Ăn chay là một chế độ ăn được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học của Đại học Stanford. Quá trình này là kết quả dựa trên 21 cặp song sinh trưởng thành và có ngoại hình giống hệt nhau, có độ tuổi trung bình là 40 tuổi. Một nhóm sẽ được chỉ định ăn thuần chay, nhóm còn lại sẽ ăn theo chế độ ăn lành mạnh bình thường. Họ ăn các bữa ăn được chuẩn bị sẵn trong 4 tuần đầu và 4 tuần sau sẽ ăn các bữa ăn do chính họ tự chuẩn bị dựa trên các bài học dinh dưỡng.
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong thử nghiệm này là methyl hóa DNA, là quá trình sinh hóa quan trọng diễn ra bên trong cơ thể và được ví như công tắc điều khiển mọi hoạt động của tế bào. Công tắc này được thiết lập “bật – tắt” hàng tỷ lần mỗi giây cho phép các hoạt động sinh hóa trong cơ thể được diễn ra một cách bình thường. Khi một gen được “bật” thì các đặc điểm quy định bởi gen này sẽ biểu hiện ra ngoài. Việc bật hay tắt gen này thay đổi theo thời gian, dựa vào lối sống hay môi trường xung quanh của mỗi người từ đó ảnh hưởng đến tuổi sinh học (thuật ngữ được dùng để mô tả sự ảnh hưởng của quá trình lão hoá tới cơ thể) của cơ thể.
Sau 8 tuần nghiên cứu, kết quả cho thấy tuổi sinh học của những người ăn chế độ ăn thuần chay có xu hướng giảm, trong khi nhóm ăn chế độ ăn đa dạng không có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể hơn, Giáo sư Christopher Gardner từ Đại học Stanford cho biết: “Những người ăn thuần chay có sự giảm tuổi sinh học của tim, hệ thống hormone, gan và trao đổi chất”.
Một yếu tố có thể góp phần vào sự khác biệt này là việc giảm trung bình hơn 2kg ở nhóm ăn thuần chay so với nhóm ăn chế độ ăn đa dạng, chủ yếu do lượng calo trong thức ăn ở 4 tuần đầu tiên.
Tiến sĩ Lucia Aronica cũng ở Đại học Stanford, California cho biết thêm: "Những tiến bộ về y tế trong thế kỷ qua đã kéo dài đáng kể tuổi thọ. Tuy nhiên một phần không nhỏ dân số vẫn phải dành khoảng 1/3 cuộc đời để đối phó với ít nhất một tình trạng liên quan đến tuổi tác như bệnh tim hoặc đái tháo đường. Về cơ bản, nếu có thể làm chậm quá trình lão hóa, chúng ta có cơ hội giảm nguy cơ phát triển các bệnh liên quan đến tuổi tác và sống khỏe mạnh hơn chứ không chỉ kéo dài số năm sống".
Bà Aronica nhấn mạnh: “Việc làm chậm tuổi sinh học có thể giúp chúng ta sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và không mắc bệnh mạn tính hoặc các biến chứng”.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu nói trên kết luận rằng cần phải có thêm nhiều nghiên cứu nữa để hiểu được chính xác hơn mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và quá trình lão hoá cũng như ảnh hưởng lâu dài của chế độ thuần chay đối với sức khỏe.
Ăn thuần chay là một chế độ ăn uống chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật bao gồm: Ngũ cốc, trái cây, rau, đậu, quả hạch, hạt và dầu thực vật, tránh tất cả các thực phẩm từ nguồn động vật như thịt, cá, sữa, động vật và trứng. Dù mang lại nhiều lợi ích như giúp kiểm soát cân nặng, kiểm soát lượng đường trong máu và bảo vệ sức khỏe tim mạch, nhưng chế độ ăn thuần chay vẫn tiềm ẩn một số rủi ro nếu không được thực hiện đúng cách. Một trong những thách thức lớn nhất của chế độ ăn này là làm sao đảm bảo lượng protein.
Ngoài protein, chế độ ăn thuần chay còn có thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng khác như vitamin B12, vitamin D, calci, sắt và omega-3. Thiếu hụt các chất dinh dưỡng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm thiếu máu, loãng xương, suy nhược cơ thể và các vấn đề về hệ thần kinh.
Để đảm bảo sức khỏe khi ăn chay, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng. Các chuyên gia sẽ giúp bạn lập kế hoạch ăn uống cân bằng. Việc bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như trái cây, rau xanh, các loại hạt và đậu sẽ giúp bạn có một chế độ ăn thuần chay lành mạnh.
Bình luận của bạn