Chăm sóc răng miệng giúp bảo vệ não bộ

Bảo vệ sức khỏe răng miệng giúp giữ não bộ khỏe mạnh, ngăn ngừa Alzheimer

Người cao tuổi có thể gặp nguy hiểm vì sống một mình

Những hoạt động bổ ích giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

Tìm hiểu về chứng sa sút trí tuệ mà diễn viên Bruce Willis mắc phải

Thực phẩm giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ

Bệnh nha chu là tình trạng viêm mạn tính tại các tổ chức quanh răng, ảnh hưởng đến cấu trúc nâng đỡ răng, khiến răng mất liên kết với tổ chức nâng đỡ này. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2022, có khoảng hơn 1 tỷ người mắc bệnh nha chu trên toàn cầu.

Bằng chứng khoa học chỉ ra, sức khỏe răng miệng làm tăng nguy cơ gặp hàng loạt vấn đề như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, viêm khớp dạng thấp… Một số nghiên cứu theo dõi hiện tại cho thấy, bệnh về răng miệng là một trong những nguy cơ dẫn tới bệnh Alzheimer có thể phòng tránh được. Alzheimer hiện là một trong các chứng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, gây ra tình trạng mất trí nhớ, mất các chức năng nhận thức, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Một nghiên cứu trên 144 nữ tu cao tuổi cho thấy, người bị mất răng nghiêm trọng có nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn 6,4 lần so với người bị mất ít răng. Nghiên cứu quy mô nhỏ năm 2016 cũng cho thấy, ở bệnh nhân bị sa sút trí tuệ nhẹ tới trung bình, bệnh nha chu làm tăng 6 lần nguy cơ suy giảm chức năng nhận thức.

Viêm lợi, viêm nha chu là vấn đề thường gặp ở người mắc chứng sa sút trí tuệ

Viêm lợi, viêm nha chu là vấn đề thường gặp ở người mắc chứng sa sút trí tuệ

Hàng loạt báo cáo khác cũng cho thấy mối liên hệ rất phức tạp giữa sức khỏe răng miệng với sức khỏe não bộ. Đặc biệt, tỷ lệ mắc bệnh về răng cao ở bệnh nhân sa sút trí tuệ không chỉ là nguyên nhân, mà còn có thể là triệu chứng. Trí nhớ suy giảm khiến người bệnh không giữ được thói quen chăm sóc răng đều đặn, nên có nguy cơ bị viêm lợi cao hơn.

Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ như thói quen hút thuốc, trình độ học vấn thấp, cũng góp phần ảnh hưởng tới việc chăm sóc răng miệng kém. Mất răng cản trở việc ăn uống, khiến người bệnh không đáp ứng đủ dinh dưỡng nên chức năng nhận thức có thể suy giảm.

GS Anita Visser – chuyên gia về nha khoa người cao tuổi tại Đại học Groningen (Hà Lan) giải thích: "Không thể kết luận rằng một người bị viêm nha chu sẽ mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng, nếu bạn bị viêm nha chu nặng, nguy cơ mắc Alzheimer sẽ tăng cao".

Theo các chuyên gia, 2 cơ chế có thể lý giải mối liên quan giữa bệnh nha chu và Alzheimer là do vi khuẩn và phản ứng viêm. Các vi khuẩn sinh sống trong khoang miệng có thể ảnh hưởng tới não bộ, góp phần dẫn tới tình trạng thoái hóa thần kinh ở người bệnh Alzheimer.

Bệnh nha chu liên quan tới tình trạng sự gia tăng protein tau trong não người bệnh Alzheimer

Bệnh nha chu liên quan tới tình trạng sự gia tăng protein tau trong não người bệnh Alzheimer

Nghiên cứu năm 2019 được đăng tải trên tạp chí Tiến bộ Khoa học (Science Advances) phát hiện DNA của vi khuẩn gây viêm nướu P. gingivalis ở não của bệnh nhân Alzheimer. Các enzyme gây độc mà P. gingivalis sinh ra cũng xuất hiện ở não người bệnh, tỷ lệ thuận với lượng protein tích tụ. Đây là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán của bệnh Alzheimer.

Chỉ cần vài ngày không đánh răng sạch, trên răng sẽ hình thành lớp mảng bám chứa đầy các vi khuẩn sản sinh ra acid. Hệ miễn dịch sẽ hoạt động để chống lại vi khuẩn, gây nên phản ứng viêm. Viêm nướu lợi là dạng bệnh nha chu nhẹ nhất và có thể điều trị bằng cách đánh răng, loại bỏ mảng bám. Tuy nhiên, nếu không xử lý kịp thời, bệnh có thể chuyển thành viêm nha chu nặng, viêm các tổ chức quanh răng và thậm chí là mất răng.

Tình trạng viêm mạn tính có thể lan từ khoang miệng ra toàn cơ thể. Nguyên nhân là các phân tử gây viêm có thể đi vào máu tới các cơ quan khác, gây ra viêm thần kinh kéo dài ở não bộ, thúc đẩy thoái hóa thần kinh gây ra Alzheimer.

Trước khi có các phát hiện mới về mối liên hệ này, các chuyên gia khuyến cáo, vệ sinh răng miệng là biện pháp chăm sóc sức khỏe đơn giản nhưng quan trọng nhất. 

 
Quỳnh Trang (Theo Washington Post)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Răng hàm mặt