Trẻ bị đau ngực dữ dội vì áp lực thi

Áp lực học hành, thi cử có thể khiến trẻ có những rối nhiễu tâm trí

Infographic: Áp lực thi cử quấy rầy giấc ngủ ngon

3 thói quen sai lầm làm giảm sút trí nhớ sĩ tử mùa thi

"Bồi bổ" cho trí não mùa thi

Dinh dưỡng mùa thi

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, thời gian vừa qua, khoa Nhi tiếp nhận 2 ca bệnh mà ông vô cùng chú ý. Cả hai bệnh nhân đều có những dấu hiệu bệnh thực thể rõ ràng nhưng khi làm các chẩn đoán, xét nghiệm thì không phát hiện bất cứ bệnh lý nào.

Đó là trường hợp của cô bé 15 tuổi (Ninh Bình) là học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh đang chuẩn bị cho cuộc thi hùng biện tiếng Anh. Thấy con cứ ôm ngực kêu đau, gia đình đã đưa bé ra khoa Nhi, BV Bạch Mai khám. Tại đây, ngoài nhịp tim bé tăng 120 (bình thường chỉ 70 - 80), các xét nghiệm, siêu âm, điện tâm đồ đều không phát hiện một bệnh lý nào.

Sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, tỉ tê hỏi chuyện, các bác sỹ nhận thấy cháu bé này đang rất căng thẳng về kỳ thi hùng biện tiếng Anh. Bản thân cháu cũng thừa nhận, thấy vô cùng áp lực vì phải diễn thuyết trước nhiều người.

PGS Dũng cho biết, chính áp lực về học hành, thi cử khiến bé có những biểu hiện loạn chức năng tim, làm tim đập nhanh, mệt mỏi, đau ngực, hồi hộp. Vì thế khi tâm sự với cháu, biết được hoàn cảnh, các bác sỹ đã động viên, hướng dẫn, bé học 1 - 2 tiếng là nên đứng dậy ra ngoài thể dục 10 - 15 phút. 

Tương tự, hôm 25/3, khoa Nhi tiếp nhận bệnh nhân Hà Hữu Hiệu (12 tuổi ở Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang) trong tình trạng có co giật hơn 1 tuần nay. Trước khi đến khoa, bệnh nhi cũng đã từng được chẩn đoán là động kinh nhưng điều trị không đỡ dù đã chuyển 2 - 3 loại thuốc và được chuyển xuống với chẩn đoán động kinh kháng thuốc. Trong khi đó, với những dấu hiệu trên, bệnh nhân chắc chắn không phải bị động kinh.

Nhưng thực tế, qua thăm khám thì chỉ là rối loạn tâm trí. Dù có những những động tác bất thường như giật chân tay, mắt miệng nhưng không hề có sốt, đứa trẻ vẫn tỉnh táo, vẫn tiếp xúc nói chuyện bình thường. Nếu làm biện pháp ám thị, nhắc trẻ giữ nguyên chân tay đôi khi cơn co giật lại hết.

“Đây là một dạng rối nhiễu tâm trí ở trẻ với biểu hiện là co giật, dễ gây chẩn đoán nhầm với động kinh khiến gia đình bệnh nhân rất lo lắng và đi khám rất nhiều nơi. Nguyên nhân gây tình trạng rối nhiễu tâm trí của trẻ rất nhiều, từ áp lực học tập, thi cử hay trẻ bị ấn tượng mạnh bởi trò chơi bạo lực, mê ipad... 

Ở những trẻ này, khi có thời gian tiếp xúc, hỏi bệnh kỹ sẽ thấy bé thường chịu sự tác động từ môi trường, như bị sức ép học hành quá căng thẳng, áp lực về thành tích học tập, có nhiều cháu học hết chính khóa lại học thêm, không chỉ văn hóa mà cả các môn năng khiếu đàn, ngoại ngữ, múa... khiến trẻ không có thời gian chơi, thư giãn. Ngược lại, lại có một số cháu vì gia đình không quản lý được, những ngày nhàn rỗi trẻ ở nhà ôm máy tính chơi điện tử, xem ti vi, chơi ipad, chat trên mạng... làm trẻ căng thẳng, hoa mắt chóng mặt, đau đầu rồi sau đó có những động tác bất thường kiểu co giật, nhiều khi tưởng là động kinh”, PGS Dũng phân tích.

Cũng theo PGS Dũng, rất tiếc trường hợp này, khi bác sỹ  nghĩ đến nguy cơ, nói chuyện với phụ huynh bé trai được một lần thì sáng hôm sau, ông bố này đã tự ôm con xuất viện. Bác sỹ chưa có điều kiện tiếp xúc, hỏi han nhiều. Với các trường hợp này, bác sỹ phải dành nhiều thời gian tiếp xúc cùng gia đình, bệnh nhi mới có thể tìm ra nguyên nhân để điều chỉnh, giảm những tác động tâm lý cho trẻ”, PGS Dũng nói.

Riêng trường hợp cô bé học sinh giỏi ở Ninh Bình, sau khi tìm được căn nguyên là sự hồi hộp, lo lắng, áp lực thi cử, bác sỹ đã khuyên gia đình cần cho trẻ có thời gian nghỉ ngơi, hoạt động ngoài trời nhiều hơn, gia đình đã làm theo và em không còn hiện tượng này nữa.
"Nhìn chung, với những trường hợp này, cách điều trị hiệu quả nhất là một chế độ học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý. Các bác sỹ thường phải cùng bố mẹ phối hợp chặt, trao đổi xem ở trẻ có vướng mắc gì để cùng tháo gỡ. Do ipad, điện tử, hay do áp lực học hành... đều có những biện pháp thích hợp để giải quyết", TS Dũng nói.

 

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ