Xuất huyết não mạn tính sẽ gia tăng trong 15 năm tới

Người cao tuổi là đối tượng dễ bị xuất huyết não mạn tính

Phòng tránh xuất huyết não

Xuất huyết não vì mẹ lắc con

TP.HCM: Cứu sống bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết nặng

Cần Thơ: Nhiều bệnh nhi sốt xuất huyết nặng

Ăn trái cây phòng đột quỵ do xuất huyết não

TS. Uzma Samadani – Trưởng nhóm nghiên cứu, Khoa Thần kinh và Sinh lý học tại NYU Langone cho biết, xuất huyết não mạn tính – còn được gọi là máu tụ dưới màng cứng (SDH) mạn tính - sẽ trở thành căn bệnh phổ biến nhất về não, đòi hỏi phải phẫu thuật thần kinh ở Mỹ trong vòng 15 năm tới với chi phí rất đắt đỏ. Chính vì vậy, kết quả của cuộc nghiên cứu đã báo động cho các cộng đồng y tế cần phải có biện pháp phòng ngừa và tầm soát nguy cơ mắc SDH mạn tính ngay từ bây giờ.

TS. Uzma Samadani và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu những bệnh nhân được chẩn đoán có bệnh SDH mạn tính thuộc Hội Cựu chiến binh Mỹ từ năm 2000 đến năm 2012. Bên cạnh đó, nhóm của cô cũng thu thập dữ liệu tỷ lệ mắc SDH mạn tính của người dân đất nước Phần Lan và Nhật Bản. Sau khi tính toán từ các dữ liệu thu thập được, các nhà khoa học đã đưa ra dự đoán về tỷ lệ SDH mạn tính ở Mỹ từ năm 2012 đến năm 2030.

Cụ thể hơn, từ năm 2000 đến 2012, các nhà nghiên cứu xác định, có 695 trường hợp mới mắc bệnh SDH mạn tính thuộc Hội Cựu chiến binh đi khám tại bệnh viện. Trong số đó, có tới 29% trường hợp cần được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. TS. Uzma Samadani cho biết, trong 100.000 cựu chiến binh đi khám, có 79,4 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh SDH mạn tính.

Hơn nữa, nhóm nghiên cứu cũng thấy rằng, hơn 70% số trường hợp nhiễm SDH mạn tính thường xảy ra ở bệnh nhân trên 65 tuổi. Từ đó, họ ước tính rằng, vào năm 2030 – thời điểm khi có hơn 1/4 dân số Mỹ có độ tuổi trên 65 - số người bị mắc SDH mạn tính sẽ là 121,4 trường hợp/100.000 cựu chiến binh và 17,6 trường hợp/100.000 người dân. Như vậy, các nhà nghiên cứu dự đoán, đến năm 2030 sẽ có khoảng 60.000 người Mỹ bị SDH mạn tính. 

Qua phát hiện này, TS. Samadani nói, các cộng đồng y tế, đặc biệt là các tổ chức chăm sóc cho các cựu chiến binh cần phải đầu tư nhiều hơn nữa trong công tác cung cấp thông tin, chủ động phòng ngừa và tầm soát bệnh SDH mạn tính ở người. Nếu xác định được trước những bệnh nhân có nguy cơ mắc SDH mạn tính thì có thể làm giảm số bệnh nhân mắc căn bệnh này. Nếu không, sẽ mất nhiều chi phí cho các ca phẫu thuật thần kinh, đồng thời cũng phải tăng quản lý và điều trị sau phẫu thuật những bệnh nhân này.

Ngoài ra, TS. Samadani cũng lưu ý, bệnh nhân đang được điều trị SDH mạn tính sẽ phải nằm viện lâu hơn so với những bệnh nhân đang điều trị các khối u não. Nguyên nhân được lý giải là họ cần có phương pháp vật lý trị liệu toàn diện hơn và thời gian để phục hồi chức năng cũng lâu hơn các căn bệnh về não khác.

Máu tụ dưới màng cứng cũng được gọi là xuất huyết dưới màng cứng, đây là hiện tượng máu chảy ra trên bề mặt của não. SDH có thể xảy ra do một chấn thương nặng ở đầu, từ đó gây ra chấn thương cho não và bệnh nhân có thể tử vong. SDH được gọi là "mạn tính" khi vùng đầu chỉ bị chấn thương nhỏ và đây cũng là căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Nguyên nhân chủ yếu khiến đối tượng này mắc SDH mạn tính chính là các tĩnh mạch giữa bề mặt của não và các lớp bảo vệ não qua năm tháng bị lão hóa mà mỏng đi, vì vậy dù chỉ là chấn thương nhỏ cũng có khả năng gây ra SDH.
M.Hiếu H+ (Theo Medicalnew)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Thần kinh