Thất miên: Tìm về nguồn cội

Có thể điều trị mất ngủ hiệu quả theo Đông y

Tìm lại giấc ngủ ngon sau 4 thập kỷ thức trắng đêm

Mất ngủ làm đủ trò phá hoại cuộc sống của bạn

Mất ngủ đêm nay, nghìn đêm không bù nổi

Teen mất ngủ dễ lạm dụng chất gây nghiện và sex không an toàn

Health+ đã phỏng vấn TS. Vũ Thị Khánh Vân - Nguyên Trưởng khoa A9 Viện Y học cổ truyền Quân đội về chứng mất ngủ và hướng điều trị theo quan điểm Đông y.

Thưa TS. Vũ Thị Khánh Vân, Đông y lý giải như thế nào về căn bệnh mất ngủ?

Theo y học cổ truyền, chứng mất ngủ hay “thất miên” hoặc “bất mị” là chứng khó ngủ, không ngủ được. Có thể không ngủ được ngay từ đầu giấc, đến nửa đêm gần sáng mới chợp mắt, hoặc khi ngủ không sâu giấc, hay mơ mộng, hay tỉnh giấc, lúc tỉnh, lúc ngủ nhiều lần trong đêm. Như vậy, giấc ngủ không đảm bảo được về thời lượng (nhu cầu mỗi tuổi có khác nhau) và chất lượng, làm bệnh nhân luôn than phiền, lo lắng về tình trạng giấc ngủ, ảnh hưởng đến sự hòa nhập xã hội cũng như khả năng lao động nghề nghiệp của họ.

Vì sao cần xét đến cả hai yếu tố thời lượng và chất lượng giấc ngủ? Trên thực tế một số người ngủ được đầy đủ, thậm chí ngủ dài hơn bình thường (người trưởng thành từ 6 - 8/24h) nhưng sáng dậy vẫn mệt mỏi, than phiền về chứng mất ngủ của mình, chính họ là “người mất ngủ”, trong khi có những người có nhu cầu ngủ ngắn, họ ngủ ít hơn người bình thường nhưng lại rất tỉnh táo, hoạt động bình thường vào hôm sau, họ là những “người ngủ ít” mà không coi đó là bệnh lý.

TS. Khánh Vân: "Hầu như ai cũng có lúc trần trọc khó ngủ, tuy nhiên nếu tình trạng đó kéo dài 3 lần trong 1 tuần và liên tục trong 1 tháng, đó là dấu hiệu bệnh lý"

Vâng, vậy đâu là nguyên nhân khiến con người mất ngủ, ngủ không ngon giấc, thưa BS?

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng mất ngủ như: Tuổi cao, tâm sinh lý bất thường trong thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh, thói quen sinh hoạt không điều độ (ăn đêm, nghe nhạc đêm khuya, cà phê, trà đặc, bia rượu vào buổi tối ăn quá no, bụng đói…), bệnh tật (trầm cảm, xương khớp, hen phế quản, tiêu hóa, tiết niệu, đái tháo đường…).

Quan niệm về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh mất ngủ của Đông y thường là do suy nghĩ quá độ làm tâm, tỳ hư yếu, không sinh được huyết để dưỡng tâm thần, hoặc tỳ hư sinh đầm thấp ủng trệ, can thận âm hư làm tướng hỏa vượng, lo lắng mệt nhọc quá độ làm tâm đởm hư… mà sinh bệnh.

Như vậy là có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ. Xin BS cho biết, y học cổ truyền điều trị mất ngủ như thế nào?

Điều trị chứng mất ngủ thì “hư thì phải bổ, nhiệt thì phải thanh, đờm thì phải tiêu đạo”. Ngoài dùng thuốc, người bệnh cần kiên trì áp dụng các phương pháp không dùng thuốc (châm cứu, bấp huyệt, dưỡng sinh, yoga, ngồi thiền…), và thầy thuốc hướng dẫn bệnh nhân bỏ thói quen sinh hoạt không có lợi cho giấc ngủ, dinh dưỡng đủ chất, vận động thể lực phù hợp, giữ gìn sức khỏe góp phần chữa bệnh. Người bệnh có vai trò lớn trong chữa mất ngủ. Dựa vào phương pháp biện chứng, YHCT chia mất ngủ thành nhiêu thể. Sau đây là một số thể hay gặp:

Mất ngủ do tâm tỳ huyết hư: Các yếu tố bên ngoài như áp lực công việc, cuộc sống, lao động vất vả… khiến người bệnh lo nghĩ quá độ, ăn uống không điều độ, ảnh hưởng đến chức năng vận hóa của tỳ vị. Khi tỳ vị hư, không sinh đủ khí huyết (năng lượng, dinh dưỡng) để nuôi dưỡng tâm thần thì sẽ sinh ra mất ngủ. Người bị mất ngủ thể này thường có biểu hiện: Mất ngủ, mộng nhiều, dễ tỉnh, uể oải, hay quên, hồi hộp, ăn không ngon miệng, sắc mặt không tươi, lưỡi nhạt rêu mỏng, mạch tế nhược… Pháp điều trị: Bổ dưỡng tâm tỳ, sinh huyết. Phương: Quy tỳ thang: Đẳng sâm 12gr; Bạch truật 14gr; Hoàng kỳ 12gr; Cam thảo 4gr; Viễn chí 6gr; Phục thần 12gr; Táo nhân 8gr; Long nhãn 6gr; Đương quy 12gr; Mộc hương 6gr, Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Châm bổ các huyệt: Thần môn, Túc tam lý, Nội quan.

Mất ngủ do tâm huyết âm hư: Tâm huyết hư, thần không có chốn nương náu nên gây chứng hư phiền mất ngủ, kèm theo đánh trống ngực, tâm thần mệt mỏi, mạch tế sác. Pháp điều trị: Bổ ích tâm âm. Phương: Thiên phương bổ tâm đan: Nhân sâm 10gr; Huyền sâm 10gr, Đương quy 16gr; Mạch môn 16gr; Thiên môn 16gr; Đan sâm 16gr; Sinh địa 10gr; Bạch linh 10gr; Cát cánh 10gr; Ngũ vị tử 12gr; Táo nhân 12gr; Viễn chí 6gr; Bá tử nhân 16gr, sắc thì uống ngày 1 thang, chia 2 lần. Châm bổ các huyệt: Thần môn, Nội quan, Tam âm giao, Huyết hải.

Mất ngủ do vị bất hòa: Ăn uống không điều độ gây thực tích không tiêu sinh đàm thấp ủng trệ gây nên bụng ngực căng tức, ợ hơi, khó chịu, lưỡi cáu bẩn, bụng đau, đại tiện không thông, mạch hoạt. Pháp điều trị: Tiêu đạo hòa vị hóa đàm. Phương; Bảo hòa hoàn: Sơn tra 12gr, Bán hạ: 12gr, Trần bì: 10gr, La bạc tử: 5gr, Thần khúc: 12gr, Bạch linh: 12gr, Liên kiều: 5gr. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Châm bình các huyệt: Thần môn, Nội quan, châm tả: Phong long, Nội đình.

Mất ngủ do tâm thận bất giao: Nguyên nhân do trí não quá mệt nhọc, căng thẳng hoặc cơ thể suy yếu do ốm đau lâu ngày khiến cho thận âm bị hư tổn, không giao hòa với tâm gây mất ngủ. Biểu hiện là: Bồn chồn, mất ngủ, đánh trống ngực, triều nhiệt đổ mồ hôi trộm, di tinh, gối mỏi, lưỡi đỏ không rêu, mạch tế sác… Pháp điều trị: Giao thông tâm thận. Phương “Lục vị địa hoàng hoàn” kết hợp với “Giao thái hoàn”: Thục địa 320gr; Hoài sơn 160gr; Sơn thù 160gr; Đan bì 120gr; Trạch tả 120gr; Phục linh 120gr; Hoàng liên 120gr; Nhục quế 40gr. Tất cả tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, uống 2 - 3 lần/ngày (8 - 12gr một lần) với nước đun sôi để nguội. Có thể làm thang với liều lượng thích hợp sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần. Châm bổ các huyệt: Tâm du, Thận du, Tam âm giao, Thái khê. Châm bình Thần môn, Nội quan. Cứu từ 5 – 10 phút huyệt Dũng tuyền.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên chú ý sử dụng các thực phẩm hỗ trợ cho giấc ngủ ngon như: hoa quẩ 4 mùa (dưa hấu, vải thiều, nhãn nồng, hạt sen, đu đủ, cam quýt, chuối tiêu…), rau củ (Cà rốt, mồng tơi, rau lang, củ cải đường, lá vông…), mật ong, hải sản, sò huyết, uống thêm sữa… hoặc các sản phẩm thảo dược thiên nhiên.

Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của bác sỹ!

Để điều trị chứng mất ngủ có hiệu quả, ngoài phương pháp sử dụng thuốc và châm cứu còn phải chú ý loại bỏ các stress âm tính, các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu… và tạo cho mình một thói quen làm việc và rèn luyện thể lực khoa học, hợp lý.
Kim Chi H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện