Những điều cần biết về bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ

Phụ huynh cần cẩn thận với bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ khi thời tiết thay đổi thất thường

5 thực phẩm bạn cần tránh khi bị thủy đậu

Bí quyết xóa tan sẹo thủy đậu bằng phương pháp tự nhiên

Làm thế nào để giảm ngứa khi bị thủy đậu?

Vì sao bạn nên tiêm vaccine phòng thủy đậu cho con?

Dưới đây là một vài điều cha mẹ cần biết về bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ để có thể chủ động phòng ngừa, có thể phát hiện sớm và biết hướng xử trí kịp thời nếu không may con mắc bệnh:

Bệnh thủy đậu là gì?

Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh có thể gây sốt, phát ban, ngứa ngáy với các nốt mụn nước trên khắp cơ thể. Bệnh thủy đậu thường xảy ra ở trẻ em dưới 12 tuổi, nhưng người trưởng thành chưa từng bị thủy đậu lần nào, chưa tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh.

Dấu hiệu, triệu chứng cảnh báo bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu thường khởi phát với các triệu chứng như sốt cao (38,3 - 38,8oC), kèm nhức đầu, đau họng hoặc đau bụng trong vài ngày. Sau đó, cha mẹ có thể nhận thấy các nốt phát ban đỏ, ngứa trên da của bé, thường bắt đầu ở vùng bụng, lưng, mặt. Các nốt phát ban sau đó có thể lây lan ra khắp người, bao gồm cả ở đầu, miệng, cánh tay, chân và bộ phận sinh dục của trẻ.

Các nốt phát ban lúc đầu chỉ là những nốt mụn nhỏ, màu đỏ như vết côn trùng đốt. Chúng có thể xuất hiện từng đợt trong 2 - 4 ngày, sau đó phát triển thành mụn nước với thành mỏng, chứa đầy dịch. Các nốt mụn nước này thường gây ngứa rát, khi vỡ ra có thể để lại các vết loét hở, cuối cùng đóng vảy khô, màu nâu.

Bệnh thủy đậu có thể gây ra các nốt mụn nước ngứa rát

Cả 3 giai đoạn (phát ban đỏ, mụn nước, đóng vảy) có thể xuất hiện cùng lúc trên cơ thể. Trẻ có hệ miễn dịch kém, hoặc mắc các bệnh về da liễu khác (như eczema) có thể gặp phải tình trạng phát ban lan rộng, nghiêm trọng hơn.

Bệnh thủy đậu có lây không?

Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan. Hầu hết trẻ nhỏ có anh/chị/em ruột bị thủy đậu cũng sẽ mắc bệnh này (nếu chúng chưa từng bị hoặc chưa được tiêm vaccine phòng ngừa). Các triệu chứng thường sẽ bắt đầu biểu hiện sau khoảng 2 tuần kể từ khi bé đầu tiên mắc bệnh.

Virus thủy đậu có thể lây lan qua các con đường sau:

- Qua đường hô hấp khi ho hoặc hắt hơi.

- Qua dịch nhầy, nước bọt hoặc qua dịch lỏng từ các nốt mụn nước.

- Qua tiếp xúc trực tiếp, dùng chung đồ dùng cá nhân với trẻ mắc bệnh.

Bệnh thủy đậu có thể lây lan ngay trong thời gian ủ bệnh (2 ngày trước khi bắt đầu phát ban) cho tới khi các nốt mụn đóng vảy.

Vì bệnh thủy đậu dễ lây như vậy nên trẻ mắc bệnh nên được cho nghỉ ở nhà tới khi hết phát ban, khô hết các nốt mụn nước. Giai đoạn này thường sẽ kéo dài khoảng 1 tuần.

Điều trị thủy đậu thế nào?

Bệnh thủy đậu là do virus gây nên, do đó uống thuốc kháng sinh không thể điều trị bệnh. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn tấn công vào các vết loét hở (thường là khi trẻ gãi vào các nốt mụn nước), bác sỹ có thể cần kê thêm thuốc kháng sinh cho bé.

Cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi cho trẻ dùng thuốc giảm ngứa, giảm đau

Nếu thủy đậu có nguy cơ gây biến chứng, bác sỹ có thể kê thuốc kháng virus cho trẻ. Nguy cơ biến chứng có thể phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe của bé; Mức độ nhiễm trùng; Thời gian điều trị.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà

Để giúp giảm ngứa ngáy, khó chịu cho bé, cha mẹ có thể thực hiện những điều sau:

- Cho bé chườm lạnh hoặc cho bé ngâm mình trong bồn nước ấm (có thể pha thêm bột yến mạch) mỗi 3 - 4 giờ/lần trong những ngày đầu mắc bệnh để giảm ngứa.

- Lấy khăn mềm vỗ nhẹ (không lau hay xoa mạnh) để làm khô người cho bé.

- Trao đổi với bác sỹ nếu bé cần uống thuốc trị ngứa, hoặc cần dùng kem bôi giảm đau tại các vết loét, nhất là ở vùng sinh dục.

Để tránh tình trạng bé gãi, làm vỡ các nốt mụn nước:

- Cho con đeo găng/bao tay khi ngủ.

- Cắt móng tay và giữ tay bé sạch sẽ.

Nếu trẻ bị rộp trong miệng:

- Cho bé ăn các món nguội, mềm, vị nhạt. Tránh nấu quá mặn, tránh các món có tính acid cao có thể khiến bé thấy đau đớn, khó ăn uống.

Khi nào cần đưa con đi khám?

Đa số trường hợp trẻ bị thủy đậu sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn nên đưa bé đi khám nếu thấy con có các vấn đề sau:

- Bị sốt kéo dài hơn 4 ngày.

- Ho dữ dội hoặc khó thở.

- Có vùng phát ban rỉ mủ (dịch đặc, màu vàng) hoặc các nốt phát ban sưng đỏ, đau đớn.

- Trẻ bị đau đầu dữ dội.

- Trẻ rất buồn ngủ hoặc khó thức dậy.

- Trẻ khó chịu khi nhìn vào đèn sáng.

- Trẻ đi lại khó khăn.

- Nôn mửa.

- Trẻ bị cứng cổ.

Làm sao phòng ngừa bệnh thủy đậu cho con?

Tiêm vaccine là cách đơn giản nhất để phòng ngừa thủy đậu, cũng như giúp các triệu chứng nhẹ hơn nếu bé không may mắc bệnh.

Lịch tiêm chủng thủy đậu như sau:

- Mũi đầu khi trẻ được từ 12 - 15 tháng tuổi.

- Tiêm nhắc lại khi trẻ được 4 - 6 tuổi.

Thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên (chưa tiêm chủng, chưa mắc bệnh thủy đậu lần nào) cũng nên tiêm đủ 2 mũi vaccine, cách nhau từ 4 - 8 tuần.

Vi Bùi H+ (Theo Kidshealth)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ