Ca phẫu thuật hồi sinh trái tim cho sản phụ mắc bệnh động mạch chủ

Đau ngực trái dữ dội, sản phụ được chẩn đoán bệnh động mạch chủ phức tạp

Y tế tuần: Bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Ban Tuyên giáo Trung ương đến thăm BV Đại học Y Hà Nội và BV Bạch Mai

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Chuyển đổi số để trở thành bệnh viện thông minh

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và GE Healthcare ký kết hợp tác chiến lược

Theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trường hợp trên là sản phụ 33 tuổi khởi phát bệnh động mạch chủ phức tạp ngay sau sinh chỉ 1 ngày với triệu chứng đau ngực trái dữ dội lan sau lưng và lên cổ.  

Tại bệnh viện, hình ảnh siêu âm tim và chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân bị lóc động mạch chủ loại A cấp, dịch máu khoang màng tim, phồng gốc, hở van động mạch chủ, tắc động mạch cảnh trong trái, chênh lệch nhiều huyết áp tứ chi. Do mới lâm bồn nên tử cung bệnh nhân kích thước lớn, tăng sinh mạch máu nhiều.

Qua thăm khám, các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xác định đây là tình huống lâm sàng rất khó khăn và nguy kịch do khoang màng tim đã có dịch máu. Nếu không phẫu thuật kịp thời, người bệnh có thể bị tử vong do tim bị chèn ép. Ngoài ra tình trạng hở van động mạch chủ có thể nặng lên, gây phù phổi cấp. Tắc động mạch cảnh cũng có thể tiến triển thành nhồi máu não cấp.

Nhận thấy tính cấp thiết, các chuyên khoa liên quan trực tiếp đã hội chẩn và đưa ra phương án phẫu thuật tối ưu nhất. Ngay sau đó, người bệnh được chuyển đến phòng can thiệp để thực hiện nút mạch máu tử cung chọn lọc để giảm thiểu nguy cơ chảy máu tử cung trong và sau mổ. Từ phòng can thiệp nút mạch, người bệnh được chuyển thẳng vào phòng mổ tim.

PGS.TS Vũ Ngọc Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, phẫu thuật viên chính thực hiện ca mổ chia sẻ: “Đây là một trong những trường hợp bệnh động mạch chủ nặng nề, phức tạp và hiếm gặp.” Quá trình thực hiện phẫu thuật bắt đầu bằng tái thông động mạch cảnh trái để đảm bảo nuôi não tối ưu. Sau đó là thực hiện đặt stent và tạo hình sửa chữa van tim, bên cạnh phục hồi lại lưu thông các động mạch vành.

Các bác sĩ đã quyết định sửa chữa gốc động mạch chủ với phương pháp bảo tồn van. Lựa chọn này tránh cho bệnh nhân phải sử dụng thuốc chống đông liều cao cả đời khi phải thay van nhân tạo.

Công đoạn quan trọng cuối cùng là phục hồi các động mạch nuôi não, trong đó có vị trí phục hồi động mạch cảnh trái ở sát vùng góc hàm, ngay tại ngã ba các động mạch cảnh.

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ Trung tâm Tim mạch và Gây mê hồi sức, sau ca mổ xuyên đêm, trái tim của người bệnh đã hồi phục với sức co bóp tốt, cấu trúc và chức năng van tim tương đối bình thường khi siêu âm tim thực quản ngay trong mổ.

Chỉ sau 3 ngày phẫu thuật, người bệnh đã được rút nội khí quản, hoàn toàn tỉnh táo, chức năng các tạng được duy trì ổn định. Các kết quả chẩn đoán hình ảnh của người bệnh trước khi ra viện cũng cho thấy khối phồng động mạch chủ được xử lý triệt để, động mạch vành bị tắc được tái tạo, van hai lá sau tạo hình và kích thước buồng tim trở lại giống như ở người bình thường.

 

PGS.TS Tú lý giải, theo y văn, bệnh lóc động mạch chủ có thể xảy ra ở phụ nữ trong và sau sinh, chủ yếu có liên quan đến bệnh lý mô liên kết hoặc có yếu tố di truyền. Thường gặp nhất là người có kiểu hình Marfan (đây là một bệnh hiếm khiến người mắc có dáng người cao gầy, các ngón tay và chân dài).

Trường hợp sản phụ này không có kiểu hình Marfan, nhưng hình thái giãn lớn của gốc động mạch chủ và tiền sử gia đình có người bị bệnh tương tự gợi ý tới bệnh mô liên kết. Các bác sĩ chuyên khoa di truyền học đã tư vấn cho người bệnh để có kế hoạch chẩn đoán xác định, sàng lọc và kiểm tra định kỳ cho cả gia đình.

Đây là một lưu ý quan trọng cho người bệnh đã được chẩn đoán, phẫu thuật bệnh động mạch chủ. Phụ nữ mang thai có tiền sử bệnh động mạch chủ chưa phẫu thuật cần được theo dõi và chăm sóc đặc biệt trong và sau khi sinh.

 
PV
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin