5 thức uống giúp giảm đau họng tại nhà

Uống một ly nước ấm pha chanh và mật ong vào buổi sáng giúp giảm đau họng

Vì sao viêm họng ở trẻ hay tái phát?

Mách bạn cách giúp giảm viêm họng tại nhà hiệu quả

Nguyên nhân nào khiến viêm họng tái phát nhiều lần?

Viêm họng hạt có mủ và những điều có thể bạn chưa biết

Nước ấm pha chanh và mật ong

Đồ uống nóng luôn là lựa chọn tối ưu cho những người bị đau họng trong thời tiết lạnh. Ngoài khả năng giảm đau rát họng, nước ấm còn giúp giảm các triệu chứng như ho và chảy nước mũi.

Uống nước ấm pha thêm chanh còn đặc biệt có lợi khi bạn mắc các bệnh đường hô hấp như cảm lạnh. Trong chanh có một lượng vitamin C đáng kể, giúp tăng cường hệ miễn dịch và giúp bạn khỏi bệnh nhanh hơn. Ngoài ra, mật ong có đặc tính kháng viêm và kháng khuẩn mạnh mẽ, giúp cải thiện nhanh chóng cơn đau họng.

Trà gừng

Gừng được sử dụng trong nhiều bài thuốc cải thiện các bệnh đường hô hấp

Gừng là gia vị có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm cao. Trà gừng nóng có thể giúp làm dịu cổ họng và giảm đau họng nhanh chóng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, chiết xuất gừng tươi có thể bảo vệ cơ thể khỏi virus hợp bào hô hấp gây ra nhiều bệnh ở trẻ em.

Để pha trà gừng, bạn chỉ cần hãm vài lát gừng tươi với 200 – 300ml nước sôi trong 15 phút. Bạn có thể thêm mật ong theo khẩu vị, khuấy đều và uống khi trà còn ấm.

Trà hoa cúc La Mã

Hoa cúc La Mã được phơi khô để pha trà

Nếu bạn không thích mùi hương của trà gừng, hãy thử trà hoa cúc La Mã. Nhờ công dụng an thần và không chứa caffeine, trà hoa cúc La Mã có thể cải thiện tình trạng mất ngủ thường xuyên. Khi giấc ngủ được đảm bảo, hệ miễn dịch có thể chống chọi tốt hơn với các bệnh viêm đường hô hấp trong mùa lạnh.

Trà hoa cúc La Mã còn có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm ở cổ họng. Bạn có thể mua trà hoa cúc La Mã dưới dạng trà khô, trà túi lọc và pha theo hướng dẫn của sản phẩm. Bà bầu nên tránh dùng trà cúc La Mã vì thức trà này có thể kích thích dạ con, làm tăng nguy cơ sảy thai.

Trà bạc hà

Dùng lá bạc hà tươi để pha ly trà bạc hà giảm đau họng

Trong tinh dầu của cây bạc hà chứa menthol, một hợp chất có khả năng chống viêm, tiêu sưng và giảm đau họng hiệu quả. Uống trà bạc hà nóng còn đem lại hiệu quả giống như biện pháp xông hơi, giúp giảm các triệu chứng cảm cúm khác như ho có đờm, nghẹt mũi.

Bạn có thể tận dụng các loại bạc hà có tại nhà để pha trà giảm đau họng. Bạn có thể hãm lá bạc hà tươi với nước nóng trong 5 – 7 phút, tùy theo độ đậm nhạt mà bạn muốn.

Sinh tố hoa quả

Mất vị giác và chán ăn là một trong những biểu hiện thường thấy ở người bị cảm lạnh trong mùa Đông. Tuy nhiên, để cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể, bạn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng và bổ sung nhiều vitamin từ rau củ quả. Biện pháp nhanh gọn nhất để thêm rau củ, trái cây vào chế độ ăn là chế biến thành sinh tố.

Khi bị đau họng, bạn nên ăn những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như: Quả mọng (dâu tây, việt quất), xoài, cải xoăn, rau chân vịt. Khi xay sinh tố, bạn không nên thêm đá, vì đồ ăn lạnh có thể kích thích niêm mạc cổ họng, khiến triệu chứng viêm họng nghiêm trọng hơn.

Nếu triệu chứng đau rát cổ họng kéo dài quá 5 – 10 ngày dù đã uống thuốc trị đau họng, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và có liệu pháp điều trị phù hợp. Đau họng bất thường có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh đường hô hấp khác như viêm amidan, trào ngược acid dạ dày, ung thư vòm họng.
Quỳnh Trang H+ (Theo Insider)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hô hấp