nút mạch gan hóa chất thông thường (Transcatheter arterial chemoembolization: TACE) TACE – Lipiodol: Được áp dụng trên thế giới từ những năm 70, đến nay vẫn chứng tỏ được vai trò trong điều trị các khối u gan nguyên phát. Hiện nay, phổ biến ở các nước Châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như ở Việt Nam). Ưu điểm là rẻ tiền nhưng hội chứng sau nút mạch nặng nề, ảnh hưởng đến các cơ quan tim mạch, long – tóc – móng, hệ tạo máu… do hóa chất nút mạch đi vào trong tuần hoàn.
Nút mạch hóa điều trị ung thư gan được áp dụng trên thế giới từ những năm 70
+ Nút mạch u gan bằng hóa chất kết hợp với hạt gây tắc mạch vĩnh viễn (DC bead, Hepasphere…): Ưu điểm là gây tắc mạch vĩnh viễn khối u, sau đó hóa chất sẽ tách các hạt này dần dần vào trong khối u, do đó làm tập trung nồng độ cao hóa chất trong khối u và giảm lượng hóa chất trong tuần hoàn cơ thể, nhược điểm của phương pháp này là chi phí cao.
+ Tắc mạch phóng xạ (Radio embolization): Đây là phương pháp xạ trị trong chọn lọc (Selective internal radio therapy: SIR), sử dụng hạt vi cầu phóng xạ Yttrium-90 (90Y) bơm vào động mạch nuôi khối u gan. Tia beta do 90Y phát ra tại chỗ sẽ tiêu diệt tế bào u mà không ảnh hưởng tới tổ chức lành. Phương pháp này được chỉ định trong những trường hợp khối u khu trú tại chỗ chưa di căn xa, chức năng gan tốt và thể trạng bệnh nhân cho phép.
+ Xạ trị chiếu ngoài bằng máy gia tốc: Chủ yếu là làm chậm sự phát triển của (các) khối u, giảm nhẹ triệu chứng. Ngoài ra, có thể chỉ định xạ trị cho những trường hợp ung thư gan di căn xương, di căn não, di căn hạch.
+ Hóa trị toàn thân hoặc liệu pháp nhắm trúng đích: Được sử dụng trong trường hợp ung thư gan giai đoạn muộn, nhằm cải thiện triệu chứng và nâng cao thời gian sống thêm. Thuốc điều trị đích trong bệnh ung thư gan hiện nay được áp dụng tại Việt Nam là Sorafenib.
+ Điều trị triệu chứng (nâng đỡ) cho ung thư gan giai đoạn muộn: điều trị giảm đau và nâng cao thể trạng…
+ Điều trị bệnh lý nền tảng và nâng đỡ chức năng gan, dùng thuốc kháng virus khi có chỉ định.
Tiên lượng bệnh
Nói chung, ung thư gan là bệnh có tiên lượng xấu, tiên lượng bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bệnh tiên lượng tốt khi: Bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm, thể trạng bệnh nhân tốt, không kèm theo bệnh lý về xơ gan (xơ gan, viêm gan virus…). Bệnh tiên lượng xấu khi phát hiện ở giai đoạn muộn, thể trạng kém, kèm theo các bệnh lý về xơ gan (xơ gan, viêm gan virus maạn tính…).
Bình luận của bạn