Bán thuốc như bán rau tại chợ…

Thuốc không rõ nguồn gốc được bày bán tại chợ phiên ở Đồng Văn ̣(Hà Giang)

Những cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu

Thuốc mê chợ ảo náo loạn đời thực

Thuốc giả trị viêm khớp lưu hành trên thị trường

Dùng thuốc giải rượu: Cẩn thận rước bệnh vào thân

Bệnh trĩ có thể chữa khỏi!

Những “dược sỹ bán rau” chuyên nghiệp

Một thực tế đang tồn tại ở các làng quê là những quán bán tạp hóa kiêm luôn... bán thuốc Tây. Thuốc Tây để trong cái rổ nhựa, lẫn với đủ những mặt hàng tạp hóa khác nhau, khách đến mua, nói bệnh, chủ quán cầm vỉ này lên cắt vài viên, cầm vỉ kia lên cắt vài viên, sau đó chia liều và ra toa bằng miệng: “Ngày uống 3 lần”.

Hình ảnh những “quầy thuốc di động” vẫn xuất hiện tại nhiều phiên chợ, ngay cả ở thành phố Hòa Bình. Ở chợ Tân Lập, xã Dân Chủ, người ta bắt gặp một người đàn bà đứng tuổi với chất giọng miền Nam săn đón vào bắt mạch miễn phí. Bà này nói, tôi bị nóng trong, còn bạn tôi bị suy nhược cơ thể?! Vừa phán xong, bà ra hiệu cho một người đàn ông ngồi trên xe máy ngay đằng sau bốc thuốc Nam đựng trong 2 bao tải ra. Điều lạ là kết quả phán khác nhau nhưng thuốc bốc lại giống nhau. Khi khách nói không muốn mua thuốc, người này tỏ ý bực mình.

Còn tại nhiều chợ ở vùng huyện, nhất là các chợ phiên, tình trạng “quầy thuốc đa không” (không giấy phép, không tủ bảo quản, không niêm yết giá, không bán theo đơn, không bằng cấp, không địa điểm cố định...) đã diễn ra từ lâu nhưng vẫn chưa thể “dẹp” được triệt để. Tại chợ ở xã Tự Do, Lạc Sơn, Hoà Bình, người ta bắt gặp cảnh thuốc Tây đựng trong các túi nilon đen, xanh được bày bán trên tấm bạt nhựa. Người bán nghe người dân kể bệnh rồi bán thuốc như dược sỹ chuyên nghiệp.

Thuốc tân dược không rõ nguồn gốc bày bán công khai tại một số chợ phiên ở Mèo Vạc, Đồng Văn, Hà Giang

Vừa qua, ngày 1/12 khi đi tuần tra kiểm soát, Đội kiểm tra liên ngành huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã phát hiện thu giữ hơn 30kg thuốc tân dược không rõ nguồn gốc tại chợ trung tâm xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc. Nhận thấy sự có mặt của lực lượng chức năng, các chủ hàng đã tìm mọi biện pháp để tránh và giấu các số hàng trên. Đoàn kiểm tra đã tổ chức tịch thu toàn bộ, trong số thuốc vừa bị tịch thu có nhiều loại khác nhau: thuốc viên, thuốc tuýt, các loại cao dán, thuốc bôi, dầu cao, xoa bóp, thuốc chữa tiêu chảy. Giá thuốc rất rẻ, chỉ từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng. Toàn bộ số thuốc đều dán mác có chữ nước ngoài không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bà Lê Thị Thanh Hòa - Trưởng phòng Quản lý Hành nghề y, dược tư nhân (Sở Y tế Hòa Bình) cho biết: “Phòng không có chức năng xử phạt mà phải phối hợp với Thanh tra. Cả 2 phòng có 4 người đi kiểm tra địa bàn không xuể. Lần đầu đến, đoàn còn bắt quả tang được đối tượng, tịch thu hàng. Các lần tiếp theo, biết mặt, hễ thoáng thấy bóng người trong đoàn là họ cuốn thuốc lại rồi bỏ chạy. Lực lượng mỏng nên chưa kiểm tra được tại tất cả các chợ”.

Thuốc Đông y cũng “xuống phố”

Theo quy định của nhà nước, kinh doanh thuốc là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các hành vi bị nghiêm cấm và vi phạm trong hoạt động kinh doanh loại mặt hàng này là kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề; Kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hết hạn dùng; Thông tin, quảng cáo thuốc sai sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; bán thuốc tại những nơi không phải là cơ sở bán thuốc hợp pháp…

Thuốc Đông y là thuốc từ dược liệu, được bào chế theo phương pháp y học cổ truyền của Việt Nam và Trung Quốc, thường phân thành 2 loại: Thuốc Nam và thuốc Bắc.

Quy định là vậy, song hiện nay có một số đối tượng "không chuyên" nhưng vẫn "hành nghề" bán thuốc ở những nơi công cộng. Tại các chợ, từ thành thị đến nông thôn, người dân thường được những người lạ tư vấn, bắt mạch và bán thuốc Đông y để điều trị bệnh. Những người này thường đựng thuốc trong túi, mang trên vai để đến giới thiệu cho từng người hoặc bày biện ở một góc chợ nào đó rồi rao bán.

Theo bà Nguyễn Thị Mẻ, xã An Hòa, Tuy An, TP. Tuy Hòa(Phú Yên) thỉnh thoảng lại có vài thanh niên, tuổi đời chừng 30 - 40, tự xưng là người Chăm, ở Ninh Thuận đến đây để bán thuốc cho bà con. Họ giới thiệu đây là thuốc Đông y gia truyền, có thể điều trị nhiều bệnh. Những lần mua thuốc như vậy, mỗi người phải mất từ 200.000 - 300.000 đồng. "Sau khi chúng tôi mua thuốc thì những người này lại nói là sẽ quay lại đây để bán thuốc cho bà con, nhưng họ có tới đâu, bệnh thì cũng không đỡ chút nào", bà Mẻ nói.

Hiện nay, ở những nơi tập trung đông người, khu vui chơi, giải trí, tình trạng bán thuốc Nam, thuốc gia truyền này vẫn còn diễn ra. Đại diện một người bán thuốc loại này tại Di tích Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, Tuy An) nói là đã chặt trái dứa, loại trái có nhiều ở vùng này, sau đó rửa sạch, phơi khô để bán cho người dân. Loại này đem nấu nước uống, có tác dụng mát gan, giải độc… rất tốt. Mới đây, tại chợ Tuy Hòa, bà Mười, bà Bảy ở xã Xuân Lãnh, Đồng Xuân cũng bưng bê những rổ thuốc Nam, thuốc của người dân tộc thiểu số để bán. Mỗi bì là 1 vị thuốc khác nhau, được bán với giá 10.000 đồng (khoảng 2 - 3gram). Bà Mười cho biết: "Chúng tôi giữ những bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian, truyền từ đời này sang đời khác của người già trong vùng. Những cây thuốc này mọc trên núi nên khó khăn lắm chúng tôi mới lấy được. Đây là những loại thuốc có thể trị bệnh đau đầu, bệnh phụ nữ, dạ dày, nhức mỏi…

Hiện nay, việc tìm mua các vị thuốc ngoài chợ là rất dễ dàng

Xã hội phát triển, đời sống kinh tế của mỗi gia đình, mỗi người dân cũng ngày một cải thiện. cuộc sống khá giả, tâm lý mọi người lo cho sức khoẻ là điều dễ hiểu. Đánh vào tâm lý đó, một số đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của khách du lịch để bán hàng thuốc rong. Ở các lễ hội, nhiều đối tượng thường bày bán dọc đường các loại thuốc mà mọi người thường mắc như chứng đau xương, thoái hoá cột sống, vôi hoá đốt sống lưng, đốt sống cổ, bạc tóc...

Trước đây, công an huyện Yên Thế, Bắc Giang đã từng bắt một đối tượng là người Thái Nguyên, bán thuốc lừa đảo ở xã Đồng Kỳ. Với tên vị thuốc là “Phá cố chỉ” - người bán nói đây là loại thuốc có tác dụng chữa bách bệnh. Mỗi lần uống 7 hạt đối với con trai, 9 hạt đối với con gái, nhưng phải uống không cho ai biết thì mới có hiệu quả. Vì là thuốc “chữa bách bệnh” nên loại thuốc này có giá trị rất cao, lên tới 5 triệu đồng chỉ mua được 0,5 kg. Thực tế thì đây chỉ là vị thuốc bổ thận, giá trị thực chỉ có 75.000 đồng/kg.

Trên thực tế thì nhiều người dân, kể cả một số cán bộ đang công tác cũng đã bị lừa mua phải những loại thuốc bán rong với giá cắt cổ. Bị “móc túi” một cách tự nhiên, hay nói cách khác là tự mình móc túi cho tiền kẻ xấu. Những kẻ đi lừa thì đều nắm đúng tâm lý người tiêu dùng, đề cao giá trị của loại thuốc mình bán, trong khi tâm lý người mua thuốc chỉ có hy vọng chữa khỏi bệnh .

Đối với thuốc Tây, nếu không được bảo quản đúng, ánh nắng chiếu trực tiếp vào thuốc Tây có thể thay đổi hoạt chất, khi uống gây hại cho cơ thể. Đó là chưa kể thuốc trôi nổi, chưa được kiểm định có thể là thuốc giả, kém chất lượng. Tốt nhất là mọi người nên đến các cơ sở y tế, phòng mạch được cấp phép để được bác sỹ khám, chẩn đoán bệnh và hướng dẫn cách điều trị. Trường hợp phải dùng đến thuốc Đông y thì người dân nên đến các cơ sở Đông y, thầy thuốc có uy tín, được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hành nghề điều trị, kinh doanh thuốc để được tư vấn và mua thuốc. Điều này sẽ giúp người dân tránh được trường hợp mua phải thuốc kém chất lượng, thuốc sử dụng các chất bảo quản… có hại cho sức khỏe.

Theo BS. Nguyễn Tuyết Mai - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, hàng ngày, bệnh viện phải tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu, khám và điều trị bệnh, đặc biệt, có đến 60% trong số này mua và dùng thuốc mà không cần có đơn của bác sỹ. “Khi dùng thuốc tùy tiện có thể gặp phải những tác dụng phụ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ, xương, khớp hoặc có những thuốc có thể ảnh hưởng đến dạ dày, chảy máu dạ dày. Ngoài ra, khi dùng những thuốc tim mạch có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, về lâu dài có thể gây nên suy thận”, BS Mai cho biết.
Vi Dũng H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết