Biến thể mới đã lan tới 63 quốc gia, Anh có ca tử vong đầu tiên vì Omicron

Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên trên thế giới có liên quan đến biến thể Omicron.

WHO: Biến thể Omicron lây lan nhanh hơn, làm suy yếu hiệu quả vaccine

3 mũi vaccine Pfizer có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron

Những phát hiện mới nhất về biến thể Omicron

Bộ Y tế tăng cường các biện pháp chống dịch, đề phòng biến chủng Omicron

Những dữ liệu ban đầu cho thấy, biến thể Omicron dễ lây hơn chủng Delta và làm giảm hiệu quả của vaccine phòng COVID-19, nhưng lại gây ra ít triệu chứng nghiêm trọng hơn. Đây là kết luận của các nhà khoa học thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo báo cáo, Omicron gây ra sự giảm sút về hiệu quả của vaccine trong việc chống lại sự lây nhiễm, nhiều khả năng Omicron sẽ vượt qua chủng Delta về quy mô lây nhiễm trong cộng đồng.

Báo cáo cũng cho biết, tính đến thời điểm này, các ca nhiễm biến thể Omicron chỉ bị những triệu chứng nhẹ hoặc hầu như không có triệu chứng.Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo rằng, chưa có đủ dữ liệu để đánh giá toàn diện về độc lực của biến thể này. 

Tổng thống Nam Phi mắc COVID-19

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa - Ảnh: Reuters.

Ngày 13/12, Hãng tin AFP dẫn tuyên bố của Nam Phi xác nhận Tổng thống Cyril Ramaphosa có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và đang được điều trị. Ông Ramaphosa đã tiêm ngừa đầy đủ và có các triệu chứng nhẹ.

Tổng thống Nam Phi nhắc nhở người dân coi việc ông mắc bệnh là lời cảnh báo về tầm quan trọng của tiêm ngừa và luôn cảnh giác. "Vaccine vẫn là sự bảo vệ tốt nhất khỏi bệnh nặng và nhập viện. Những ai đã tiếp xúc với Tổng thống nên theo dõi triệu chứng hoặc xét nghiệm. Tổng thống đang tự cách ly ở Cape Town và đã giao mọi trọng trách cho Phó Tổng thống David Mabuza trong tuần tới", thông báo của Văn phòng Tổng thống Ramaphosa cho biết.

Theo Reuters, thông tin về việc Tổng thống mắc COVID-19 được công bố đúng vào lúc Nam Phi đang phải đối mặt với việc tăng mạnh số ca mắc mới vì biến thể Omicron. Trong vài ngày qua, quốc gia Châu Phi này đã ghi nhận tới gần 20.000 ca mắc/ngày, được tin có liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Trước đó, nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới cũng đã được ghi nhận mắc COVID-19, trong đó, cuối năm 2020, Thủ tướng Eswatini Ambrose Dlamini, đã trở thành nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên trên thế giới qua đời vì COVID-19.

Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan đến biến thể Omicron

Thủ tướng Anh Boris Johnson đến thăm Trung tâm tiêm chủng Stowe ở London vào ngày 13/12/2021 - AFP

Thủ tướng Anh Boris Johnson đến thăm Trung tâm tiêm chủng Stowe ở London vào ngày 13/12/2021 - AFP

Chính phủ Anh đã thông báo một loạt biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Theo đó, từ ngày 14/12, những người đã tiêm đủ vaccine nằm trong danh sách người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 sẽ phải xét nghiệm nhanh hàng ngày trong vòng 7 ngày. Những người chưa tiêm hoặc mới tiêm một mũi vaccine sẽ phải tự cách ly trong vòng 10 ngày.

Anh đã quyết định nâng mức cảnh báo từ mức 3 lên mức 4 trong thang cảnh báo dịch COVID-19 gồm 5 cấp do số ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng nhanh chóng. Mức độ 4 đồng nghĩa với việc "tình trạng lây lan cao và áp lực lớn, ngày càng gia tăng đối với hệ thống chăm sóc y tế". Thủ tướng Boris Johnson cho rằng, nước Anh đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp trong trận chiến với biến thể mới Omicron.

Ngày 12/12, nước này ghi nhận hơn 1.200 ca nhiễm Omicron, nâng tổng số người dương tính với biến thể này lên hơn 3.100 trường hợp, tăng 65% so với một ngày trước đó. Trước sự lây lan của biến thể Omicron, Chính phủ Anh nhấn mạnh tới việc cần phải khẩn trương củng cố bức tường bảo vệ vaccine. Chính phủ Anh đặt mục tiêu tiêm mũi tăng cường cho tất cả những người trên 18 tuổi trước cuối tháng 1/2022. Những người trên 30 tuổi sẽ được tiêm mũi tăng cường từ tuần tới.

Theo Hindustan Times, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 13/12 đã xác nhận ca tử vong đầu tiên liên quan đến biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại nước này. Thủ tướng Anh thừa nhận, biến thể Omicron đang khiến nhiều người phải nhập viện và đã có ít nhất một bệnh nhân tử vong do nhiễm Omicron.

Tuyên bố chung của các quan chức y tế phụ trách vùng của Vương quốc Anh nhấn mạnh, “những bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron đang lây lan nhanh hơn Delta và hiệu quả bảo vệ của vaccine đối với các triệu chứng do Omicron gây ra bị suy giảm”.

Tuần trước, hãng sản xuất vaccine Pfizer/BioNTech cho biết việc tiêm chủng 3 liều vẫn có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Omicron. Hiện các nước có nguồn cung vaccine dồi dào như Anh, Pháp đã khuyến khích người dân đi tiêm liều tăng cường để đối phó với biến thể Omicron.

Tình hình dịch ở Châu Âu ngày càng "nóng"

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở Châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở Châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Châu Âu hiện chính là tâm dịch mới của thế giới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới như: Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Anh là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 54.000 ca), trong khi Nga có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với xấp xỉ 1.100 ca.

Tại Pháp, ông Martin Hirsch, người đứng đầu Tập đoàn bệnh viện AP-HP của Pháp cảnh báo, quốc gia Châu Âu này sẽ chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ 6 dịch COVID-19 vào tháng tới do biến thể Omicron, được cho là có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn trong khi biến thể Delta vẫn đang hoành hành và gây ra làn sóng dịch bệnh thứ 5 tại nước này. Hiện Pháp ghi nhận tổng cộng trên 8,25 triệu ca mắc, cao thứ 7 thế giới, và hơn 120.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Ngày 13/12, bang Queensland của Australia đã mở cửa trở lại đối với tất cả những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau gần 5 tháng "đóng cửa" để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Australia đang chuẩn bị cho phép đi lại tự do đối với hầu hết cả nước vào dịp lễ Giáng sinh sắp tới. Quyết định này được đưa ra sau khi bang Queensland vượt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số từ 16 tuổi trở lên, một điều kiện tiên quyết để tiến tới nới lỏng những quy định phòng ngừa dịch bệnh.

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere cũng vừa thông báo sẽ siết chặt hơn nữa biện pháp phòng dịch trong tuần này để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Tình hình COVID-19 tại quốc gia này diễn biến nghiêm trọng với số ca nhiễm mới và số ca phải nhập viện tăng cao chưa từng thấy, một phần do sự lây lan của biến thể Omicron.

Các quốc gia đang đẩy nhanh chương trình tiêm liều vaccine tăng cường như một biện pháp phòng ngừa sự lây lan của biến thể mới Omicron

Các quốc gia đang đẩy nhanh chương trình tiêm liều vaccine tăng cường như một biện pháp phòng ngừa sự lây lan của biến thể mới Omicron

Tại Châu Á, theo ABC News, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận ca mắc Omicron đầu tiên. Ca bệnh được phát hiện tại thành phố Thiên Tân là một du khách nước ngoài, tới thành phố cảng Thiên Tân hôm 9/12. Bệnh nhân hiện đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện. Cùng ngày, Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho quân nhân nước này trong bối cảnh gia tăng nhiều quan ngại về nguy cơ lây lan biến thể Omicron.  

Ngày 13/12, Hàn Quốc ghi nhận 5.817 ca nhiễm mới và 40 người tử vong vì COVID-19. Đây là lần đầu tiên trong 6 ngày qua, số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc tăng ở mức dưới 6.000 ca. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), Hàn Quốc hiện ghi nhận tổng cộng 114 ca nhiễm biến thể Omicron sau khi có thêm 24 ca mới liên quan đến biến thể này.

Theo TTXVN, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.

Trước sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm Omicron ở Nam Phi khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách từ các quốc gia ở phía Nam Châu Phi và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng.  

Indonesia từng là quốc gia bùng phát dịch nghiêm trọng nhất tại châu Á trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, số ca mắc mới ghi nhận tại quốc gia này trong vài tháng gần đây đã giảm dần, từ mức trung bình 40.000 ca/ngày hồi tháng 7 xuống còn trung bình khoảng 400 ca/ngày vào tháng 11 vừa qua. Indonesia cho biết đã sẵn sàng để bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 6 - 11 tuổi từ ngày 14/12.

Tờ Vientaine Times ngày 13/12 đưa tin, các quan chức Chính phủ Lào và giới doanh nhân nước này đã thảo luận kế hoạch mở cửa lại biên giới cho khách du lịch vào tháng 1/2022, cùng các biện pháp đặc biệt phòng chống COVID-19. Trong khi Thái Lan cho biết sẽ dỡ bỏ tất cả các vùng kiểm soát COVID-19 tối đa ("vùng đỏ"), đồng thời tăng số lượng các vùng thí điểm du lịch kể từ ngày 16/12.

Hiện Việt Nam cho đến nay chưa ghi nhận biến thể Omicron, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan vẫn rất lớn. Bộ Y tế Việt Nam đã đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, nhất là các quốc gia từ phía Nam Châu Phi.

Hiện phản ứng của chính quyền nhiều nước Đông Nam Á trước biến thể mới là đẩy nhanh chương trình tiêm liều vaccine tăng cường cho những người đã đủ 2 liều và tái kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc như yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng, hạn chế tập trung đông người như trước đây.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn