Các quốc gia Đông Nam Á đang loay hoay tìm giải pháp để có thể thích ứng an toàn với đại dịch.
Thủ tướng nêu 6 nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
Thủ tướng: Xác định chiến lược phòng dịch lâu dài, không chủ quan, mất cảnh giác
Số ca tử vong vì COVID-19 tăng nhanh, biến thể Delta đang "nhấn chìm" Đông Nam Á
Đông Nam Á "vật lộn" với biến thể Delta, Isarel chuẩn bị tiêm mũi vaccine thứ 4
Làn sóng dịch COVID-19 đã "càn quét" qua Đông Nam Á vào mùa Hè này, do biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao gây ra. Số ca bệnh tăng mạnh vào tháng 7 và đạt đỉnh ở hầu hết quốc gia vào tháng 8.
Đợt sóng này buộc các nước trong khu vực phải ban hành các hạn chế nghiêm ngặt. Malaysia và Indonesia phong tỏa toàn quốc, còn Thái Lan phong tỏa các khu vực có nguy cơ cao. Hàng triệu người phải ở nhà, các trường học bị đóng cửa, hệ thống giao thông công cộng dừng hoạt động và các cuộc tụ họp bị cấm.
Giờ đây, chính phủ các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Indonesia đang bắt đầu tìm cách phục hồi nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, bằng cách mở lại biên giới và dỡ hạn chế tại các khu vực công cộng, từ bỏ chiến lược "xóa sổ COVID-19" và hướng tới thích ứng an toàn với đại dịch.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng, tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số nơi trong khu vực có thể khiến tình trạng trở nên xấu đi.
Theo CNN, Yanzhong Huang - thành viên cấp cao về y tế toàn cầu tại tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ cho biết, nếu tỷ lệ tiêm chủng không đủ cao, khi lệnh hạn chế được dỡ bỏ, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Đông Nam Á có thể nhanh chóng quá tải.
“Sẽ có sự gia tăng đột biến các ca bệnh nặng, thách thức và gây áp lực thiếu hụt ICU, giường bệnh, máy thở”, ông Yanzhong Huang nói.
Tuy vậy, với phần lớn người dân và nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực, họ dường như không có nhiều sự lựa chọn khác. Nguồn cung vaccine thiếu hụt khiến mục tiêu tiêm chủng của nhiều nước Đông Nam Á khó có thể đạt được trong những tháng tới. Trong khi đó, nhiều người mất việc làm và phải ở nhà trong thời gian dài càng khiến các gia đình rơi vào cảnh khó khăn.
Kế hoạch "Zero COVID" kết thúc?
Một nhóm cư dân tụ tập ca hát, nhảy múa ngoài trời tại công viên ở ngoại ô thủ đô Jakarta, Indonesia vào ngày 19/9 - Ảnh: CNN
Từ tháng 6 đến tháng 8, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhằm cố gắng kiểm soát làn sóng COVID-19.
Malaysia và Indonesia đã áp đặt phong tỏa toàn quốc, trong khi Thái Lan thực hiện phong tỏa các khu vực có nguy cơ cao. Theo đó, hàng triệu người đã được yêu cầu ở nhà bất cứ khi nào có thể, bị cấm đi lại trong nước, tụ tập đông người, trường học đóng cửa và giao thông công cộng ngưng hoạt động.
Kể từ đó, các ca mắc mới hàng ngày đã giảm trên toàn khu vực, mặc dù vẫn ở mức cao.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Philippines ghi nhận gần 20.000 trường hợp mỗi ngày, trong đó Thái Lan và Malaysia có thêm khoảng 15.000 ca mắc mỗi 24 giờ. Tỷ lệ lây nhiễm của Indonesia giảm nhiều nhất, chỉ còn khoảng vài nghìn ca mỗi ngày.
Đỉnh dịch vừa mới qua, một số quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại, dù tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp.
Thái Lan lên kế hoạch đón du khách nước ngoài tới Bangkok và một số điểm đến du lịch khác vào tháng 10, với hy vọng nhằm vực dậy ngành du lịch vốn chiếm 11% GDP vào năm 2019, theo Reuters. Khoảng 21% dân số Thái Lan đã tiêm đủ liệu trình vaccine COVID-19.
Indonesia, quốc gia đã tiêm chủng cho hơn 16% dân số, cũng đã nới lỏng một số hạn chế, cho phép một số khu vực công cộng hoạt động trở lại và các nhà máy hoạt động hết công suất. Du khách nước ngoài từ tháng 10 sẽ được phép tới một số địa phương của Indonesia, bao gồm hòn đảo nghỉ dưỡng Bali, theo Reuters.
Malaysia là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực với hơn 56% dân số đã được tiêm ngừa COVID-19 đầy đủ. Quốc gia này cũng đã mở cửa trở lại cụm đảo du lịch Langkawi, địa điểm nghỉ lễ hàng đầu của đất nước này vào tuần trước. Một số bang của Malaysia cũng bắt đầu nới lỏng hạn chế với người đã tiêm vaccine, bao gồm cho phép ăn uống tại các nhà hàng và đi lại giữa các địa phương.
Việc các nước ở khu vực Đông Nam Á nhanh chóng mở cửa lại đã phản ánh cách tiếp cận thích ứng với COVID-19 như ở Mỹ, Anh và một số nước khác. Mặc dù không đưa ra thông báo chính thức nào, điều này cho thấy các chính phủ đã cân nhắc tới tính bền vững của chiến lược mới. Trong khu vực, Singapore là quốc gia từ bỏ chiến lược "Zero COVID" sớm nhất.
Nguy cơ từ tỷ lệ tiêm chủng thấp
Tỷ lệ tiêm chủng của Đông Nam Á còn quá thấp trước khi quyết định mở cửa trở lại - Ảnh: Reuters
Các chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ tiêm chủng thấp tại Đông Nam Á sẽ khiến việc mở cửa trở lại tại khu vực gặp nhiều rủi ro hơn so với phương Tây. Nhiều quốc gia phương Tây đã tiêm vaccine COVID-19 cho phần lớn dân số, như Anh với tỷ lệ 65% và Canada là gần 70%.
Một số nước phương Tây ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đột biến sau khi mở cửa trở lại, nhưng số bệnh nhân phải nhập viện hoặc tử vong ở mức thấp. Điều này cho thấy lợi ích của vaccine COVID-19 trong cuộc chiến chống đại dịch.
Tỷ lệ nhiễm dương tính với xét nghiệm COVID-19 tại Đông Nam Á cũng vẫn ở mức đáng lo ngại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các nước cần duy trì tỷ lệ dương tính ở mức từ 5% trở xuống trong ít nhất hai tuần trước khi mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tỷ lệ này tại nhiều nước Đông Nam Á đang là 20 - 30%.
WHO còn đưa ra một số khuyến cáo khác như các chính phủ chỉ nên mở cửa nếu đã kiểm soát được đợt bùng phát dịch và hệ thống y tế của họ đủ năng lực phát hiện, xét nghiệm, cách ly và điều trị các ca bệnh. Một số quốc gia chưa đáp ứng được tiêu chuẩn này, song vẫn mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia Đông Nam Á không còn lựa chọn khác. Nguồn cung vaccine trong khu vực ở mức thấp, nay còn trầm trọng hơn do chậm trễ chuyển giao và tình trạng thiếu hụt toàn cầu. Một số quốc gia đã "chậm chân" trong việc mua vaccine khiến họ không kịp chuẩn bị trước khi làn sóng mới ập đến. Có thể kể đến như Thái Lan và Malaysia là những nước không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp từ sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX.
Việc chờ đợi nhu cầu vaccine toàn cầu giảm bớt và nguồn cung tăng lên không phải là lựa chọn của nhiều quốc gia, khi cuộc sống và sinh kế của dân chúng bị gián đoạn nghiêm trọng trong gần 2 năm qua.
"Hàng triệu người đang vật lộn với sinh kế hàng ngày. Một lực lượng lao động khổng lồ ở châu Á đang bị ảnh hưởng bởi đợt suy thoái kinh tế này"- Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực Đông Nam Á của Liên đoàn Chữ thập đỏ Quốc tế, cho biết.
Đó là lý do các tổ chức nhân đạo như Hội Chữ thập đỏ kêu gọi các lãnh đạo thế giới cung cấp thêm vaccine COVID-19 cho những nước nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch tại Đông Nam Á và Nam Á.
Giới chuyên gia cho rằng nếu quyết định mở cửa trở lại trong lúc chờ đợi vaccine, các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải tăng cường biện pháp y tế cộng đồng, xét nghiệm và truy vết tiếp xúc để ứng phó đại dịch. "Nếu không làm điều này, chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt trong vài ngày hoặc vài tuần tới", Rimal cảnh báo.
Bình luận của bạn