Chó con là đối tượng dễ bị mắc parvo nhất vì chưa được tiêm chủng đầy đủ
Thú cưng cũng giúp chữa lành
Nghiên cứu: Nuôi thú cưng có lợi cho sức khỏe của người cao tuổi
Có phải chúng ta đang yêu thú cưng quá đà?
Vì sao bạn lại trả tiền để chăm sóc thú cưng?
Bệnh parvo ở chó là gì?
Parvo là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan, chủ yếu tấn công vào niêm mạc ruột non của động vật. Chó con dưới 6 tháng tuổi thường là đối tượng dễ mắc bệnh nhất, tuy nhiên, ngay cả những chú chó trưởng thành cũng không hoàn toàn miễn nhiễm. Một số giống chó ngoại như Rottweiler, Doberman pinscher, Pitbull, English springer spaniel và Béc giê có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn so với các giống khác.
Chó có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với phân, chất nôn hoặc các vật dụng bị ô nhiễm bởi vi khuẩn gây bệnh. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 4 - 17 ngày. Đặc biệt, virus parvo có khả năng sống sót trong môi trường rất lâu và dễ dàng lây lan ở những nơi có nhiều chó như công viên, chuồng nuôi. Để bảo vệ sức khỏe cho chó, việc tiêm phòng đầy đủ ngay từ khi còn nhỏ là vô cùng quan trọng.
Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh parvo
Theo Bác sĩ thú y Kathryn Primm thuộc Bệnh viện thú y Applebrook (Mỹ), loại virus này tấn công vào hệ tiêu hoá của chó và các dấu hiệu thường thấy có thể kể đến như: nôn mửa, tiêu chảy (thường có máu), sốt, bỏ ăn, mệt mỏi,…
Đặc biệt, với chó con từ 5 đến 6 tháng tuổi khi chưa được tiêm phòng đầy đủ thường mắc các triệu chứng như nôn mửa và tiêu chảy. Do đó, BS. Primm khuyến cáo, nếu cún cưng của bạn xuất hiện bất kì triệu chứng nào kể trên hãy đưa chúng đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các bước điều trị bệnh parvo
Để xác định bệnh parvo, các bác sĩ thú y sẽ tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu, bao gồm phân tích DNA trong mẫu phân và xét nghiệm máu. Quá trình điều trị bệnh parvo vô cùng phức tạp. Chính vì thế, TS.BS thú y Medora Pashmakova (Mỹ) đã đề xuất một phác đồ điều trị gồm 4 giai đoạn chính:
- Điều trị sốc bằng cách truyền dịch
- Những chú chó bị bệnh thường bị mất nước do nôn mửa và tiêu chảy, vì thế cần bù nước dưới dạng tiêm tĩnh mạch.
- Bổ sung dinh dưỡng.
- Áp dụng các biện pháp y học để bình thường hoá quá trình trao đổi chất.
Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng chú chó, bác sĩ thú y sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất. Trong một số trường hợp nhẹ hoặc đang trong giai đoạn đầu của bệnh, bạn hoàn toàn có thể cho cún điều trị tại nhà.
Tiêm vaccine chính là chìa khoá
Vaccine parvovirus thường được tiêm kết hợp với các loại vaccine khác như DAPP, nhằm bảo vệ toàn diện sức khỏe cho chó con. Lịch trình tiêm chủng cụ thể có thể thay đổi tùy theo khuyến cáo của Hiệp hội Bệnh viện Thú y Mỹ (AAHA) và độ tuổi của chó. Thông thường, chó con sẽ được tiêm 3 liều vaccine bắt đầu từ 6-16 tuần tuổi, với khoảng cách giữa các liều từ 2-4 tuần. Đối với chó trên 16 tuần tuổi, nên tiêm 2 liều vaccine cách nhau 3-4 tuần. Vaccine được tiêm dưới da và cần được tiêm nhắc lại hàng năm để duy trì hiệu lực miễn dịch.
TS. Primm khuyến cáo, việc tiêm phòng đầy đủ vaccine parvo cho chó là một biện pháp phòng ngừa cần thiết. Ngay cả khi bạn không hoàn toàn chắc chắn về lịch sử tiêm chủng của thú cưng thì tiêm nhắc lại vẫn là điều nên làm bởi phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh.
Theo Hiệp hội Y khoa Thú y (Mỹ), một số tác dụng phụ khi tiêm vaccine parvo mà chó có thể gặp gồm đau nhẹ hoặc sưng ở vùng tiêm, sốt nhẹ, giảm cảm giác thèm ăn và giảm cường độ hoạt động.
Làm thế nào để bảo vệ cún cưng khỏi bệnh parvo?
Trong giai đoạn chó con chưa hoàn thiện lịch trình tiêm chủng, việc đảm bảo một môi trường sống an toàn là ưu tiên hàng đầu. Để bảo vệ thú cưng khỏi những tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, bạn nên hạn chế đưa chó con đến những nơi công cộng có đông vật. Thay vào đó, hãy tạo cơ hội cho chúng làm quen với môi trường xung quanh một cách an toàn, ví dụ như trong khuôn viên nhà hoặc các khu vực đã được khử trùng. Việc hạn chế tiếp xúc với những “bạn” chó lạ, đặc biệt là những “bạn chó vô gia cư”, là một biện pháp phòng ngừa thiết yếu. Bên cạnh đó, việc tận dụng ánh nắng mặt trời để khử trùng môi trường xung quanh cũng là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho chó con.
Ngoài ra, TS. Primm nhấn mạnh không nên cho chó uống nước bẩn hoặc ăn những vật lạ được tìm thấy trên đường. Để đảm bảo sức khỏe tối đa cho thú cưng, hãy kiểm tra lại lịch tiêm phòng và bổ sung đầy đủ các mũi nhắc lại phòng bệnh parvo.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), virus parvo không có khả năng lây nhiễm chéo giữa người và động vật. Cụ thể, chủng parvovirus B19 gây bệnh ở người hoàn toàn khác biệt với chủng gây bệnh parvo ở chó mèo.
Mặc dù vậy, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, bạn nên sử dụng đồ bảo hộ cá nhân như găng tay và các sản phẩm khử trùng khi dọn dẹp chất thải hay các khu vực bị ô nhiễm bởi vật nuôi bị bệnh. Biện pháp này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cho chính mình mà còn ngăn ngừa sự lây lan của virus trong môi trường sống chung với nhiều vật nuôi.
Bình luận của bạn