Bổ sung calci cho trẻ thế nào?

Theo thạc sỹ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thiếu vitamin D và calci trẻ sẽ bị còi xương. Nếu trẻ rơi vào nhóm có nguy cơ thiếu các vi chất này hoặc nghi ngờ chế độ ăn hằng ngày không cung cấp đủ thì việc bổ sung là cần thiết. Tuy nhiên, uống bổ sung như thế nào thì cần theo sự hướng dẫn của bác sỹ, không nên tự uống. Nếu cơ thể trẻ thừa calci dẫn đến gây mệt mỏi, chán ăn, sỏi thận, tăng huyết áp..., xương cốt hoá sớm trẻ có thể bị thấp chiều cao. Trong khi đó, thừa vitamin D có thể làm cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng, giảm trí tuệ. Có trường hợp bổ sung vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận, tử vong.

Bổ sung calci cho trẻ như thế nào?

Để cung cấp đủ calci cho trẻ nhỏ, cha mẹ nên có chế độ ăn uống khoa học cho trẻ. Sữa và những chế phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua…) là những nguồn thực phẩm chứa nhiều calci nhất. Sữa nguyên kem và sữa tươi có hàm lượng calci như nhau. Ngoài ra, các loại rau lá có màu xanh sậm, hải sản (tôm, cua, sò), cá, đậu… cũng là những nguồn cung cấp calci tự nhiên cho cơ thể.

Theo thạc sỹ Hải, từ tháng thứ 6, bé có thể ăn được hải sản, trẻ ăn cá nào cũng được nếu ăn cá hồi thì lại càng tốt. Từ 7 tháng tuổi trẻ có thể ăn được tất cả các loại thực phẩm giống người lớn, chỉ khác về số lượng và cách chế biến. Tôm là thức ăn giàu đạm và calci. Từ tháng thứ 7 trở đi có thể cho trẻ ăn tôm đồng, tôm biển. Cua đồng là thức ăn chứa hàm lượng calci cao, vì vậy nên cho trẻ ăn thường xuyên để cung cấp calci.

Ngoài chế độ ăn uống, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý cho con mình thường xuyên được tắm nắng, vận động ngoài ánh nắng để tăng cường hấp thu vitamin D và calci.

Nếu được chỉ định dùng thuốc calci, các bậc cha mẹ nên cho trẻ uống tốt nhất vào buổi sáng, sau khi ăn một giờ.



Các loại hải sản cung cấp lượng calci dồi dào cho trẻ

Dấu hiệu nhận biết trẻ thiếu calci:

- Trẻ quấy khóc, ngủ không ngon giấc, khi ngủ hay giật mình. Mỗi lần như vậy, trẻ có những cơn khóc thét, co cứng toàn thân, đỏ và tím mặt, cơn khóc kéo dài và có thể nhiều giờ hoặc suốt đêm. Càng dỗ, càng ru, càng cho bú, trẻ càng khóc nhiều, có thể ngưng thở trong cơn khóc.

- Ra nhiều mồ hôi, nhất là khi ngủ.

- Tóc rụng thành đường hình vành khăn sau gáy.

- Hay có những cơn co thắt thanh quản gây khó thở, nấc cụt, ọc sữa…

Những trường hợp nặng có thể ngưng thở và thở nhanh, có các cơn tăng nhịp tim và có thể gây suy tim. Trẻ bị còi xương nặng do thiếu calci thì thóp chậm liền, đầu bẹt, lồng ngực dô, chân vòng kiềng hoặc chữ bát, chậm mọc răng, chậm phát triển kỹ năng vận động.

Trẻ lớn hơn thường có những biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, gầy yếu, chóng mặt, đổ nhiều mồ hôi, ngủ không ngon giấc…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lượng calci cần cho mọi lứa tuổi như sau:

- Dưới 6 tháng tuổi: 300 mg/ngày

- Từ 7 - 12 tháng tuổi: 400 mg/ngày

- Từ 1 - 3 tuổi: 500 mg/ngày

- Từ 4 - 6 tuổi: 600 mg/ngày

- Từ 7 - 9 tuổi: 700 mg/ngày

- Từ 10 tuổi: 1000 mg/ngày

- Từ 11- 24 tuổi: 1200 mg /ngày

- Từ 24 - 50 tuổi : 800mg - 1000mg /ngày

- Phụ nữ có thai, người cao tuổi: cần 1200mg - 1500mg /ngày
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp