Xoắn hoại tử buồng trứng: Cẩn thận chẩn đoán nhầm

Làm cách nào để giảm tình trạng đau nhức xương khớp?

Thực phẩm người bị mỡ máu cao nên kiêng

Trẻ bị viêm amidan ho nhiều có nguy hiểm không?

Ngành Dược Việt Nam: Củng cố nội lực, hướng đến tương lai

Một ca chẩn đoán nhầm

Đây là ca bệnh mà bác sĩ Trần Văn Phúc đã tiếp nhận nhiều năm về trước. Bác sỹ viết:

Đó là một bé gái 11 tuổi, đi học về thì kêu đau bụng, người mẹ cho rằng con ăn uống linh tinh ngoài đường nên  bị rối loạn tiêu hóa nên pha một bát nước gừng nóng cho con uống với hy vọng con sẽ hết sau đau vài tiếng. Thế nhưng, đến nửa đêm hôm sau cô bé vẫn đau, kèm thêm nôn ọe không ngừng, gây gây sốt, cho dù cả ngày vẫn uống nước gừng. 

Thấy con không đỡ nên người mẹ đưa con đi khám. 1 giờ sáng, bác sĩ trực ở phòng khám đa khoa khu vực huyện nhìn bệnh nhân, hỏi bệnh sử có tình trạng ăn uống không sạch sẽ. Nôn và đi ngoài phân lỏng. Cặp nhiệt độ 37,5 độ C. Nếu chỉ dừng ở đây thì bệnh cảnh rất giống với nhiễm trùng đường tiêu hoá. Khám bụng mềm, đau khu trú hố chậu phải, điểm ruột thừa McBurney ấn đau nhưng phản ứng thành bụng chưa rõ ràng. Bác sĩ cho xét nghiệm máu kết quả bạch cầu cao, siêu âm ổ bụng có dịch hố chậu phải và tiểu khung phải, nhưng thời ấy máy siêu âm ở phòng khám quá kém nên bác sĩ chẩn đoán sơ bộ theo dõi viêm ruột thừa cấp. Vì là phòng khám chỉ có thể làm tiểu phẫu khâu vá vết thương, bệnh nhân là trẻ em, nên bác sĩ phải chuyển vượt tuyến.

Cha mẹ cô bé liền đưa cô bé bằng xe máy đi 2 giờ đồng hồ lên bệnh viện tuyến trên. Vì cô bé đau bụng nên có lúc khóc to. Hôm đó đúng phiên tôi trực. Bác sĩ ngoại khám xong, chỉ định siêu âm ghi “TD VRT”, máy siêu âm của chúng tôi thời đó cũng chỉ như máy ở bệnh viện huyện, nên khi làm siêu âm phải khám lâm sàng trước, sau đó là căng đầu suy nghĩ.

Tôi kiểm tra vùng hố chậu phải, đứa trẻ đau nhiều, dấu hiệu phản ứng thành bụng rất rõ, chứng tỏ phúc mạc thành tại đó bị tổn thương. Thời tôi làm bác sĩ ngoại trực cấp cứu, không có siêu âm hỗ trợ, thì phản ứng thành bụng là dấu hiệu chỉ định mổ. Tôi cố gắng sờ bụng, tìm mọi cách để đứa trẻ giãn cơ thành bụng, lúc này tôi cảm giác dường như sờ thấy vật giống cục u.

Trẻ bị xoắn buồng trứng thường có triệu chứng đau bụng, nôn ói, sốt... nên dễ bị nhầm với các bệnh lý khác.

Trẻ bị xoắn buồng trứng thường có triệu chứng đau bụng, nôn ói, sốt... nên dễ bị nhầm với các bệnh lý khác.

Siêu âm tổng quát toàn ổ bụng chỉ ghi nhận có dịch hố chậu phải và tiểu khung phải. Tập trung khảo sát manh tràng không bị viêm, đoạn cuối hồi tràng không bị viêm, không có túi thừa, ruột thừa cũng không thấy dấu hiệu viêm. Tất cả các nguyên nhân khác, tôi không tìm thấy, nên bắt đầu tập trung vào buồng trứng. Kích thước buồng trứng phải to hơn bình thường, bờ nét căng như quả bóng, bên trong có ổ dịch kiểu hoại tử. Đây là dấu hiệu của xoắn buồng trứng. Cố gắng tìm, tôi cũng tìm thấy dấu hiệu "xoáy nước" ở cuống xoắn, không thấy tín hiệu mạch máu đi vào buồng trứng. Những dấu hiệu hỗ trợ chẩn đoán xoắn buồng trứng đều có đủ như dịch xung quanh buồng trứng, tử cung bị kéo lệch phải, đại tràng Sigma nằm bên trái.

Đặt bút chẩn đoán xoắn buồng trứng ở trẻ em là vô cùng khó! (Tôi có được sự may mắn, là chưa bỏ sót hoặc bị chẩn đoán nhầm ca xoắn buồng trứng nào, cả người lớn và trẻ em). Mỗi lần đặt bút chẩn đoán, luôn bị áp lực và thời gian chờ đợi phản hồi của bác sĩ phẫu thuật cảm thấy rất dài. Dấu hiệu xoắn buồng trứng như tôi mô tả trên. Nghe thì rất đơn giản, nhưng chỉ khi làm siêu âm mới thực sự áp lực, vì không dễ chút nào.

Đứa trẻ được chỉ định mổ cấp cứu.

Đúng như những gì tôi đã tưởng tượng khi siêu âm, buồng trứng phải to vì sưng phù, bề mặt buồng trứng và vòi trứng tím ngắt, mạc treo buồng trứng bị xoắn quá mức 2 vòng, trong khoang chậu có một lượng dịch máu hồng và có cả máu đông. Bác sĩ phẫu thuật xem xét toàn diện, xác định buồng trứng đã hoại tử, không còn khả năng bảo tồn nên đành cắt bỏ. Chẩn đoán sau mổ: Buồng trứng phải xoắn 720 độ hoại tử!

Khi bác sĩ bước ra khỏi phòng mổ và nói với cha mẹ đứa trẻ, ca mổ đã thành công, nhưng buồng trứng phải bị cắt bỏ, thì vẻ mặt vui mừng của người mẹ vụt tắt. Người mẹ lo lắng hỏi bác sĩ: “Cháu bé như vậy tại sao buồng trứng lại xoắn, cắt buồng trứng rồi, liệu sau này cháu có con được không?” Sau khi bác sĩ giải thích, người mẹ đã thở phào nhẹ nhõm, may mắn là vẫn còn một buồng trứng bên trái.

Tại sao đứa trẻ lại bị xoắn buồng trứng?

Xoắn buồng trứng là bệnh lý gặp ở mọi lứa tuổi, ca bệnh ít tuổi nhất mà tôi đọc được trong tài liệu là 26 giờ sau sinh, trẻ em gái hay gặp ở độ tuổi dậy thì từ 9 - 11.

Có hai nguyên nhân để gặp ở độ tuổi này. Một là vòi trứng hoặc mạc treo buồng trứng ở độ tuổi này khá dài, tuổi này trẻ cũng thích vận động nên buồng trứng dễ bị xoắn. Hai là lứa tuổi này đang dậy thì nên buồng trứng tăng kích thước khá nhanh, nang trứng cũng tăng kích thước nhanh nên buồng trứng dễ bị xoắn hơn. 

Bình thường, buồng trứng có thể xoắn qua xoắn lại 90 độ, nhưng không gây triệu chứng gì, không gây tổn thương gì. Buồng trứng quá nhỏ hoặc quá to vì bệnh lý, thì sẽ khó xoắn, nhưng khi to vừa thì khả năng bị xoắn rất cao, vòng xoắn trên 90 độ có thể gây triệu chứng, xoắn 720 độ thì quá nặng.

Xoắn buồng trứng thường gặp ở bên phải

Xoắn buồng trứng thường gặp ở bên phải

Hơn thế, xoắn buồng trứng thường gặp ở bên phải. Lý do là, hồi manh tràng nằm ở hố chậu phải, bộ phận này di động nhiều, mà lại ở cạnh buồng trứng nên dễ làm cho buồng trứng bị xoắn. Ngoài ra, đa số đại tràng Sigma nằm ở bên trái nên khoang chậu bên trái bị chật chội gây chèn giữ buồng trứng trái khó xoắn hơn, trong khi khoang chậu bên phải rộng rãi nên buồng trứng phải dễ xoắn.

Cũng như vậy với các trường hợp bệnh lý, như chửa ngoài tử cung vỡ hay gặp bên phải, viêm phần phụ cũng hay gặp bên phải, hội chứng Fitz – Hugh – Curtis cũng gặp ở vòi trứng phải lan lên rãnh đại tràng phải và bao gan phải. Siêu âm buồng trứng, căn cứ vào tình trạng hai bên khoang chậu, vị trí buồng trứng, các thành phần liên quan, là bác sĩ có thể phán đoán một người phụ nữ dễ hay khó có thai.

 

Ngoài ra, cũng có một số nguyên nhân khác gây xoắn buồng trứng. 

- Phụ nữ làm thụ tinh ống nghiệm (IVF), bác sĩ cần tiêm thuốc kích trứng, khi đó buồng trứng tăng kích thước nhanh, dịch tiết ra vùng hố chậu, đó cũng là nguyên nhân buồng trứng dễ bị xoắn.

- Một nguyên nhân khác, là quá trình cảm ứng rụng trứng, nhiều nang noãn cùng phát triển dẫn tới buồng trứng tăng kích thước nhanh cũng gây xoắn. Cũng có thể một nang trứng phát triển rất to để phóng noãn, thậm chí phát triển quá mức thành nang bọc noãn, gây hiện tượng buồng trứng bị mất trọng tâm bất thường, dẫn đến xoắn. Ngoài ra, quá trình phóng noãn có thể để lại nang hoàng thể kích thước lớn, đặc biệt là chảy máu trong nang hoàng thể gây phù buồng trứng, gây mất trọng tâm buồng trứng cũng dẫn đến xoắn.

- Một số nguyên nhân xoắn khác, như u nang buồng trứng, nang hoàng tuyến, các loại u buồng trứng cũng có thể gặp xoắn. Có thai cũng là một nguyên nhân gây xoắn buồng trứng, do hoàng thể tăng tiết HCG, dẫn đến buồng trứng tăng kích thước.

Như vậy, xoắn buồng trứng là một bệnh lý khó chẩn đoán nên dễ bị bỏ sót, dễ bị muộn, khi phát hiện thì cần phải mổ sớm để cố gắng tháo xoắn và cố định bảo tồn buồng trứng, cực chẳng đã mới phải cắt bỏ.

BS. Trần Văn Phúc - Bệnh viện Saint Paul
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ