Tết Bính Thân, điểm danh 10 đặc sản rượu của Việt Nam (P.1)

Rượu rất thịnh hành trong đời sống người Việt

Tại sao một ly rượu nhỏ cũng khiến tôi thở khò khè?

Uống bao nhiêu nước trước khi đi ngủ tốt cho cơ thể?

Uống rượu say chớ ăn những thực phẩm này

Mạnh bia rượu, yếu chăn gối

Rượu ngô Bản Phố (Lào Cai)

Rượu ngô Bản Phố (rượu ngô Bắc Hà) là một thứ rượu ngon đặc sản của người H'Mong và người Dao ở Bản Phố, cao nguyên Bắc Hà, Lào Cai. Rượu ngô Bản Phố được nấu từ nước lấy từ suối Hang Dế. Ngô dùng nấu rượu là loại ngô mọc trên núi đá cao heo hút, đặc biệt là giống ngô vàng trồng ở xã Lùng Phình sẽ cho ra nhiều rượu có hương thơm nồng rất ngon. Men dùng để nấu rượu là bột bông của cây "pa".

Loại ngô vàng ươm dùng để làm rượu ngô Bản Phố

Rượu nếp San Lùng (Lào Cai)

Rượu San Lùng được chế biến rất công phu. Thóc phải mẩy và được hái về từ khi thóc vào sữa ở độ dẻo khô. Sau đó, thóc sẩy sàng sạch, để nguyên vỏ cho vào chõ đồ, khi nào thấy tất cả mọi hạt nở bung ra trắng xoá thì múc ra mẹt.

Rượu San Lùng

Người Dao ở bản San Lùng dùng men nấu rượu đặc biệt là men lá – loại men được làm là gạo nếp thơm nghiền nhỏ cộng với 15 loại lá rừng. 15 loại lá cây ấy là những vị thuốc giúp chống lạnh, trừ cảm, lưu thông khí huyết, giảm đau nhức khớp, giảm đau đầu. Sau 2 đêm, men ăn thóc làm cả mẹt bốc hơi ngùn ngụt thì cho vào thùng chứa ủ tiếp. Mùa đông thì ủ từ 5-6 ngày, mùa hè chỉ ủ 4 ngày. Rượu San Lùng nhấm 1 ngụm thấy tê tê, ngòn ngọt đầu lưỡi, và đặc biệt thơm mùi men, ngát hương.

Rượu làng Vân (Bắc Giang)

Rượu làng Vân có hương vị đậm đà, êm dịu và thơm lừng, là đặc sản nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Vua Trần Hy Tông từng phong cho sản vật này 4 mỹ tự: “Vân hương mỹ tửu”. Dưới các triều đại phong kiến, rượu làng Vân là lễ vật dâng vua chúa và được dùng trong những buổi yến tiệc ở chốn cung đình.  

Rượu làng Vân

Gạo nấu rượu phải là loại gạo nếp cái hoa vàng được nấu chín thành cơm rồi trộn đều cùng một thứ men bí truyền được làm từ 35 vị thuốc bắc của làng Vân. Người ta ủ cơm này cho chín trong khoảng 3 ngày rồi đổ nước vào ngâm thêm 3 ngày giờ nữa mới đưa lên bếp chưng cất thành rượu.

Ngày nay, nghề nấu rượu ở làng Vân ngày càng được mở rộng, thị trường tiêu thụ không chỉ ở trong nước mà đã xuất khẩu sang cả nước ngoài với những sản phẩm phong phú như: Rượu nếp cái hoa vàng, rượu gạo tẻ, rượu sắn, rượu vodka, rượu nếp hạ thổ...

Rượu Kim Sơn (Ninh Bình)

Rượu Kim Sơn được sản xuất từ các làng nghề truyền thống thuộc huyện miền biển Kim Sơn, Ninh Bình. Rượu được chưng cất từ gạo nếp, men thuốc bắc, nguồn nước giếng khơi tự nhiên, sản xuất theo bí quyết của người dân. Rượu thường có nồng độ cồn cao, trong suốt, bọt tăm rượu càng to thì độ rượu càng cao. Rượu Kim Sơn khi uống vào cảm thấy rất thơm và êm dịu, càng để lâu càng ngon và có tác dụng rất tốt cho sức khỏe khi được ngâm với rắn, tắc kè, sao biển, bìm bịp...

Rượu Kim Sơn - đặc sản Ninh Bình

Rượu Kim Long (Quảng Trị)

Nghề nấu rượu ở làng Kim Long (xã Hải Quế (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) đã ra đời cách đây 200 năm, lưu danh ở thời Pháp thuộc và phát triển đến ngày nay. Theo Đại Nam nhất thống chí biên soạn thời vua Tự Đức, ở quyển thứ tám mục Thổ sản có nhận xét: "Rượu Kim Long ở Hải Lăng, Quảng Trị ngon hơn hết". Điều này càng thể hiện sự trang trọng và vị thế một thời vang bóng của rượu Kim Long.

Rượu Kim Long được làm theo phương thức "thủy thượng" (Ảnh: Vnexpress)

Rượu Kim Long được nấu theo phương thức "thủy thượng". Cơm rượu chứa trong nồi đồng, lửa đun làm hơi rượu bốc lên, gặp nước lạnh ở lao gỗ ngưng tụ thành rượu. Khi chưng cất phải đảm bảo lửa đều, sức nóng vào nồi đồng đều đặn. Chất đốt nấu rượu là cây phi lao - loài cây mọc trên cát có thân chắc, cháy liu riu. Điều này giúp rượu giữ vị nồng cay đặc trưng không thể trộn lẫn.

Ngày nay, người Kim Long canh tác thêm loại gạo đỏ, gạo thảo dược để nấu rượu. Hiện tại, rượu Kim Long có 4 loại, gồm rượu gạo, rượu nếp, rượu đỏ, rượu thảo dược (nồng độ khoảng 45%).

(Còn nữa)

Thu Hà H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Món ngon - Nhà hàng