Việt Nam giám sát người đến từ 12 quốc gia lưu hành bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ với các nút sần đặc trưng từng rất hiếm gặp ở bên ngoài Châu Phi. Ảnh: The Argus.

Bệnh đậu mùa khỉ đã lan sang 12 nước, WHO họp khẩn

Bệnh đậu mùa khỉ hiếm gặp đang lây lan ở Châu Âu, Mỹ nguy hiểm thế nào?

Bệnh đậu mùa khỉ trỗi dậy ở Châu Âu, phát hiện và điều trị sán lá gan nhỏ

Việt Nam giám sát chặt bệnh đậu mùa khỉ, 4 triệu chứng sán lá gan nhỏ

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa gửi Công văn 551/DP-DT đến các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Bộ Y tế, các quốc gia đang lưu hành dịch gồm: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Congo, Gabon, Ghana, Bờ biển Ngà, Liberia, Nigeria, Sierra Leone và Nam Sudan. Người đi về từ những nước này cần được giám sát chặt, phát hiện sớm ca nghi nhiễm.

Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị, triển khai các hoạt động giám sát ca bệnh, kịp thời triển khai biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong. Cụ thể:

- Chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ.

- Tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.

- Chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Theo WHO, trong đợt bùng phát dịch bệnh đầu mùa khỉ gần đây, từ ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5/2022, tính đến 25/5/2022, thế giới đã ghi nhận hơn 158 trường hợp mắc bệnh, 117 trường hợp nghi ngờ tại 19 quốc gia và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ trước đây.

Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Nhưng khỉ có thể không phải là tác nhân gây ra bùng phát dịch, và nguồn lây tự nhiên tới nay vẫn chưa biết rõ, mặc dù WHO cho biết có khả năng loài vật gặm nhấm rất có thể là nguồn lây nhất. Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như chăn, ga, gối, đệm.

Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6 đến 13 ngày). Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.

Quốc gia đầu tiên bắt buộc cách ly người mắc bệnh đậu mùa khỉ

Một số quốc gia Châu Âu đã bắt đầu áp dụng các biện pháp cách ly để ngăn chặn sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh minh họa)

Một số quốc gia Châu Âu đã bắt đầu áp dụng các biện pháp cách ly để ngăn chặn sự bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh minh họa)

Theo CNBC, Bỉ đã trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng cách ly 21 ngày bắt buộc với bệnh nhân đậu mùa khỉ. Giới chức y tế Bỉ áp dụng quy định này từ ngày 20/5, vào thời điểm họ phát hiện ca bệnh thứ 3. Tính đến sáng 24/5, Bỉ đã ghi nhận tổng cộng 4 người mắc đậu mùa khỉ.

Các biện pháp bắt buộc của Bỉ chỉ áp dụng cho những bệnh nhân được xác định nhiễm virus. Các ca tiếp xúc gần không bắt buộc phải cách ly nhưng được khuyến khích nên cảnh giác, đặc biệt nếu tiếp xúc người dễ bị tổn thương.

 

“Những người bị nhiễm bệnh sẽ phải cách ly cho đến khi vết thương lành hẳn. Họ sẽ nhận được hướng dẫn cụ thể từ bác sỹ điều trị", bản thông báo của chính phủ Bỉ viết.

Trong khi đó, giới chức Vương Quốc Anh khuyến khích những người có nguy cơ mắc bệnh cao nên tự cách ly trong 21 ngày. Nhóm này bao gồm những người tiếp xúc trong gia đình hoặc các chuyên gia y tế có thể đã tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm bệnh.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, GS.TS David Heymann, cựu Giám đốc Bộ phận Cấp cứu của WHO cho biết, giả thuyết hàng đầu có thể giải thích cho sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ gần đây là qua đường tình dục giữa những người đàn ông đồng tính, song tính ở Tây Ban Nha và Bỉ. Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ chưa từng gây bùng phát rộng bên ngoài Châu Phi.

GS Heymann cho biết: “Chúng tôi biết bệnh đậu mùa ở khỉ có thể lây lan khi tiếp xúc gần với vết thương của người bị nhiễm bệnh, và có vẻ như quan hệ tình dục đã khuếch đại sự lây truyền đó,” Heymann nói, theo AP.

Điều này đánh dấu sự khác biệt đáng kể so với mô hình lây lan điển hình của căn bệnh này ở Trung và Tây Phi. Tại đây, người lành chủ yếu bị lây nhiễm bởi các động vật gặm nhấm, linh trưởng hoang dã và dịch bệnh chưa tràn qua biên giới lãnh thổ.

 

WHO: Không có bằng chứng cho thấy virus đậu mùa khỉ đột biến

Theo Reuters, bà Rosamund Lewis, quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, không có bằng chứng cho thấy virus đậu mùa khỉ đã biến đổi. Đồng thời, bà Lewis nói căn bệnh này không có xu hướng đột biến.

Trong khi đó, bà Maria van Kerkhove, chuyên gia về các bệnh mới nổi và bệnh truyền nhiễm từ động vật của WHO cho biết, hơn 100 ca nhiễm và nghi nhiễm đậu mùa khỉ trong đợt bùng dịch gần đây tại Châu Âu và Bắc Mỹ đều không nghiêm trọng.

WHO cũng đã giải trình tự gene từ một mẫu bệnh phẩm ở Bồ Đào Nha cho thấy, sự trùng khớp giữa virus đậu mùa khỉ đang lây lan với đợt bùng phát bệnh ở Nigeria sang Vương quốc Anh, Israel và Singapore vào năm 2018 và 2019.

Các nhà khoa học trên thế giới đang tìm hiểu về nguồn gốc của các ca bệnh này, và xem liệu có điều gì về virus này đã thay đổi hay không.

Hiệp Nguyễn (Theo CNBC/Reuters)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn