Y học hiện đại đánh giá hiệu quả của 7 phương pháp Đông y thế nào?

Đông y dựa trên nền tảng Âm Dương, Ngũ Hành

Chữa rối loạn kinh nguyệt bằng Đông y thế nào cho hiệu quả nhanh?

Nên chữa yếu sinh lý bằng Đông y hay Tây y?

Top 3 bài thuốc Đông y có tác dụng bổ khí huyết cho phụ nữ hiệu quả nhất

Y học phương Đông: Trị bệnh theo Âm dương - Ngũ hành

Theo Đông y, các vấn đề sức khỏe được gây ra bởi sự mất cân bằng hoặc sự gián đoạn của năng lượng sống (hay còn gọi là khí/qi) trong cơ thể. Khí chảy qua các con đường trong cơ thể được gọi là kinh lạc (Meridian) và được liên kết với một cơ quan cụ thể. Mất cân bằng năng lượng làm gián đoạn dòng chảy bình thường của khí, dẫn đến mất sự hài hòa, bệnh tật và mệt mỏi. Đông y thao túng năng lượng trong các kênh này để khôi phục lại sự cân bằng, giúp bạn khỏe hơn.

Bên cạnh thảo dược và các bài thuốc từ thảo dược vốn đã rất nổi tiếng, một số phương pháp Đông y có vẻ kỳ lạ, nhưng chúng thực sự hiệu quả, bao gồm:

1. Châm cứu (Acupuncture)

Đây là thủ thuật châm/chèn kim mảnh và nhỏ vào những nơi được cho là khí đang bị ứ đọng hoặc nơi mà bạn cảm thấy đau đớn nhằm kích thích khí dọc theo kinh lạc cơ thể, điều chỉnh sự mất cân bằng năng lượng, cải thiện dòng chảy của khí và kích thích dòng máu chảy xung quanh vùng đang bị ảnh hưởng.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh châm cứu có thể giúp tạo điều kiện chữa lành các tình trạng từ đau mạn tính đến buồn nôn ở bệnh nhân ung thư, thậm chí cải thiện kết quả cho phụ nữ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

2. Giác hơi (Cupping)

Giác hơi là liệu pháp lợi dụng áp suất âm trong dụng cụ giác nhằm gây hiện tượng sung huyết tại chỗ để giải độc cơ thể, chữa bệnh. Phương pháp này sử dụng ống nứa, ống thủy tinh, lọ nhỏ hoặc cốc nhỏ để làm dụng cụ giác cùng với bông, nước ấm hoặc cồn. Giác hơi tạo cảm giác giống như massage, tuy để lại một loạt các vết bầm tròn có thể tồn tại một thời gian, nhưng nó lại giúp kiểm soát cơn đau, rối loạn hô hấp, tăng lưu thông, giảm sưng và viêm.

Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Scientific Reports (Anh) năm 2016 cho thấy giác hơi có thể cải thiện chứng đau cơ xơ hóa. Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Iran cho thấy giác hơi có thể giảm buồn nôn sau khi gây mê.

3. Cứu ngải (Moxibustion)

Phương pháp này dùng ngải nhung (được làm từ lá ngải cứu khô tán thành bột mịn) đốt cháy để sản sinh sức nóng trên các huyệt đạo và kinh lạc. Sức nóng của loại thảo dược này được cho là nuôi dưỡng và tăng cường khí, hỗ trợ lưu lượng và lưu thông khí, giảm đau, tăng cường chức năng của các cơ quan và thúc đẩy quá trình chữa bệnh nhanh hơn.

Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Scientific Reports cho thấy kỹ thuật này, cùng với châm cứu, giúp giảm mệt mỏi hiệu quả.

Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Trung Quốc được công bố năm 2015 cho thấy cứu ngải có tác dụng vượt trội, trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với chứng đau cổ do bệnh thoái hóa đốt sống cổ gây ra.

4. Cào da hay cạo gió (Gua Sha)

Kỹ thuật này sử dụng thìa hoặc vật nhỏ tròn như đá để chà lên da cho đến khi nó bầm máu để cải thiện lưu lượng máu đến khu vực bị cạo. Khi các mạch máu yếu hơn bị phá vỡ, nó dẫn đến một quá trình gọi là angiogenesis - sự hình thành và tạo ra các mạch máu khỏe mạnh hơn. Điều này cho phép lưu thông máu giàu oxy đến các khu vực bị ảnh hưởng nhiều hơn nhằm nuôi dưỡng mô, giúp bạn cảm thấy thư giãn, giảm đau và hạnh phúc hơn.

Một nghiên cứu năm 2012 được đăng tải trên Tạp chí Chinese Medicine (Mỹ) cho thấy kỹ thuật này giúp giảm đau ở những người mắc đau cổ và thắt lưng mạn tính.

5. Xem lưỡi (Tongue Diagnosis)

Xem lưỡi là một trong những nội dung quan trọng khi chẩn bệnh trong Đông y. Theo Đông y, lưỡi giống như một bản đồ tiết lộ những gì đang diễn ra bên trong cơ thể bạn: Đầu lưỡi tương ứng với tạng tâm và phế (tim, phổi), bên trái và phải đối ứng với phủ đảm và tạng can (gan, túi mật), trung tâm của lưỡi đối ứng với với tỳ và vị (lá lách, dạ dày), cuống lưỡi đối ứng với tạng thận và bàng quang tiết niệu.

Màu sắc, lớp phủ, đốm, vết sưng và vết nứt ở các vùng đặc biệt của lưỡi có thể là dấu hiệu của sự mất cân bằng trong cơ thể, đại diện cho bệnh hiện tại hoặc các vấn đề sức khỏe trong tương lai có thể phát sinh. Nhìn vào lưỡi có thể biết bạn đang bị rối loạn giấc ngủ, lo lắng, trào ngược acid, đầy hơi, ứ đọng thức ăn, táo bón, tiêu chảy, đái tháo đường, hen suyễn, COPD hoặc tăng huyết áp.

6. Nhĩ châm hay châm loa tai (Auriculotherapy)

Giống như lưỡi, phần bên ngoài của tai tương ứng với các cơ quan và vùng khác nhau trên cơ thể. Việc tác động lực lên các bộ phận của tai có thể giải tỏa các vấn đề sức khỏe khác nhau. Kích thích có thể thực hiện thông qua bấm huyệt, châm kim, dán các viên kim loại hoặc nam châm nhỏ vào các điểm trên tai.

Nhĩ châm có thể giải quyết chứng mất ngủ và giảm đau hiệu quả.

7. Khí công (Qi Gong)

Khí công là sự kết hợp của “khí” (năng lượng sống) với “công” (có nghĩa là kỹ năng thông qua luyện tập). Thực tế hơn, đó là một sự pha trộn giữa tập thể dục và thiền định bằng cách sử dụng tư thế, chuyển động, kỹ thuật thở, tự xoa bóp, âm thanh và sự tập trung.

Một nghiên cứu năm 2017 được đăng tải trên Tạp chí Medicines (Thụy Sỹ) đã kiểm tra tác dụng của khí công đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2 và tìm thấy dữ liệu sơ bộ về tiềm năng của khí công.

Một đánh giá năm 2015 trên Tạp chí Medicine (Mỹ) đã xem xét 20 thử nghiệm để kết luật rằng tập khí công an toàn cho những người bị tăng huyết áp. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khí công giúp giảm huyết áp và thậm chí còn hiệu quả hơn khi kết hợp với thuốc chống tăng huyết áp.

Biết Tuốt H+ (Theo Livestrong)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp