Đảm bảo vệ sinh nhà ở trong mùa dịch

Bên cạnh thực hiện Thông điệp 5K, chúng ta cần vệ sinh nhà cửa để phòng ngừa dịch bệnh

Bộ Y tế yêu cầu tuyệt đối không phun khử khuẩn trực tiếp vào người

Vệ sinh nhà cửa thế nào để ngăn ngừa muỗi?

Vệ sinh nhà cửa mùa dịch Covid-19: Các chất tẩy rửa bạn nên sử dụng

Sử dụng nước rửa tay khô đúng cách để phòng dịch COVID-19

Giữ vệ sinh cá nhân

Mỗi thành viên trong nhà, kể cả trẻ nhỏ đều nên giữ thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng. Biện pháp này giúp giảm mật độ vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh ở trên bàn tay. Những thời điểm bạn cần rửa tay gồm:

- Sau khi đến nơi đông người, đi chợ, sử dụng giao thông công cộng.

- Sau khi hắt xì hơi, ho hoặc xì mũi.

- Sau khi dùng nhà vệ sinh.

- Trước khi chế biến thực phẩm và trước khi ăn.

- Sau khi chăm sóc, hỗ trợ người thân trong nhà vệ sinh thân thể.

Khi rửa tay với xà phòng, bạn nên tạo bọt bao phủ cả bàn tay và chà xát thật kỹ trong ít nhất 20 giây.

Đeo găng tay khi dọn nhà

Sử dụng găng tay dùng một lần khi tiếp xúc với hóa chất khử khuẩn nhà cửa

Để bảo vệ da tay khỏi vi khuẩn và hóa chất có hại, hãy sử dụng găng tay khi vệ sinh nhà cửa. Găng tay cũng là vật có khả năng lây lan vi khuẩn, virus nên bạn cần ưu tiên các loại găng dùng một lần rồi bỏ đi.

Nếu bạn chọn găng tay cao su có thể tái sử dụng, hãy chỉ dùng 1 đôi găng tay cho 1 mục đích duy nhất. Sau khi tháo găng tay, bạn vẫn cần rửa tay lại với xà phòng.

Vệ sinh, khử khuẩn những bề mặt tiếp xúc nhiều hàng ngày

Mặt bàn, mặt bếp, tay nắm cửa, vòi nước, nhà vệ sinh, điều khiển, màn hình thiết bị điện tử… là những bề mặt thường xuyên được chúng ta cầm nắm, chạm vào, nên rất dễ lưu lại virus, vi khuẩn. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ khuyến cáo bạn lau dọn những bề mặt này với dung dịch vệ sinh, khử trùng ít nhất 2 lần/ngày. Việc này càng phải được thực hiện thường xuyên, kỹ lưỡng hơn nếu trong gia đình có người mắc bệnh lây nhiễm như COVID-19.

Trước khi khử khuẩn, bạn cần làm sạch đất, bụi, dầu mỡ trên các dụng cụ cầm nắm, bề mặt trong nhà với xà phòng và khăn mềm.

Lựa chọn dung dịch khử trùng

Những bề mặt như tay nắm cửa cần được khử khuẩn thường xuyên

Việc dùng xà phòng và nước để rửa tay chỉ đem lại tác dụng rửa trôi vi khuẩn, virus bám dính trên tay. Do đó, bạn cần đến những hóa chất có khả năng khử trùng, có thể tiêu diệt mầm bệnh (virus, vi khuẩn, nấm) và giảm nguy cơ lây nhiễm. Những dung dịch khử trùng hiệu quả, an toàn trong không gian nhà ở gồm:

Thuốc tẩy 

Bạn nên chọn thuốc tẩy chứa ít nhất nhất 5-6% sodium hypochlorite để đạt hiệu quả khử khuẩn cao. Pha loãng thuốc tẩy với nước theo hướng dẫn trên bao bì để tẩy rửa nhà cửa. Lưu ý, thuốc tẩy nhạy cảm với ánh sáng và nhiệt độ, cần kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm trước khi dùng.

Cồn Isopropyl 

Cồn Isopropyl (hay Isopropanol, 2-propanol) được sử dụng rộng rãi như một chất khử trùng. Tuy nhiên, bạn cần chọn sản phẩm nồng độ cồn ít nhất 70% để khử khuẩn hiệu quả các bề mặt, vật dụng trong gia đình.

Hydrogen peroxide (hay oxy già)

Hydrogen peroxide là chất có khả năng diệt khuẩn mạnh mẽ. Bạn có thể pha loãng hỗn hợp hydrogen peroxide với nước để phun trực tiếp lên bề mặt như mặt bàn, gạch men. Lưu ý, một số thiết bị công nghệ, nội thất trong nhà có thể bị hỏng nếu tiếp xúc với oxy già.

Cloramin B

Cloramin B là hóa chất chuyên dụng để lau, diệt khuẩn bề mặt, xử lý nước tại hộ gia đình. Bột cloramin được bán tại các nhà thuốc, cửa hàng vật tư y tế với hướng dẫn sử dụng cụ thể. Bạn và người thân cần đeo khẩu trang, găng tay khi dùng cloramin B lau dọn nhà cửa.

Giặt và khử khuẩn quần áo

Khi trở về từ nơi đông người, các thành viên trong gia đình nên thay quần áo và giặt sạch. Hãy sử dụng găng tay dùng một lần để thu gom, giặt quần áo bẩn với nước giặt/bột giặt. Gia đình sử dụng máy giặt, máy sấy có thể chọn chế độ giặt nóng, sấy khô phù hợp với chất liệu vải. Các dụng cụ như giỏ, túi đựng quần áo cũng cần được vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi lần giặt.

Quỳnh Trang H+ (Theo The Spruce)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp