Bị viêm gan cấp, men gan tăng 250 lần do uống 20 ly champagne

Bác sĩ Nguyễn Hải Ánh đang khám và tư vấn cho bệnh nhân tại Trung tâm Tiêu hóa, Bệnh viện Hồng Ngọc - Ảnh: BVCC

Xử trí thế nào khi bị ngộ độc rượu trong dịp Tết?

Cẩn trọng với nguy cơ ngộ độc rượu

Liên tiếp các vụ ngộ độc rượu chứa methanol, cách phòng tránh thế nào?

Cứu sống trẻ bị tăng men gan gấp 100 lần do tái nhiễm sốt xuất huyết

Thông tin từ Trung tâm Tiêu hóa, Bệnh viện Hồng Ngọc cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp nam bệnh nhân (S.K, 36 tuổi), quốc tịch Nhật Bản, nhập viện sau khi uống tới 20 cốc rượu champagne trong bữa tiệc của công ty. 

Gia đình cho biết bệnh nhân thường uống rượu 1 - 2 lần/tháng, nhưng mỗi lần uống rất nhiều và thường xuyên say sau uống. Lần này, ngay sau khi uống 20 ly rượu champagne, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, buồn nôn. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tự ý sử dụng thuốc bổ gan tại nhà và chỉ thăm khám khi xuất hiện triệu chứng đau quặn bụng kèm đi ngoài phân lỏng đến 10 lần/ngày. 

ThS.BS Nguyễn Hải Ánh, Trung tâm Tiêu hóa, Bệnh viện Hồng Ngọc cho biết, kết quả siêu âm thành ruột dày, có biểu hiện của tình trạng viêm, thâm nhiễm mỡ cùng với chỉ số men gan của người bệnh tăng cao đột biến. Cụ thể, chỉ số AST phản ánh tình trạng tổn thương tế bào gan tăng lên 8700 U/L, gấp 250 lần (bình thường là 5-34 U/L). Chỉ số ALT đánh giá tình trạng tổn thương gan tăng lên 4400 U/L, gấp 80 lần (bình thường là 0-55 U/L).

Chỉ số men gan AST và ALT của bệnh nhân tăng cao đột biến sau khi uống 20 ly rượu champagne - Ảnh: BVCC

Chỉ số men gan AST và ALT của bệnh nhân tăng cao đột biến sau khi uống 20 ly rượu champagne - Ảnh: BVCC

Bác sĩ Ánh nhận định, bệnh nhân bị thiếu máu, ngộ độc rượu và viêm gan cấp, khiến chỉ số men gan tăng cao. Ngoài ra, các chỉ số còn cảnh báo suy gan cấp và tổn thương cơ, tiêu cơ vân, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tiến triển nặng và có nguy cơ tử vong.

Trong vòng 6 tiếng sau khi nhập viện, các bác sĩ đã xác định thiếu máu cục bộ và ngộ độc rượu là hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm gan cấp ở bệnh nhân S.K. Theo đó, bệnh nhân được chỉ định bù dịch và điện giải tích cực. Kết quả sau 8 tiếng các chỉ số men gan của bệnh nhân đã giảm giảm 2/3.

Sau 5 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định, được yêu cầu kiêng toàn bộ rượu bia, chất kích thích và không được tự ý sử dụng thuốc ngoài chỉ định của bác sĩ. Kết quả chức năng gan đã được khôi phục hoàn toàn sau 2 tuần.

Khi hấp thụ lượng lớn bia rượu, cơ thể sẽ phát sinh những phản ứng tiêu cực như đầu óc thiếu tỉnh táo, giảm hoặc mất các khả năng vận động thông thường. Điều này là do tác động ức chế các chất dẫn truyền thần kinh của rượu. Rượu bia cũng tác động giữ nước và làm giãn nở các mạch máu, đưa máu đến vùng ngoại vi nhiều hơn, gây đỏ mắt hoặc đỏ da.

Uống rượu thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim và các vấn đề liên quan đến tim khác. Uống một vài ly có thể dẫn đến chứng ợ nóng, và uống liên tục gây nôn mửa. Bên cạnh đó, uống nhiều rượu có thể làm giảm ham muốn tình dục, suy yếu hệ miễn dịch, khiến bản thân dễ bị ốm cũng như mất nước.

Các bác sĩ khuyến cáo, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Ngoài ra, việc uống quá nhiều rượu bia trong 1 lần có thể khiến cơ thể bị mất nước, hạ huyết áp, ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng gan và toàn bộ cơ quan trong cơ thể, thậm chí là dẫn đến tử vong. Trong trường hợp bất khả kháng, việc bù dịch và điện giải ngay sau đó là vô cùng cần thiết, giúp giảm một phần nguy cơ diễn biến nặng. Sau khi uống rượu, bia nếu cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, cần nghĩ đến khả năng men gan tăng cao do rượu và tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn